Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

WHO: Nên tiêm mũi vaccine tăng cường khi Omicron lan rộng

Trong thông báo mới, WHO cho hay mũi tiêm tăng cường giúp giảm nguy cơ nhập viện vì Omicron ở một số nước. Cơ quan này khuyến khích tiêm chủng mũi 3, nhất là nhóm dễ tổn thương.

Theo Los Angeles Times, nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ ủng hộ mạnh mẽ việc tiếp cận các mũi tiêm tăng cường trong bối cảnh Omicron lan rộng toàn cầu. Quyết định này được cho là đã "đảo chiều" sau khi WHO 2 lần kêu gọi hoãn tiêm mũi thứ 3 vào tháng 8-9/2021.

Khi đó, cơ quan này đánh giá mũi tiêm tăng cường không cần thiết cho người khỏe mạnh và có thể gây bất bình đẳng trong vaccine.

Theo tuyên bố đăng tải ngày 8/3, WHO cho biết nhóm chuyên gia của họ kết luận việc tiêm vaccine Covid-19 cung cấp mức độ bảo vệ cao chống lại nguy cơ bệnh nặng, tử vong trong bối cảnh Omicron rất dễ lây lan.

Cơ quan y tế toàn cầu nhận định việc tiêm phòng, bao gồm mũi tăng cường, đặc biệt quan trọng với những người có nguy cơ trở nặng khi mắc Covid-19.

Như vậy, trong thông báo mới, WHO khuyến khích tiêm vaccine mũi tăng cường cho người dân thế giới, nhất là nhóm có nguy cơ cao.

Nhóm chuyên gia của WHO gồm 18 thành viên, tập trung vào tác động từ các biến chủng đáng quan ngại như Omicron và đánh giá hiệu quả của vaccine trước những biến chủng này.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh liều vaccine Covid-19 tăng cường giúp khôi phục khả năng miễn dịch đang suy yếu và bảo vệ khỏi nguy cơ trở nặng. Các chương trình tăng cường tiêm chủng ở Anh, Canada, Mỹ đã được ghi nhận là ngăn chặn sự gia tăng các ca nhập viện vì Omicron.

WHO cho biết họ đang theo dõi sự lây lan toàn cầu của Omicron, bao gồm phiên bản tàng hình BA.2, đã được phát hiện là tái nhiễm ở một số trường hợp.

Nhiều nghiên cứu đánh giá liệu hiện tượng này có gây bệnh nặng hơn hay không và đến thời điểm hiện tại, vaccine Covid-19 vẫn có hiệu quả chống lại nó.

Ngoài ra, WHO cũng lưu ý các loại vaccine Covid-19 hiện tại đều dựa trên chủng nCoV được phát hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc, cách đây 3 năm.

“Kể từ đó, virus tiến hóa liên tục, đáng kể, có khả năng quá trình này sẽ tiếp diễn, dẫn đến sự xuất hiện của các biến chủng mới”, WHO nhấn mạnh và nhận định các công thức vaccine Covid-19 cần được cập nhật.

Hồi tháng 1, WHO đã nới lỏng quan điểm khi khuyến cáo các mũi tiêm tăng cường nên được sử dụng khi quốc gia có đủ nguồn cung cấp, bảo vệ được những người dễ bị tổn thương nhất.

Năm 2021, Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, kêu gọi các nước tạm hoãn liều tăng cường và khuyến khích các quốc gia nên tặng vaccine cho nước nghèo. Thời điểm đó, các nhà khoa học của WHO cho biết sẽ tiếp tục đánh giá dữ liệu.

Nghiên cứu mới: Ăn nhiều rau không giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ

Nhóm chuyên gia Đại học Oxford, Anh, phát hiện ăn nhiều rau xanh không giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim, đột quỵ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần duy trì lối sống, bữa ăn lành mạnh.

Thời điểm hiệu quả của hai liều vaccine Covid-19 giảm mạnh

Theo các chuyên gia tại Mỹ, sau 6 tháng, hiệu quả của vaccine Covid-19 giảm mạnh, đặc biệt ở người từ 80 tuổi trở lên, mắc các bệnh lý nền.

Dịch Covid-19

Xem thêm 2 bài

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm