Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả kiểm toán việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch tại 9 bộ, cơ quan Trung ương và 32 tỉnh, thành phố. Thời kỳ được kiểm toán trong các năm 2020-2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Theo cơ quan kiểm toán, tổng nguồn lực đã huy động cho phòng, chống dịch tại các đơn vị, địa phương kiểm toán là hơn 376.200 tỷ đồng.
Đối với việc quản lý và sử dụng kit test SARS-CoV-2, Kiểm toán Nhà nước cho biết một số đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương được kiểm toán đã mua hơn 58,7 triệu kit và sinh phẩm xét nghiệm PCR với tổng giá trị là 7.973 tỷ đồng. Mức giá sản phẩm khác nhau tùy chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất.
Trong đó, một số đơn vị thuộc Bộ Y tế và các địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM, Hải Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang,… đã mua kit xét nghiệm từ Công ty Việt Á với tổng trị giá hơn 2.161 tỷ đồng qua hình thức mua trực tiếp hoặc đơn vị trung gian.
Riêng Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc chi hơn 617 tỷ đồng để mua sinh phẩm, kit xét nghiệm nhanh, PCR từ Việt Á. Giá mua kit xét nghiệm nhanh từ 47.000 đồng đến 220.500 đồng/kit; bộ kit xét nghiệm PCR từ 126.000 đồng đến 653.571 đồng/bộ.
Tại một số địa phương, mức giá mua kit và sinh phẩm cũng có sự khác nhau. Ví dụ như Hà Nội mua test nhanh từ 48.500 đồng đến 242.000 đồng/test; giá kit test RT-PCR từ 48.500 đồng đến 210.000 đồng/test.
Quảng Nam mua giá kit test PCR từ 200.000 đồng/test đến 300.000 đồng/test. Còn Hải Dương mua kit xét nghiệm nhanh từ 63.000 đồng đến 198.000đ/kit; kit xét nghiệm RT-PCR từ 84.000 đồng đến 181.000 đồng/kit tách chiết, từ 305.000 đồng đến 509.000 đồng/bộ kit định tính.
Trước đó, hồi tháng 1, Tổng cục Hải quan từng công bố thông tin về số liệu nhập khẩu sản phẩm của Việt Á. Theo đó, từ tháng 9 đến tháng 12/2021, doanh nghiệp này nhập khẩu từ Trung Quốc 3 triệu que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên SARS-CoV-2. Giá khai báo khoảng hơn 21.000 đồng/test. Tổng giá trị lô hàng là trên 64 tỷ đồng. Giai đoạn 2017-2021, doanh nghiệp này nhập khẩu 74 tỷ đồng hóa chất, chất thử; 23 tỷ đồng dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm; 123 tỷ đồng máy móc, thiết bị khác.
Trong đại án Việt Á, Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố tổng số hơn 60 bị can về các tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Mới đây nhất, tối 7/6, Bộ Công an khởi tố, bắt giam các ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế), Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch Hà Nội) và Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) sau khi xác định 3 bị can có nhiều sai phạm trong vụ án này.
Tại họp báo Chính phủ chiều 4/6, khi đề cập dòng tiền trong vụ Việt Á, trung tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng Bộ Công an) cho biết bị can Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) khai đã thu lãi 4.000 tỷ đồng và chi "bôi trơn" khoảng 800 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Long gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng
Cựu Bộ trưởng Y tế và cựu Chủ tịch Hà Nội bị cáo buộc vi phạm pháp luật liên quan đến sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.
Ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh bị bắt
Ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra vai trò liên quan vụ Việt Á.
Giá cả tăng cao, giới trẻ cắt giảm nhu cầu ăn chơi
Giang Linh (23 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) không còn thường xuyên lui tới những quán bar, pub, bia thủ công đều đặn mỗi tuần vì giá cả tăng cao.