Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao bạn bị say khi uống rượu bia?

Một người có say hay không phụ thuộc vào nồng độ ethanol trong máu. Nồng độ này ở mỗi người là khác nhau.

Trong những buổi tiệc tùng mừng năm mới, việc mời nhau rượu bia là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều người xuất hiện triệu chứng say, mệt mỏi, đờ đẫn sau khi uống rượu bia. Thậm chí, một số khác có biểu hiện say nặng hơn, không tỉnh táo hay tự điều khiển được hành vi.

Lý giải điều này, bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết có ba con đường chuyển hóa rượu ở trong cơ thể người, đó là tại gan, qua tuyến mồ hôi trên da và thông qua hệ hô hấp.

Trong đó, khoảng 90% số lượng này được chuyển hóa thông qua hệ thống men của gan nhờ hai enzym: alcohol dehydrogenase và aldehyde dehydrogenase. Sản phẩm cuối cùng được tạo ra là carbon dioxide và nước.

Trong cơ thể con người nếu có hai loại men trên, rượu sẽ được phân hủy nhanh hơn, hệ thần kinh trung ương ít bị ảnh hưởng bởi rượu. Khi uống quá nhiều, quá nhanh, vượt khả năng phân hủy của men hoặc thiếu hụt một phần hay hoàn toàn men chuyển hóa, bạn sẽ rơi vào tình trạng say rượu.

vi sao bi say khi uong ruou bia anh 1

Mỗi người có ngưỡng say rượu không giống nhau do nồng độ ethanol trong máu khác nhau. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Tuy nhiên, khả năng của gan có hạn. Nó chỉ sản sinh lượng enzyme nhất định mỗi giờ, ứng với lượng cồn nhất định được chuyển hóa, vì vậy nếu uống quá nhiều gan sẽ không kịp sản xuất.

Một người có say hay không say phụ thuộc vào nồng độ ethanol trong máu. Khi nồng độ ethanol trong máu từ 0,05-0,1% thì bắt đầu say nhẹ. Khi đạt 0,3%, người uống bắt đầu có dáng đi loạng choạng, nói chuyện không kiểm soát (trạng thái say rượu). Khi đạt trên 0,5%, người uống có nguy cơ cao ảnh hưởng tính mạng. Khả năng dung nạp ethanol ở mỗi người cũng không giống nhau.

Theo y học cổ truyền, một số loại dược liệu, thực phẩm dưới đây có thể giúp hỗ trợ giải rượu:

- Cát căn (hay sắn dây): Đây là loại thuốc được ứng dụng nhiều nhất để giải rượu. Sắn dây có thể cải thiện các rối loạn chuyển hóa, trao đổi chất do rượu gây ra.

Lý Thời Trân trong Bản thảo cương mục ghi nhận rằng: "Rễ sắn dây dạng sống đập giập lấy dịch chấp có tác dụng chỉ khát, khứ phiền nhiệt, tán hỏa uất, giải độc rượu, dùng dạng bột thì càng tốt". Vì vậy sau khi say rượu, bạn có thể sử dụng 10-20 g sắn dây để giải rượu.

- Đậu xanh + cam thảo: Nấu 50 g đậu xanh, 10 g cam thảo, thêm đường và nước vừa đủ. Hỗn hợp này có tác dụng giảm nôn, bảo vệ gan, giúp cơ thể mau tỉnh sau say rượu. Bạn cũng có thể dùng chỉ nước sắc đậu xanh cũng đạt được hiệu quả tương tự.

- Nước mật ong: Thành phần chủ yếu của mật ong là đường fructose, có khả năng thúc đẩy phân hủy và hạn chế hấp thu cồn hiệu quả, từ đó làm giảm nồng độ cồn trong máu, giúp tinh thần nhanh tỉnh táo, loại bỏ đau đầu, chóng mặt, cảm giác nôn nao sau khi uống rượu.

- Cúc hoa + thạch quyết minh: Theo y học cổ truyền, cúc hoa có tác dụng thanh can giải độc, hỗ trợ hạ huyết áp, tránh tình trạng sau uống rượu bia bị tăng huyết áp.

Thạch quyết minh có tác dụng nhu nhuận can, nhuận trường thông tiện, hạ mỡ máu, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa rượu. Trà được pha từ sự phối hợp hai dược liệu sẽ làm giảm tác hại của rượu.

- Dưa hấu: Uống 10-15 g nước ép vỏ dưa hấu sau khi uống rượu làm giảm nôn nao, chóng mặt, đau đầu, nôn ra nước chua sau uống, lợi tiểu tiện, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa rượu.

Vì sao không được uống rượu, bia sau tiêm vaccine Covid-19?

Dù người dân được khuyến cáo ăn uống bình thường sau khi tiêm vaccine Covid-19, việc uống rượu, bia vẫn mang lại những ảnh hưởng không tốt.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm