Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì đâu Ai Cập sa lầy trong máu và bất ổn?

Hơn một năm dưới sự dẫn dắt của chính quyền dân bầu đầu tiên, Ai Cập trở về xuất phát điểm hỗn loạn, khi chế đội của nhà lãnh đạo Hosni Mubarak bị lật đổ 2 năm về trước.

Vì đâu Ai Cập sa lầy trong máu và bất ổn?

Hơn một năm dưới sự dẫn dắt của chính quyền dân bầu đầu tiên, Ai Cập trở về xuất phát điểm hỗn loạn, khi chế đội của nhà lãnh đạo Hosni Mubarak bị lật đổ 2 năm về trước.

Việc quân đội Ai Cập tiến hành lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi, tổng thống đầu tiên do người dân bầu lên sau nhiều thập kỷ dưới thời ông Mubarack đã trực tiếp đẩy đất nước trở lại giai đoạn tranh giành quyền lực. Một số nhà phân tích gọi vụ việc lần này là “cuộc cách mạng thứ 2” trên lãnh thổ Ai Cập kể từ khi “Mùa xuân Ả Rập” bùng lên tại Trung Đông – Bắc Phi.

Vì sao người Ai Cập “quay lưng” với Tổng thống Morsi?

Đông đảo người Ai Cập quay lưng với Tổng thống Morsi.

Trong chiến dịch tranh cử tháng 6 năm ngoái, ứng viên Mohammed Morsi của phong trào Huynh đệ Hồi giáo đã giành được sự tin tưởng to lớn của người dân Ai Cập, vốn đã quá chán ngán bạo lực và bất ổn. Thế nhưng tình hình kinh tế bê bết cùng với những cáo buộc của phe đối lập về sự bất lực của đương kim tổng thống khiến làn sóng phản đối lan nhanh trong người dân.

Hầu hết những người đổ xuống đường đều tin rằng, hơn một năm sau khi nắm quyền, Chính phủ của ông Morsi hoàn toàn thất bại trong việc đáp ứng nguyện vọng của người dân đối với tự do và công bằng xã hội. Thậm chí, ông Morsi còn gánh những cáo buộc độc tài cùng đường lối lãnh đạo bảo thủ với những quyết sách mang tính cục bộ, có lợi cho số ít trong xã hội.

Bên cạnh đó, người dân Ai Cập cũng đã quá mệt mỏi với tình trạng tội phạm tràn lan trong xã hội. Nền kinh tế lâm vào trì trệ và chẳng cải thiện được mấy so với khi nhà lãnh đạo Mubarak bị lật đổ. Tỷ lệ thất nghiệp rất cao cùng với gá lương thực, thực phẩm phi mã đẩy cuộc sống của người dân xuống tận cùng của bết bát. Tình trạng thiếu điện, thiếu xăng dầu xảy ra thường xuyên và kéo dài bất kể thời điểm.

Vai trò thực sự của quân đội ở Ai Cập?

Xe tăng hạng nặng của quân đội bao vây dinh Tổng thống.

Kể từ khi nhà lãnh đạo Mubarak bị lật đổ năm 2011, quân đội ngay lập tức tiếp quản vai trò của đất nước và duy trì quyền điều hành tới khi Chính phủ của Tổng thống Morsi được lập ra. Trong thời kỳ đầu của cuộc bất ổn lần này, quân đội gần như đứng ngoài cuộc. Trong động thái đầu tiên, quân đội khẳng định, sẽ “không khoanh tay đứng nhìn” bạo động vượt tầm kiểm soát nếu Chính phủ và phe đối lập không giải quyết được bất đồng.

Thế nhưng, mọi việc đột ngột chuyển hướng vào ngày thứ 2 tuần này, với tuyên bố sẽ can thiệp nếu chính quyền Morsi không đưa gia giải pháp hợp lý nhằm “đáp ứng nhu cầu của người dân”. Tối hậu thư của quân đội có thời hạn 48 giờ để Chính phủ của ông Morsi chứng minh khả năng hoặc bị gạt sang một bên.

Trong những giờ cuối của thời hạn 48 tiếng, các vị tướng cấp cao của quân đội khẳng định: “Chúng tôi thề với Đức Chúa trời rằng, chúng tôi sẵn sàng hy sinh máu và tính mạng của mình cho người dân và đất nước Ai Cập, sẵn sàng chống lại mọi kẻ khủng bố, cực đoan hay ngu dốt”.

Tuy người phát ngôn quân sự khẳng định, lực lượng này sẽ không giành chính quyền bằng một cuộc đảo chính quân sự nhưng một số nguồn tin cho biết, đương kim tổng thống khẳng định ông không còn là người lãnh đạo Ai Cập lúc 19h00 ngày thứ 4 giờ địa phương. Hiện tại, trực thăng quân sự vẫn bay lượn trên khắp bầu trời Cairo trong khi xe tăng, xe bọc thép đang bao vây dinh Tổng thống.

Động thái của Huynh đệ Hồi giáo và những người ủng hộ

Ai Cập đang bị đẩy xa hơn với dân chủ.

Khi phe đối lập xuống đường biểu tình, những cuộc tuần hành cũng được tổ chức để bảo vệ Tổng thống Morsi. Những người biểu tình và một số nhà quan sát nước ngoài cho rằng, việc ép buộc ông Morsi từ bỏ chiếc ghế quyền lực trước thời hạn là sự phá vỡ tiến trình dân chủ Ai Cập, mới chỉ được tiến hành khi chế độ Mubarak bị lật đổ.

Trong tuyên bố mới nhất được đưa ra hôm thứ ba, Tổng thống Morsi vẫn khẳng định Chính phủ của ông là hợp hiến. Thậm chí, vị tổng thống dân bầu đầu tiên của Ai Cập còn cam kết hy sinh cả máu để bảo vệ sự hợp hiến đó. Trong lần tuần hành gần nhất, người ủng hộ ông Morsi cũng đã chiếm một phần quảng trường, phản đối cuộc đảo chính và yêu cầu chế độ quân sự từ bỏ quyền lực.

Trên thực tế, việc lật đổ chính quyền Morsi không giúp bạo lực xuống thang ở Ai Cập. Thậm chí, việc lật đổ chính quyền hợp hiến còn có thể đẩy tình hình Ai Cập trở nên khó lường hơn.

Xét về dài hạn, việc lật đổ Tổng thống Morsi có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm cùng với sự lộng quyền của quân đội Ai Cập khi nhà lãnh đạo được chọn ra từ các cuộc bầu cử dân chủ dễ dàng bị quân đội hạ bệ. Dù xét trên phương diện nào, sự ra đi hoàn toàn không tự nguyện của Tổng thống Morsi cũng đẩy dân chủ ra xa hơn với người dân Ai Cập.

Trịnh Duy

Theo Infonet

Trịnh Duy

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm