Vệ tinh Vinasat-1 và 2, đóng góp quan trọng trong đảm bảo thông tin liên lạc trong nước. Việt Nam cũng đang lên kế hoạch phóng vệ tinh thứ 3 để thay thế khi vệ tinh Vinasat-1 và 2 hết thời hạn.
Khẳng định chủ quyền trên quỹ đạo không gian
Là chuyên gia về lĩnh vực vệ tinh, ông Đoàn Quang Hoan, Uỷ viên Uỷ ban Thể lệ Vô tuyến của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Tổng thư ký Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV), cho biết thông tin vệ tinh có một lịch sử hơn 50 năm kể từ năm 1962 khi vệ tinh Telstar với sự kết hợp của Mỹ, Pháp, Anh được phóng lên quỹ đạo không gian, bắt đầu kết nối hai bờ Đại Tây Dương bằng các tín hiệu thoại và truyền hình.
Kể từ đó đến nay, thông tin vệ tinh trở thành phần không thể thiếu được trong các hệ thống viễn thông toàn cầu, phục vụ đắc lực cho việc kết nối, đặc biệt là kết nối vùng sâu xa trong đảm bảo cung cấp dịch vụ viễn thông, phát thanh truyền hình (PTTH), an toàn cứu nạn…
Ngày 18/4/2008, vệ tinh Vinasat-1 của Việt Nam được phóng lên quỹ đạo 132 độ Đông, đánh đấu một cột mốc lịch sử quan trọng, giúp Việt Nam hoàn chỉnh hệ thống viễn thông bao gồm cả mặt đất và cả không gian. Vinasat-1 đã thành công với việc phủ đầy dung lượng và chỉ vài năm sau, vào năm 2012, VNPT tiếp tục phóng vệ tinh Vinasat-2, nhằm đảm bảo dự phòng dung lượng cho Vinasat-1, đồng thời đáp ứng các nhu cầu về truyền tải đang tăng lên rất nhanh vào thời điểm đó.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, việc phóng thành công Vinasat-1 rồi Vinasat-2 là kết quả của một dự án quốc gia, được Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Tổng cục Bưu điện, sau đó là Bộ Bưu chính Viễn thông cùng với VNPT đã quyết tâm thực hiện và phóng thành công vệ tinh Vinasat-1 và 2.
"Việc phóng vệ tinh Vinasat có ý nghĩa rất là quan trọng, đảm bảo sự kết nối viễn thông, PTTH, an toàn cứu nạn cho vùng sâu, xa, biển và hải đảo; đánh dấu chủ quyền của Việt Nam trên vị trí quỹ đạo địa tĩnh", ông Hoan nhấn mạnh.
"Tôi ấn tượng nhất khi trên tàu ra thăm Trường Sa được xem VTV1 và có thể gọi điện thoại về đất liền qua Vinasat-1. Lúc đó, tôi mới thấm thía được ý nghĩa của vệ tinh Vinasat-1 của Việt Nam, đặc biệt trong đảm bảo an ninh quốc phòng. Đến bây giờ, vẫn không thể nào quên những cảm giác khi thực hiện thành công dự án Vinasat-1. Tôi cũng may mắn được chứng kiến cả hai lễ phóng Vinasat-1, 2 và cảm giác chung là hồ hởi", Ông Hoan cũng chia sẻ.
Thông tin vệ tinh trong hệ sinh thái số, chuyển đổi số (CĐS)
Theo ông Đoàn Quang Hoan, các dịch vụ, ứng dụng mới của thông tin vệ tinh đang phát triển mạnh đó là băng rộng, di động. Thông tin vệ tinh sẽ đóng góp nhiều hơn, tốt hơn vào hệ sinh thái viễn thông toàn cầu và thậm chí tham gia trực tiếp vào hệ sinh thái viễn thông 5G, 6G.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư và công nghệ OSB cho biết OSB là 1 trong 4 đơn vị ở Việt Nam được Chính phủ cấp phép cho cung cấp dịch vụ cố định qua vệ tinh hay còn gọi là Vsat và cung cấp các dịch vụ vệ tinh trên các hệ thống của OSB gắn kết thông qua vệ tinh Vinasat và quốc tế phủ sóng trong khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.
Dịch vụ của OSB đã triển khai ở Việt Nam cũng như ở các nước xung quanh trong khu vực với những khách hàng ở các lĩnh vực khác nhau.
Chia sẻ thêm về vai trò của thông tin vệ tinh trong tình hình mới, ông Phan Ngọc Quang, Tổng giám đốc Công ty thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam (Vishipel) cho biết Vishipel hoạt động trong lĩnh vực thông tin cho các hoạt động trên biển, công tác trực canh, tìm kiếm cứu nạn, cung cấp thông tin an toàn hàng hải, bảo vệ tàu thuyền trên biển.
"Đối với lĩnh vực khác, vệ tinh có thể là một giải pháp phải cân nhắc nhưng đối với hàng hải trên biển thì thông tin vệ tinh là bắt buộc và tối ưu nhất. Có thể hình dung con tàu hoạt động trên biển mênh mông như vậy thì không có hệ thống nào đáp ứng được ngoài vệ tinh", ông Phan Ngọc Quang cho biết.
Việt Nam là quốc gia có biển và hiện biến đổi khí hậu tác động rất lớn nên vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo vẫn có nhu cầu về thông tin vệ tinh. "Thông tin thông tin vệ tinh là cần thiết đối với Việt Nam và vẫn sẽ tồn tại song song với hệ thống mạng viễn thông trên bờ", Tổng giám đốc Vishipel nhấn mạnh.
Trong trường hợp có các sự cố xảy ra liên quan đến thiên tai, bão lũ, tìm kiếm cứu nạn, thông tin vệ tinh luôn hữu ích, đặc biệt là để xử lý các tình huống bất chợt xảy ra hay hệ thống thông tin mặt đất gặp vấn đề, khi đó hệ thống thông tin vẫn được đảm bảo nhờ thông tin vệ tinh.
Ở một khía cạnh nữa, người đứng đầu Vishipel cho biết chúng ta trước đây cứ lo dịch vụ vệ tinh đắt nhưng qua theo dõi thông tin vệ tinh trong thời gian qua thì dịch vụ vệ tinh càng ngày càng rẻ. Minh chứng là ngư dân hiện nay sử dụng dịch vụ thoại vệ tinh rất nhiều. Bà con ngư dân sẵn sàng mua điện thoại vệ tinh trong quá trình đi biển và các nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh hiện nay cũng định hướng giảm giá cước dịch vụ.
Hiện nay, Vishipel làm việc với tập đoàn của Pháp, thuê bao dịch vụ được tính có 99 cent/tháng cho bà con ngư dân và có thể sử dụng dịch vụ này trong quá trình hoạt động trên biển. "Rõ ràng nhu cầu thông tin vệ tinh đối với Việt Nam là cần thiết cả về góc độ quản lý và nhu cầu sử dụng nhờ công nghệ mới, giá thành dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh giảm", ông Quang nói thêm.
Bài toán đặt ra, theo ông Phan Ngọc Quang, là góc nhìn của cơ quan quản lý đối với việc quản lý và cho phép triển khai dịch vụ thông tin vệ tinh của Việt Nam như thế nào trong thời gian tới để phát huy hiệu quả cho người dân được nhiều sự lựa chọn, song song vẫn đảm bảo công tác quản lý của nhà nước.
Đồng quan điểm với ông Quang, ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết dịch vụ vệ tinh sẽ tiếp tục được phát triển ở Việt Nam. Với những bài toán công nghệ mới, ứng dụng mới thì dịch vụ vệ tinh vốn không thể thiếu được trong hạ tầng viễn thông quốc gia vẫn sẽ tiếp tục phát triển.
"Trong xu hướng CĐS và phát triển kinh tế số, OSB xây dựng nền tảng Seacom để đưa dịch vụ Internet băng rộng tới bà con vùng biển, ở vùng sâu, vùng xa ở mức cơ bản như bà con có thể kết nối mạng để bán cá ngay trên biển", ông Sơn cho biết.
Các dịch vụ của OSB đang được đưa ra thị trường và được tiếp nhận khá tích cực bởi ứng dụng phù hợp với nhu cầu của bà con và có giá thành phù hợp.
"OSB làm dịch vụ vệ tinh vì có hai niềm tin là có thị trường và các dịch vụ OSB cung cấp cho thị trường hữu ích và cần thiết cho bà con", người đứng đầu OSB khẳng định.
Phóng vệ tinh Vinasat thứ 3 là cần thiết
Theo ông Hoan, trong tất cả các lĩnh vực, thông tin vệ tinh kể cả thông tin vệ tinh truyền thống FSS (vệ tinh cố định qua quỹ đạo địa tĩnh) vẫn rất là quan trọng, cần thiết và vẫn đang phát triển. Vinasat-1 và 2 là 2 trong số 384 vệ tinh đang hoạt động.
384 vệ tinh này của 45 nước, có nghĩa là Việt Nam là 1 trong 45 nước có vệ tinh địa tĩnh nhưng phải sử dụng đến quyền quỹ đạo của 70 nước trên tất cả các băng tần (băng tần C và Ku và Ka). Sau khi vệ tinh Vinasat-2 phóng vào năm 2012 thì có đến 220 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh và kể từ năm 2015 có 115 vệ tinh viễn thông được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh.
Như vậy, vệ tinh Vinasat-1 và 2 hết hạn sử dụng thì việc thay thế là rất cần thiết. Đầu tiên là để đảm bảo an ninh quốc phòng. Thứ hai là thông tin vệ tinh đáp ứng các dịch vụ kết nối mà không thể cung cấp bằng các phương thức khác, đặc biệt là ở vùng biển, hải đảo. Thứ ba, việc phóng vệ tinh ý nghĩa trong việc giữ quyền về sử dụng quỹ đạo.
Bài toán hiện nay, theo ông Hoan, là cần có giải pháp để thay thế hai vệ tinh Vinasat-1 và 2 vì tuổi thọ của vệ tinh hạn chế. Theo hợp đồng ký kết với nhà sản xuất là vệ tinh Vinasat-1 và 2 đều có tuổi thọ 15 năm có nghĩa là đến năm 2023, Vinasat-1 chính thức là hết tuổi thọ và 4 năm sau, năm 2026, Vinasat-2 cũng hết tuổi thọ.
Vấn đề thay thế như thế nào trong bối cảnh thị trường luôn có diễn biến rất phức tạp. Điều này phụ thuộc yêu cầu về sử dụng cho quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội và rất phụ thuộc vào sử dụng công nghệ thay thế trong các băng tần.
Theo ông Sơn, việc thay thế vệ tinh Vinasat-1 và 2 bằng vệ tinh mới cần tiếp cận vấn đề ở 3 góc nhìn đối với lĩnh vực này, đó là: công nghệ, thị trường và chính sách phát triển. "Về công nghệ vệ tinh bây giờ thay đổi rất là nhiều so với cách đây 20 năm chúng ta xây dựng Vinasat-1 và như vậy câu chuyện băng tần cũng đã khác, theo đó, cần phải cân nhắc các băng tần C, Ku, Ka để đạt được lợi thế về độ tin cậy".
Ông Sơn cũng cho rằng việc phóng vệ tinh cần xem xét các yếu tố để đảm bảo chủ quyền quốc gia trên quỹ đạo và bài toán kinh doanh.
Ông Đoàn Quang Hoan nhấn mạnh rằng Việt Nam đã giành được tài nguyên quỹ đạo vệ tinh và phải cố gắng giữ. Điểm nữa là thị trường vệ tinh cố định đang được dự báo có xu hướng giảm nhẹ, gây khó khăn cho Vinasat nhưng theo dự báo thị trường này vẫn rất sáng sủa và sẽ đạt khoảng hơn 24 - 26 tỷ USD vào năm 2026, có nghĩa là tỷ lệ tăng trưởng của thị trường cỡ từ 5 - 6%/năm.
"Nếu như những dự báo này của quốc tế là đúng thì việc tiếp tục duy trì phát triển vệ tinh Vinasat ở vị trí dịch vụ FSS vẫn có cơ hội, rất cần thiết", ông Hoan khẳng định.
Lý do công ty của Elon Musk phóng hàng nghìn vệ tinh vào vũ trụ
SpaceX đã phóng hàng nghìn vệ tinh Starlink lên vũ trụ kể từ 2018. Lượng vệ tinh lớn đặt ra nhiều lo ngại về môi trường.
Kính viễn vọng 10 tỷ USD gửi dữ liệu về Trái Đất như thế nào?
Ở độ cao 1,5 triệu km, kính viễn vọng James Webb sử dụng băng tần giống các dịch vụ Internet vệ tinh để gửi dữ liệu về Trái Đất.
90.000 người gửi đơn ủng hộ Elon Musk
Người dùng Internet vệ tinh của Starlink đã gửi đơn ủng hộ Elon Musk lên FCC trong cuộc tranh chấp tần số 5G với dịch vụ đối thủ Dish Network.
Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.