Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Unilever tham vọng tăng thị phần ngành kem ở Việt Nam

Sau nhiều năm bị các đối thủ trong nước vượt mặt, Unilever vừa đưa thương hiệu kem lớn nhất về Việt Nam, với kỳ vọng chiếm lĩnh thị phần ở phân khúc cao cấp.

Thương hiệu kem Magnum vừa chính thức ra mắt tại Việt Nam. Đây là dòng kem cao cấp đã có mặt tại hơn 80 thị trường và đóng góp lớn nhất cho ngành hàng kem của Unilever trên toàn cầu.

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, ông Abhijit Kulkarni - Giám đốc ngành hàng kem Thái Lan, Malaysia, Singapore và Việt Nam của Unilever - cho hay đây là bước đi chiến lược để tập đoàn gia tăng thị phần ở Việt Nam.

Theo ông, mặc dù Unilever là nhà sản xuất kem lớn nhất thế giới, quy mô kinh doanh trong lĩnh vực này ở Việt Nam còn nhỏ, bởi sự lớn mạnh của các đối thủ trong nước.

Ông Abhijit Kulkarni - Giám đốc ngành hàng kem Thái Lan, Malaysia, Singapore và Việt Nam của Unilever - chia sẻ trong sự kiện ra mắt thương hiệu Magnum tại Việt Nam. Ảnh: Unilever.
nganh kem anh 1
nganh kem anh 1

Ông Abhijit Kulkarni - Giám đốc ngành hàng kem Thái Lan, Malaysia, Singapore và Việt Nam của Unilever - chia sẻ trong sự kiện ra mắt thương hiệu Magnum tại Việt Nam. Ảnh: Unilever.

Tạo ra cuộc chơi mới ở phân khúc cao cấp

Unilever gia nhập thị trường kem Việt Nam từ năm 1997 với nhà máy Wall's được đầu tư 22 triệu USD tại TP.HCM. Đây được xem là nhà máy kem lớn nhất Việt Nam thời điểm đó. Tuy nhiên, Wall's đã phải rút khỏi thị trường năm 2003 và bán nhà máy lại cho Kido.

Sự trở lại của Wall's sau này cùng sự gia nhập của nhiều tên tuổi khác đã làm thị trường kem trong nước trở nên sôi động hơn. Theo số liệu gần nhất được công bố của Euromonitor, doanh số bán kem năm 2020 ở Việt Nam đạt 3.793 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2019. Các năm trước đó, thị trường luôn tăng trưởng hai chữ số.

Tuy nhiên, thị phần của 3 doanh nghiệp lớn gồm Kido, Unilever và Vinamilk đã lên đến 64%. Điều đáng nói, trong khi Unilever là cái tên duy nhất giữ được đà tăng liên tục suốt giai đoạn 2016-2020, tập đoàn này mới chiếm được khoảng 10-11% thị phần, chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với Vinamilk. Trên dưới 40% miếng bánh thị trường thuộc về Kido.

Đến năm 2023, dữ liệu từ Euromonitor ghi nhận Kido đã nắm giữ 44,5% thị trường kem, trong đó chỉ riêng Merino và Celano đã chiếm lần lượt 24,2% và 19,2% thị phần, cao hơn con số của toàn ngành hàng kem của Unilever và Vinamilk.

Created with Highcharts 8.2.2%DIỄN BIẾN THỊ PHẦN CỦA 3 DOANH NGHIỆP DẪN ĐẦU NGÀNH KEM VIỆT NAM GIAIĐOẠN 2016-2020Dữ liệu: Euromonitor International.KidoUnileverVinamilk2016201720182019202001020304050
DIỄN BIẾN THỊ PHẦN CỦA 3 DOANH NGHIỆP DẪN ĐẦU NGÀNH KEM VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2016-2020
Dữ liệu: Euromonitor International.
Nhãn20162017201820192020
Kido % 39.242.141.743.143.5
Unilever
9.91010.310.611.1
Vinamilk
9.79.49.29.29.1

Trước khi Magnum xuất hiện, Unilever có 3 nhãn hiệu được biết đến nhiều ở Việt Nam là Cornetto, Paddle Pop và Wall’s. Ông Abhijit Kulkarni nhấn mạnh Magnum sẽ là động lực tăng trưởng lớn trong thời gian tới của tập đoàn tại Việt Nam.

"Đây là cách chúng tôi tạo khác biệt với các đối thủ nội địa. Chúng tôi muốn cạnh tranh trong một phân khúc cao cấp hơn, nơi chúng tôi đã có kinh nghiệm triển khai ở các thị trường quốc tế. Chúng tôi tin nếu làm tốt, Magnum có thể tăng trưởng 15-20% mỗi năm ở Việt Nam", ông nói.

Trên thực tế, 10 thương hiệu kem phổ biến nhất ở Việt Nam tính đến năm 2020 theo thống kê của Euromonitor đều thuộc phân khúc trung cấp và bình dân. Thị trường kem cao cấp chưa có nhiều tên tuổi lớn hay chiếm thị phần cao.

Một thị trường còn nhiều dư địa

Theo người đứng đầu ngành hàng kem trong khu vực của Unilever, thị trường kem Việt Nam vẫn chưa được coi là phát triển. So với nước láng giềng Thái Lan, ông Abhijit Kulkarni cho rằng thị trường này đang đi trước Việt Nam 10 năm do thu nhập bình quân đầu người cao hơn, các thương hiệu cao cấp cũng có mặt sớm hơn.

Ở Việt Nam, ông đánh giá tỷ trọng tiêu thụ kem trong thu nhập bình quân đầu người còn ở mức thấp. Điều đó có nghĩa là dư địa tăng trưởng còn lớn, và ông cho rằng các thương hiệu cao cấp sẽ dẫn đầu sự tăng trưởng này.

Với Unilever, đây là thời điểm thích hợp cho Magnum để ra mắt tại Việt Nam. Ông Abhijit Kulkarni nhìn nhận trong 10 năm qua, nhất là 5 năm gần nhất, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, nhờ đó tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh mẽ.

Cùng với đó, người tiêu dùng cũng có cơ hội tiếp xúc với các thương hiệu toàn cầu. Ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế cao cấp, từ lĩnh vực ôtô đến thực phẩm, đến Việt Nam và kinh doanh hiệu quả. Do đó, ông tin rằng người tiêu dùng nơi đây đã sẵn sàng đón nhận các sản phẩm cao cấp, ở cả góc độ chi trả lẫn trải nghiệm.

Mặt khác, sự phát triển của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi... trong những năm qua cũng là cơ sở để Magnum gia tăng sự hiện diện.

"Đã đến lúc những thương hiệu như chúng tôi mang những điều mới mẻ đến đây và thúc đẩy thị trường tăng trưởng hơn nữa. Đó là lý do dù quy mô thị trường còn thấp nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đầu tư rất lớn", ông Abhijit Kulkarni chia sẻ.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Bài liên quan

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm