Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tướng Trung Quốc cảnh báo chủ nghĩa quân phiệt hồi sinh

Một quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc hôm qua cảnh báo người yêu chuộng hòa bình trên thế giới nên cảnh giác trước sự hồi sinh của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.

Sun Jianguo, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), nhận định thay vì ăn năn và sửa chữa những lỗi lầm trong quá khứ, các nhà lãnh đạo cánh hữu Nhật Bản ngang nhiên thăm đền Yasukuni, nơi thờ những tướng lĩnh và binh sĩ từng gieo rắc nỗi kinh hoàng cho các quốc gia láng giềng trong Thế chiến thứ hai.

Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường lớp Hatakaze.
Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường lớp Hatakaze. Ảnh: Wiki.
Trong bữa tiệc trưa ngày 22/6 trong khuôn khổ Diễn đàn Hòa bình Thế giới lần thứ 3, tổ chức tại Đại học Thanh Hoa ở thủ đô Bắc Kinh, Tướng Sun nhấn mạnh: “Tất cả các quốc gia nên rút ra bài học từ lịch sử và thể hiện mong muốn xây dựng hòa bình và phát triển thay vì bám vào những ý tưởng đã lỗi thời hoặc đi ngược lại trào lưu của lịch sử”.

Phó tổng tham mưu trưởng PLA còn liệt kê những hành vi mà ông cho là đi ngược lại lịch sử của Nhật Bản, bao gồm việc sửa đổi nội dung sách giáo khoa và xem xét lại tuyên bố Kono về nô lệ tình dục thời chiến tranh, sửa đổi hiến pháp hòa bình và tiến hành những bước đi nhằm thực hiện quyền tự vệ tập thể.

He Yafei, một quan chức cấp cao của Trung Quốc, cho biết, không có lý do gì để Washington và Bắc Kinh đối đầu quân sự. Tuy nhiên, hai cường quốc hàng đầu thế giới có thể bị kéo xuống vũng lầy xung đột bởi một bên thứ 3, chẳng hạn như Nhật Bản.

Trung Quốc toan tính trỗi dậy bằng nòng súng

Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc đang chuyển từ học thuyết "trỗi dậy hòa bình" sang "trỗi dậy bằng nòng súng" thông qua cách hành xử gây hấn trên biển trong thời gian gần đây.

Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đang chỉ trích mạnh mẽ một vài thay đổi của nhà cầm quyền Nhật Bản. Cựu ngoại trưởng Hàn Quốc Yu Myung Hwan cho biết mối quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản đang ở mức thấp nhất trong lịch sử ngoại giao hiện đại. Thậm chí, nó còn ở mức thấp hơn cả thời điểm trước khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ năm 1965. Những bất đồng xung quanh vấn đề nô lệ tình dục thời chiến là một trong những yếu tố khiến quan hệ Seoul – Tokyo căng thẳng.

Hôm qua 23/6, Hàn Quốc đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Thủ đô Seoul nhằm phản đối Tokyo xem xét lại lời xin lỗi với những phụ nữ Triều Tiên bị quân đội phát xít Nhật ép làm nô lệ tình dục trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. 

Phía Hàn Quốc cáo buộc Nhật Bản đang cố tình phá hỏng lời xin lỗi trong Tuyên bố Kono năm 1993.

TQ xác định mục tiêu tấn công Nhật nếu chiến tranh nổ ra

Kobe, thành phố lớn thứ sáu của Nhật Bản, sẽ là mục tiêu tấn công đầu tiên của quân đội Trung Quốc nếu chiến tranh giữa hai nước nổ ra.

Trong phát biểu dẫn đề Đối thoại Shangri-La 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không giấu mong muốn Nhật Bản có quyền phòng vệ tập thể hoặc hỗ trợ quân sự cho một đồng minh trong trường hợp họ bị tấn công.

“Chúng ta đang ở trong kỷ nguyên mà không một quốc gia nào có khả năng tự đảm bảo hòa bình. Vì Nhật Bản là quốc gia phụ thuộc nhiều vào hòa bình và ổn định của thế giới nên chúng tôi muốn chủ động đóng góp nhiều hơn cho hòa bình của nhân loại”, ông Abe nhấn mạnh.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm