Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tướng Bùi Văn Nam: Nếu xung đột trên Biển Đông, tất cả đều thua

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á, Thứ trưởng Công an Bùi Văn Nam nói Việt Nam từng trải qua chiến tranh nên hiểu rõ nếu xung đột xảy ra thì hậu quả sẽ như thế nào.

Phát biểu trước các đại biểu từ 40 nước có mặt tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore chiều 3/6, Thượng tướng Bùi Văn Nam, thứ trưởng Bộ Công an, nói rằng "không nên và không thể giải quyết vấn đề Biển Đông bằng vũ lực", nhấn mạnh các nước trong khu vực không mong muốn xảy ra xung đột vì nếu như vậy "tất cả các bên đều thua".

"Bất cứ hành vi sử dụng vũ lực nào đều không chỉ gây ra những hệ quả tức thì mà còn để lại những tổn thất khó có thể khắc phục về lâu dài", tướng Nam nói. "Chỉ khi nào chúng ta giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, chúng ta mới có thể hy vọng về an ninh bền vững và lâu dài".

thuong tuong Bui Van Nam anh 1
Thượng tướng Bùi Văn Nam phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2017. Ảnh: Vũ Mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh các bên cần bình tĩnh và kiềm chế, chấm dứt các hành động đơn phương có thể làm phức tạp thêm tình hình và thay đổi hiện trạng tranh chấp, không tìm cách quân sự hóa, sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực.

Tướng Nam khẳng định "những diễn biến tại Biển Đông không chỉ là vấn đề khu vực mà còn là vấn đề quốc tế". Mọi quốc gia đều có lợi ích ở những mức độ khác nhau về an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không.

Trong các biện pháp hòa bình, theo tướng Nam, luật quốc tế là sự đảm bảo công lý và duy trì giải pháp cao nhất. Trong đó, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là "giá trị phổ quát phải được tôn trọng, tuân thủ trước tiên và trên hết, và là nghĩa vụ ràng buộc với mọi thành viên".

Tướng Nam cũng đề cập đến thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc áp dụng Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) hay đường dây nóng giữa hai bên. Ông kêu gọi các quốc gia áp dụng những cơ chế này một cách thực chất và hiệu quả cũng như thúc đẩy để sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC).

Ngoài hợp tác giải quyết tranh chấp, Thứ trưởng Bùi Văn Nam cũng cho rằng các bên cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn như nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, phòng tránh thiên tai... để tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Đối thoại Shangri-La, diễn đàn về an ninh châu Á - Thái Bình Dương, khai mạc tối 2/6 tại Singapore. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull có bài phát biểu dẫn đề với những từ ngữ mạnh mẽ cảnh báo các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông gần đây.

Sáng 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng cho biết Mỹ sẽ không chấp nhận việc Trung Quốc coi thường luật quốc tế với các hoạt động phi pháp trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông Mattis không đề cập cụ thể chiến lược châu Á của Mỹ sẽ như thế nào dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Những 'điểm nóng' tại Đối thoại Shangri-La 2017 Đối thoại Shangri-La 2017 khai mạc tối 2/6 tại Singapore với chủ đề được quan tâm là chính sách của Mỹ tại châu Á, tình hình Biển Đông và cuộc chiến chống khủng bố.

Tướng Bùi Văn Nam: Không làm phức tạp thêm tình hình trên biển

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Bùi Văn Nam nhấn mạnh lập trường 5 điểm về phòng tránh và giải quyết xung đột trên biển tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 16.

Vũ Mạnh (từ Singapore)

Bạn có thể quan tâm