Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ nơi không biết việt quất là gì tới nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới

Từ chỗ không đoái hoài tới việt quất, Peru vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu loại quả này lớn nhất thế giới chỉ trong một thập kỷ, nhờ nhìn thấy cơ hội kinh doanh toàn cầu.

Vào những năm 2010, sản xuất việt quất trên thế giới gần như chỉ diễn ra ở Mỹ và Canada. Ảnh: Reuters.

“Tôi từng đến trang trại này mà không biết cây việt quất là gì”, BBC dẫn lời Aurelio Ortiz nói trong lúc giám sát vụ thu hoạch tại Sunberries Field - một đồn điền việt quất ở phía Nam Peru.

Sunberries Field là một trong nhiều trang trại việt quất mọc lên dọc theo vùng ven biển nóng và bằng phẳng của quốc gia Nam Mỹ này.

Việt quất đã trở thành lĩnh vực nông nghiệp bùng nổ tại Peru, đưa nước này từ chỗ hầu như không có đồn điền việt quất thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới chỉ trong một thập kỷ.

Từng bị từ chối

Vào một ngày nắng đẹp, 6 người lao động miệt mài thu nhặt những quả việt quất cuối cùng còn vương trên bụi cây. Để bảo vệ làn da khỏi nắng nóng chói chang, họ mặc áo dài tay, đội mũ và khăn trùm đầu.

Hầu hết không tiếp xúc nhiều với việt quất cho đến vài năm trước, khi loại quả này thay thế những cây trồng truyền thống như nho, bông và măng tây.

“10 năm trước, chúng tôi cho rằng ở đây không thể trồng được việt quất”, Alvaro Espinoza - kỹ sư nông nghiệp và là chủ sở hữu của Sunberries Field - cho biết.

Khi đó, ông Espinoza đã tìm cách thu hút đầu tư từ các doanh nhân Peru nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Họ nói không thể trồng việt quất ở vùng ven biển có nhiệt độ cao của Peru, do loại quả này cần một số ngày lạnh nhất định trong năm.

"Họ nói 'Alvaro, anh mất tập trung rồi, làm việc khác đi’. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên quyết theo đuổi”, ông Espinoza nói.

xuat khau viet quat anh 1

Peru hiện là nước xuất khẩu quả việt quất lớn nhất thế giới. Ảnh: BBC.

Một thập kỷ sau, Peru là nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Nước này cũng là nhà xuất khẩu hàng đầu vào năm ngoái.

Những nhà sản xuất nhỏ như ông Espinoza đã tạo điều kiện để cây phát triển. “Ở Peru, đất không phù hợp trồng cây việt quất”, ông chia sẻ.

Trong hàng trăm chậu đất nung, những bụi cây việt quất bến rễ xơ dừa - loại phân hữu cơ làm từ dừa nhập khẩu từ Sri Lanka.

“Nếu muốn sản xuất những quả việt quất có chất lượng tốt, chúng ta cần môi trường mà rễ có thể phát triển với oxy. Xơ dừa cho phép chúng ta tạo ra rễ có chất lượng tốt”, ông nói.

Tuy nhiên, chỉ chậu đất nung và xơ dừa nhập khẩu thì không thể giải quyết được thách thức khi đưa một loại trái cây ở bán cầu bắc vào vùng ven biển khô cằn nóng bức của Peru.

Cây việt quất thường cần thời tiết lạnh, và Cao nguyên Peru trên dãy núi Andes có thể đáp ứng tiêu chí này. Tuy nhiên, các nhà sản xuất nông sản ưa chuộng vùng ven biển vì vị trí gần cảng và địa lý bằng phẳng sẽ thuận lợi hơn dãy núi Andes hiểm trở.

Ông Espinoza từng thử thành lập vườn ươm phát triển các giống việt quất mới có thể chịu được thời tiết nóng quanh năm, nhưng không thành công.

"Vì vậy, tôi quyết định giao việc nhân giống cho các chuyên gia và tập trung vào quảng bá việt quất”, vị kỹ sư nông nghiệp nói.

"Nho cũng nhanh, nhưng không bằng việt quất"

Carlos Gereda - người sáng lập và giám đốc điều hành Inka's Berries - dẫn đầu nhóm chuyên gia nhân giống. Sau khi nghe cha mình nói việt quất là loại cây trồng mang lợi nhuận cao ở Chile, ông Gereda bắt đầu tìm kiếm giống cây có thể phát triển ở bờ biển Peru.

Ông mất hai năm thử nghiệm 14 giống việt quất khác nhau để tìm ra giống phù hợp - Biloxi. Kể từ đó, ông Gereda hợp tác với Đại học Georgia (Mỹ) bắt đầu chương trình nhân giống. Các giống việt quất đều được đặt tên theo thành viên gia đình ông: Salvador (con trai), Matias (cháu trai), Abril (cháu gái) và Blue Dan (vợ Daniela).

Số tiền 300 USD ông dùng thành lập công ty đã “hái quả ngọt”. Inka's Berries hiện có doanh thu 3 triệu USD hàng năm. Công ty bán cây việt quất cho những nhà sản xuất nhỏ như ông Espinoza, và cả nhà xuất khẩu nông sản lớn nhất trong nước, Camposol.

Chỉ trong vài năm, việt quất trở thành sản phẩm chính của Camposol, vượt qua các loại cây trồng bán chạy nhất trước đây là quýt, nho, xoài và bơ.

Jose Antonio Gomez - Giám đốc điều hành Camposol - cho biết ông chưa bao giờ thấy sản phẩm nào phát triển nhanh như vậy trong ngành. Camposol hiện trồng 3.000 ha việt quất, chiếm hơn một nửa tổng doanh thu công ty.

“Năm ngoái, chúng tôi thu hoạch khoảng 50.000 tấn. Ở Peru, chúng tôi trước đây mở rộng trồng nho, cũng nhanh và dữ dội nhưng không bằng việt quất”, ông Gomez cho biết.

xuat khau viet quat anh 2

Alvaro Espinoza là một trong những nhà sản xuất đầu tiên trồng việt quất ở Peru. Ảnh: BBC.

Giải thích lý do đặt cược vào việc phát triển việt quất Peru sẽ sinh lợi, ông Gomez cho hay nhiều người nhìn thấy lỗ hổng trên thị trường toàn cầu.

Ông nói nếu quay trở lại năm 2010, sản xuất việt quất trên thế giới gần như chỉ diễn ra ở Mỹ và Canada, với khoảng 300.000 tấn thu hoạch ở hai nước vào tháng 8 hàng năm, chủ yếu dành cho thị trường nội địa.

Bên ngoài Bắc Mỹ, nhà sản xuất và xuất khẩu chính là Chile, thu hoạch khoảng 76.000 tấn trong tháng 12. Vì vậy, các tháng 9-12 chỉ được lấp đầy bởi 15.000 tấn từ Argentina và Uruguay.

Do sự khan hiếm trên toàn cầu vào thời điểm đó trong năm, Argentina và Uruguay có thể nhận được 15 USD/kg, so với giá 3-4 USD của việt quất Mỹ vào tháng 8.

Vì vậy, nông dân trồng việt quất ở Peru đã quyết định tập trung sản xuất trong ba tháng đó.

Peru hiện xuất khẩu khoảng 270.000 tấn/năm, với giá chỉ 5 USD/kg nhưng họ bù đắp bằng cách kéo dài mùa thu hoạch. Thời tiết tương đối ổn định của bờ biển Peru cho phép một số giống việt quất thu hoạch quanh năm.

Ông Gomez nói thêm "điều đáng kinh ngạc" là nhu cầu toàn cầu về quả việt quất đã tăng gần gấp đôi chỉ sau hơn một thập kỷ.

Trở lại Sunberries Field, ông Espinoza nói dù xuất khẩu mạnh, năm 2022 vẫn là một năm khó khăn do chi phí đội cao hơn tới 40%. Ông hy vọng vào một năm 2023 tươi sáng và khởi sắc.

Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế

Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Argentina sẽ dùng nhân dân tệ mua hàng từ Trung Quốc, thay cho đôla Mỹ

Argentina sẽ bắt đầu thanh toán hàng nhập khẩu của Trung Quốc bằng nhân dân tệ thay vì USD, nhằm duy trì nguồn dự trữ USD đang cạn kiệt.

Ngân hàng First Republic mất khoảng 100 tỷ USD sau khủng hoảng

Báo cáo kinh doanh quý một của ngân hàng First Republic (Mỹ) cho thấy người gửi tiền đã rút khoảng 100 tỷ USD từ ngân hàng này trong cuộc khủng hoảng vừa qua.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm