Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trường học Trung Quốc cho vay điểm

Học sinh một trường trung học ở Trung Quốc có thể vay của ngân hàng điểm để tránh thi trượt. Các em phải trả điểm kèm lãi suất trong kỳ thi tiếp theo.

Nhằm giảm bớt áp lực thi cử, trường Trung học số 1 Nam Kinh đã mở ngân hàng điểm, cho phép học sinh vay để không trượt môn. 

Sáng kiến này nhanh chóng nhận được sự chú ý của dư luận, đặc biệt khi xã hội ngày càng lo lắng về hệ thống giáo dục phụ thuộc quá nhiều thi cử, điểm số.

cho hoc sinh vay diem anh 1
Học sinh Trung Quốc phải chịu áp lực thi cử, điểm số nặng nề. Ảnh: AFP.

BBC cho hay trường mở ngân hàng điểm từ tháng 11/2016 cho 49 học sinh thuộc chương trình nâng cao có ý định du học Mỹ. Ngân hàng bao gồm một số môn như Ngôn ngữ, Sinh học, Hóa học, Lịch sử. 13 học sinh đã tham gia chương trình này.

Nếu đạt điểm thấp, các em vay từ ngân hàng. Nhằm khuyến khích học sinh trau dồi kiến thức, trường yêu cầu các em trả điểm gốc đã vay kèm phần lãi trong kỳ thi kế tiếp. Thời gian trả nợ càng dài, lãi càng cao.

Ngân hàng điểm hoạt động tương tự ngân hàng thực sự. Học sinh được cung cấp "điểm tín dụng" dựa trên hạnh kiểm, tính chuyên cần và mức độ hoàn thành công việc trực nhật. 

Các em cũng phải gánh chịu nguy cơ rơi vào "sổ đen" nếu không có khả năng trả nợ đúng hạn. Học sinh có thể nhờ bạn trả nợ thay nếu được giáo viên đồng ý.

"Em bị ốm, phải nghỉ học mấy hôm và làm bài thi môn Địa lý không tốt. Ngân hàng điểm giúp em giải quyết vấn đề", Xiaozhu, học sinh trường Trung học số 1 Nam Kinh, nói.

Sau khi truyền thông đưa tin, nhiều người dùng mạng khen sáng kiến này. Họ cho rằng ngân hàng điểm không những cho học sinh cơ hội khi thi không tốt, mà còn giúp các em cải thiện điểm số thông qua biện pháp ngoài học tập.

Nhiều người đề xuất Trung Quốc cần nhân rộng ngân hàng điểm để giảm áp lực thi cử cho người trẻ. Tuy nhiên, không ít người lo ngại việc cho học sinh vay điểm có thể khiến các em lơ là học tập và đề nghị trường nên đóng cửa ngân hàng này để học sinh hiểu rằng "cuộc đời nhiều khi không cho ai cơ hội sửa sai'.

Trao đổi với South China Morning Post, bà Huang Kan, hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường đưa ra chương trình nhằm thay đổi văn hóa thi cử và "khai phá hệ giá trị mới".

"Trong các kỳ thi trước đây, điểm số là tất cả. Học sinh phải chịu áp lực rất lớn. Mục đích của thi cử là đánh giá và định hướng học tập cho học sinh chứ không phải biến mọi thứ trở nên khó khăn hay khiến các em mất hứng thú với việc học", nữ hiệu trưởng giải thích.

Bà nói thêm ngân hàng điểm sẽ khuyến khích học sinh có "trách nhiệm và thái độ học tập tốt hơn".

'Thí sinh đạt 9 điểm ba môn cũng có thể đỗ đại học'

Một số chuyên gia giáo dục nhận định nếu Bộ GD&ĐT bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, những thí sinh chỉ đạt 9 điểm cũng có thể đỗ đại học.


Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm