Với mỗi người, mái trường là nơi đầy ắp kỷ niệm trong những năm tháng còn thơ bé. Đó cũng là lý do khiến trường học trở thành chủ đề quen thuộc trong nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi. Mỗi nhà văn lại có cái nhìn riêng khi phản ánh những câu chuyện học đường trong trang sách.
Những tấm lòng cao cả
Cuốn tiểu thuyết này đã đưa tên tuổi của nhà văn người Italy Edmondo De Amicis đến với độc giả khắp thế giới. Hơn một thế kỷ qua, những câu chuyện giản dị, được cảm nhận bằng cái nhìn trong sáng của cậu bé Erico vẫn khiến bạn đọc nhỏ tuổi say mê. Nhà văn Edmondo De Amicis đã ghi lại nhiều kỷ niệm đẹp dưới mái trường của đám nhóc lên chín, lên mười với sự hào hứng và say mê.
Giống như bao đứa trẻ khác, cậu nhóc Erico rất háo hức chờ kết thúc kỳ nghỉ để gặp lại bạn bè, thầy cô. Thế nhưng, vào ngày tựu trường, trong lòng cậu bé lại thấy man mác buồn. Giờ Erico đã lên lớp ba, cậu sẽ phải tạm biệt với thầy giáo dạy lớp hai để vào học lớp của thầy Perboni. Đó là một thầy giáo nghiêm nghị, chưa bao giờ Erico và các bạn thấy thầy cười. Sau này, chính giáo viên nghiêm khắc ấy lại khiến đám học trò cảm động.
Ẩn sau vẻ ngoài lạnh lùng của thầy Perboni là một trái tim ấm áp, bao dung và luôn quan tâm đến học trò. Khi thấy Coretti ngủ gật trong giờ học, thầy Perboni không hề mắng cậu, thầy đã nhẹ nhàng hôn lên trán cậu học trò tội nghiệp, như một món quà để động viên. Vì thầy biết, gia cảnh của cậu học trò ấy rất khó khăn. Sáng sớm, Coretti đã phải dậy vác củi thay cha nên hiếm khi được ngủ đủ giấc.
So với chúng bạn, Erico có một tuổi thơ khá êm đềm, gia đình cậu chưa bao giờ phải lâm vào cảnh thiếu thốn. Tới trường, kết thân với những người bạn có hoàn cảnh khó khăn, khiến cậu nhóc nhận ra mình may mắn đến nhường nào. Trường học không chỉ là nơi để con trẻ tiếp nhận tri thức, ở đó trái tim cũng sẽ học cách cho đi yêu thương.
Totto-chan bên cửa sổ
Tác giả Kuroyanagi Tetsuko không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, bà vốn một diễn viên và người dẫn chương trình khá nổi tiếng ở Nhật Bản. Sau một lần trả lời phỏng vấn, phóng viên đã gợi ý nữ diễn viên này viết một cuốn sách ghi lại những kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu.
Chính những kỷ niệm ngọt ngào và đáng nhớ mà Kuroyanagi Tetsuko có được ở Trường tiểu học Tomoe đã thôi thúc bà viết nên cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ. Tác phẩm này là món quà dễ thương mà tác giả dành tặng chính mình, một cô bé hiếu động, thường xuyên mắc lỗi, nhưng luôn nhận được tình yêu thương và bao dung.
Cô bé Totto-chan quá nghịch ngợm và thường xuyên làm ảnh hưởng tới các bạn trong lớp nên đã phải nghỉ học ở trường cũ, dù mới đi học được một tuần. Mẹ cô bé đành dẫn con gái tới trường Tomoe. Tới đây, công chúa nhỏ tinh nghịch đã tìm được nơi phù hợp để học hỏi và trường thành. Ở ngôi trường này, cá tính của những đứa trẻ được tôn trọng, thầy cô sẽ đồng hành cùng các bạn nhỏ, để chúng dần hoàn thiện bản thân.
Totto-chan và các bạn được hòa mình với thiên nhiên, cảm nhận sự thay đổi của từng nhành cây, ngọn cỏ, từ đó các em học được những bài học bổ ích về thế giới xung quanh. Dù cô bé có làm những chuyện “tày đình” như lục tung nhà vệ sinh để tìm ví, thầy hiệu trưởng cũng không hề ngăn cấm, hay la mắng em. Lần đầu tiên, cô nhóc nghịch ngợm cảm thấy hạnh phúc khi được người lớn tin tưởng.
Trong cuốn sách này, thầy Kobayaski, hiệu trưởng của trường Tomoe mang đến cho các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh nhiều triết lý giáo dục bổ ích. “Không được gò các em vào kế hoạch của cô giáo. Phải cho các em vui chơi thoải mái trong thiên nhiên. Ước mơ của các em còn lớn hơn nhiều kế hoạch của cô giáo”.
Tác giả Kuroyanagi Tetsuko chia sẻ, chính những lời khen ngợi bà nhận được khi học ở trường Tomoe đã khiến bà trở thành một đứa trẻ hạnh phúc và tự tin. Lời khen có sức mạnh lớn hơn chúng ta tưởng, nó khiến một đứa trẻ nhận ra giá trị của bản thân và nỗ lực hơn mỗi ngày.
Vichia Maleev ở nhà và ở trường
Ngoài Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn, nhà văn Nikolay Nosov còn có một tác phẩm khác, được bạn đọc nhỏ tuổi ở nhiều thế hệ yêu thích, đó là Vichia Maleev ở nhà và ở trường. Cậu nhóc Vichia không phải là một đứa trẻ ngoan, anh chàng học kém môn toán và thường bày trò trốn học để thoát khỏi giờ kiểm tra, chỉ cần nghĩ tới tính toán thôi cũng đủ làm anh bạn thấy đau đầu.
Vì học dốt toán, chú nhóc Vichia còn bị bạn bè vẽ tranh châm biếm trên báo tường. Điều này khiến cậu cảm thấy rất xấu hổ. Nhờ sự động viên của cô Olga Nikolaevna, cậu học trò này lấy lại sự tự tin và quyết tâm chinh phục môn học học búa này. Vichia chăm chú nghe giảng hơn, nhờ vào việc vận dụng tính toán trong đời sống hàng ngày, cậu bé thấy môn học này thật thú vị.
Là người yêu quý trẻ nhỏ, nhà văn Nikolay Nosov dành cho chúng cái nhìn đầy khoan dung. Tác phẩm này được kể bằng góc nhìn hồn nhiên, cùng tư duy sống động của một đứa trẻ. Dù viết về những đứa trẻ hiếu động, đôi khi không vâng lời, nhưng tác giả không phán xét các nhân vật của mình.
Qua câu chuyện giản dị xoay quanh cuộc sống thường ngày của Vichia, Nikolay Nosov giúp các bậc phụ huynh hiểu hơn về cách nghĩ cũng như cách hành xử của trẻ nhỏ để dễ dàng tiếp cận và hiểu các em hơn. Trẻ nhỏ khó mà làm đúng ngay từ lần đầu tiên, vậy nên hãy cho chúng cơ hội sửa sai. Muốn làm bạn với một đứa trẻ, chúng ta cần nhìn mọi thứ theo cách của trẻ con.
Câu chuyện về người thầy tận tụy đã tạo nên hiện tượng xuất bản
James Hilton đã viết nên áng văn cảm động về một người thầy đáng kính. Trường học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, ở đó chúng ta còn học cách trao đi yêu thương.
Tình cha con trong các tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa
Nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng, được giảng dạy trên ghế nhà trường đã khiến người đọc cảm động khi đề cập tới tình phụ tử thiêng liêng.
Thời đi học của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu
Chuyện chuyển trường, học tập, yêu đương ở tuổi 16 được bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu kể trong cuốn “Gửi quá khứ một hộp thời gian”.