Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ đi học, phụ huynh chấp nhận không có phương án an toàn tuyệt đối

Không ít phụ huynh ở Hà Nội xác định đi học, con đối mặt nguy cơ lây nhiễm. Nhưng suy xét nhiều khía cạnh, họ vẫn đồng ý để trẻ tiểu học đến trường.

“Con em chưa tiêm vaccine, chưa mắc Covid-19 nhưng khi nào được đi học lại, em cho con đi ngay và luôn. Con vào lớp, mẹ vào hiệu thuốc trang bị đầy đủ và chuẩn bị sẵn tinh thần 2 vạch. Chưa ai khẳng định được dịch bệnh khi nào sẽ biến mất. Ở nhà cũng nguy hiểm chẳng kém ngoài đường”, chị Thanh Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội), bình luận trên một diễn đàn.

Không chỉ chị, nhiều phụ huynh khác đồng ý để con đến lớp dù thừa nhận ở thời điểm này, nguy cơ con nhiễm SARS-CoV-2 vẫn cao.

Học sinh tiểu học ở ngoại thành đến trường hôm 10/2. Ảnh: Thạch Thảo.
Tre di hoc anh 1
Tre di hoc anh 1

Học sinh tiểu học ở ngoại thành đến trường hôm 10/2. Ảnh: Thạch Thảo.

Trẻ cần được đến trường

Chia sẻ với Zing, chị Thanh Huyền cho biết sau khi có thông tin về việc thành phố cho trẻ tiểu học và lớp 6 ở các quận nội thành chuyển sang học trực tiếp, chị đã đọc nhiều ý kiến của phụ huynh về việc để con quay trở lại trường tại thời điểm này.

Chị nhận thấy có người ủng hộ, có người không nhất trí. Theo chị Huyền, đây cũng là việc dễ hiểu, không có gì bất ngờ. Mỗi người có quan điểm, hoàn cảnh riêng, kể cả việc tiếp cận thông tin 2 chiều của các vấn đề liên quan dịch bệnh (nguy cơ nặng/nhẹ khi trẻ em mắc Covid-19, tiêm vaccine hay không tiêm thì tốt hơn, nguy hiểm hậu Covid-19, hệ lụy học online cái nào nặng nề hơn…).

Cá nhân chị, sau khi suy xét các khía cạnh, đồng ý cho con đến trường dù số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Hà Nội không ngừng tăng lên và con chưa được tiêm vaccine.

Nữ phụ huynh có nhiều lý do để đưa ra quyết định này. Nhưng lý do đầu tiên là con cần được đến lớp. Chị Thanh Huyền cho biết sau thời gian dài học online, con có biểu hiện phụ thuộc vào máy tính, điện thoại, ít vận động, giảm hứng thú với việc học. Hiện tại, con rất mong chờ ngày đến lớp học tập cùng bạn bè.

Chị Nguyễn Phương (Hà Đông) cũng băn khoăn khi nhận tin con trai (lớp 2) sắp được trở lại trường chứ không có tâm lý vui vẻ đón chờ “ngày giải phóng phụ huynh” như những lần trước.

Chị lo lắng trẻ tiểu học chưa được tiêm sẽ dẫn đến số ca F0 trong trường tăng cao. Nhưng nếu tiếp tục để con ở nhà học online, chị Phương thấy không ổn.

Chị tâm sự thời gian qua, chị có điều kiện theo sát việc học của con và nhận thấy học trực tuyến không hiệu quả. Cùng với đó, con chịu hạn chế về mặt vận động, giao lưu, tương tác với bạn bè. Vì thế, đắn đo nhiều, chị vẫn “chốt” để con quay trở lại trường, vì chính lợi ích và mong muốn của con.

Trẻ học online quá nhiều ảnh hưởng đến chất lượng học tập cùng các kỹ năng khác cũng là lý do chị Thanh Hiền (Cầu Giấy) trông đợi vào ngày con đến lớp.

Thời gian qua, vợ chồng chị đi làm, không yên tâm khi để con ở nhà học trực tuyến nhưng không còn cách nào khác. Cuộc sống đảo lộn khi bố mẹ phải lo nộp đủ thể loại bài tập giúp con, còn lo lắng nhiều về hiệu quả học tập, rèn luyện của con.

“Con cái ở nhà lâu ngày, dần mất nếp, hạn chế giao tiếp hẳn. Việc học online nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, dễ thấy nhất là thị lực suy giảm”, chị Hiền nói.

Hơn nữa, bản thân con thích đi học, được gặp bạn bè thầy cô. Khi học ở nhà, không được gặp bạn, con rất buồn.

Cùng quan điểm, chị Hải Yến (Tây Hồ) ủng hộ cho trẻ tiểu học đến trường. Theo chị, Chính phủ đã mở cửa tất cả hoạt động. Việc cho trẻ chuyển sang học trực tiếp là đúng đắn.

Nữ phụ huynh cho rằng không thể chờ hết dịch. Hai năm học trực tuyến là quá đủ với trẻ em. Các con cần tương tác với thầy cô, bạn bè cùng trang lứa, ra ngoài học kỹ năng cần thiết chứ không chỉ kiến thức cơ bản trong chương trình học.

“Mặc dù bé nhà tôi mới học lớp 2, chưa tiêm vaccine, tôi vẫn cho con đi học. Nếu thành phố mở cửa cả trường mầm non, tôi cũng ủng hộ để bé thứ 2 đến lớp với các cô và bạn bè”, chị Hải Yến nhấn mạnh.

Tre di hoc anh 2

Phụ huynh thừa nhận và chấp nhận nguy cơ con có thể mắc Covid-19 khi đi học trở lại. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Chuẩn bị cho nhiều tình huống

Chị Hải Yến thừa nhận chị vẫn lo con có thể nhiễm virus ở trường. Song gia đình họ đã chuẩn bị sẵn tâm lý nếu con không may mắc Covid-19.

Nữ phụ huynh cho biết cháu của chị cùng nhiều trẻ con gia đình quen biết đã nhiễm SARS-CoV-2 nhưng triệu chứng nhẹ, khỏi bệnh sau 2-3 ngày. Vì thế, chị không quá lo lắng. Cùng với đó, trong thời kỳ dịch bệnh, đặc biệt khi con đến lớp, chị tăng cường vitamin tổng hợp để con có sức khỏe tốt.

Tương tự, chị Thanh Hiền đánh giá mở cửa trường học, nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra. Thay vì lo con nhiễm, chị cho rằng các gia đình nên tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch cho trẻ.

Chị Nguyễn Phương cũng chấp nhận các nguy cơ con gặp phải khi đi học trở lại. Bà mẹ một con cho hay chị sẽ chuẩn bị khẩu trang, nước sát khuẩn, bình nước riêng, dặn dò con thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, con trai mới chỉ biết cần thiết đeo khẩu trang. Những việc còn lại, chị phải nhắc, con mới nhớ. Chưa kể đến, ở trường, khi mải chơi đùa, con có thể quên mất. Dù vậy, gia đình vẫn muốn để con đến lớp.

Tương tự, chị Thanh Huyền xác định con sẽ không an toàn tuyệt đối ở trường với tình hình dịch bệnh như hiện nay. Nhưng đây cũng là lý do thôi thúc chị quyết định để con đi học ở thời điểm số ca mắc ở Hà Nội tăng cao.

Theo chị, tình hình dịch bệnh không có biểu hiện sẽ kết thúc trong thời gian sắp tới. Cuộc sống hạn chế trong 2 năm qua đã quá sức với nhiều người và xã hội. Hơn nữa, chúng ta cũng đã có đủ thời gian chuẩn bị để trực tiếp đương đầu với nó như năng lực y tế, tỷ lệ tiêm vaccine cao, chủng virus hiện tại lây nhanh nhưng tỷ lệ bệnh nhân có triệu chứng nặng, nguy cơ tử vong thấp hơn.

“Bên cạnh nguy cơ trẻ lây nhiễm cao khi đi học, mặt tích cực của nó là rút ngắn thời gian về yếu tố miễn dịch cộng đồng. Khoảng 1-1,5 tháng đầu, số lượng học sinh đi học sẽ xáo trộn. Nhưng sau đó, tỷ lệ trẻ đến lớp sẽ tăng lên. Điều này giúp Hà Nội sớm kiểm soát ca nhiễm như TP.HCM”, chị Thanh Huyền nêu quan điểm.

Nữ phụ huynh cho rằng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, mọi người, trong đó có cả phụ huynh, cần có tâm lý chủ động để kết thúc dịch bệnh dù không có phương án nào tuyệt đối để bảo vệ tất cả.

Xác định tư tưởng không né tránh mà cần chuẩn bị tốt sức khỏe, tinh thần để chiến thắng dịch bệnh, chị Thanh Huyền sẽ dặn dò, hỗ trợ con gái (học lớp 5 tại một trường tư thục ở Thanh Xuân) các biện pháp phòng tránh dịch như Bộ Y tế, sở, phòng GD&ĐT khuyến cáo.

“Vợ chồng tôi xác định tư tưởng cho chính bản thân và con về khả năng cao con sẽ lây nhiễm ở trường. Con vui vẻ, không quá lo lắng về điều đó. Hiện tại, con rất mong chờ ngày đi học”, chị Thanh Huyền chia sẻ.

Không chỉ ủng hộ việc mở cửa trường học, chị còn mong thành phố cho phép các trường thực hiện bán trú nhằm tạo thuận lợi hơn cho phụ huynh. Chị nói thêm gia đình may mắn vì con học gần nhà, có người đưa đón nhưng nhiều phụ huynh khác lại đang gặp khó khăn ở vấn đề này.

Ngày 15/2, UBND thành phố Hà Nội quyết định cho toàn bộ học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 12 quận nội thành Hà Nội đi học trực tiếp từ 21/2. Trường dạy học một buổi, chưa tổ chức bán trú.

Như vậy, đến ngày 21/2, toàn bộ học sinh phổ thông ở Hà Nội được đến trường. Hà Nội nằm trong 4 tỉnh, thành sẽ cho trẻ em mầm non đến trường trong tháng hai nhưng chưa xác định thời gian cụ thể.

Bài liên quan

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm