Ngày 5/8, Sở Y tế TP.HCM có văn bản hỏa tốc gửi Trung tâm Cấp cứu 115, các bệnh viện trong và ngoài công lập, các bệnh viện điều trị Covid-19 và trung tâm y tế các quận, huyện về việc sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám, cấp cứu theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Tuyệt đối không từ chối tiếp nhận bệnh nhân
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các đơn vị luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám và cấp cứu 24/7, luôn mở cổng bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận khi người dân đến khám hoặc cấp cứu, đặc biệt vào ban đêm.
Sở Y tế lưu ý các đơn vị tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà làm chậm trễ việc cấp cứu cho người bệnh; không được yêu cầu người bệnh phải có kết quả xét nghiệm nhanh hoặc PCR dương tính với nCoV mới tiếp nhận.
Tùy tình trạng của người bệnh mà đơn vị quyết định việc tiếp tục điều trị người bệnh tại đơn vị hay cần chuyển tuyến điều trị.
Bệnh viện, trung tâm cấp cứu chủ động bố trí thêm giường, băng ca, bình oxy dự trữ tại khu vực tiếp nhận và cấp cứu; đảm bảo không để người bệnh trở nặng hơn do chờ đợi lâu.
Người đứng đầu các đơn vị triển khai nội dung trên đến toàn thể nhân viên, hướng đến mục tiêu giảm thấp tỷ lệ tử vong. Không để người bệnh tử vong tại nhà do chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.
Lập trạm cấp cứu vệ tinh
Cùng ngày, Phó giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng ký tờ trình thành lập các Trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115 phục vụ cấp cứu bệnh nhân thuộc Trung tâm Cấp cứu 115, gửi UBND TP.HCM.
Mỗi Trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115 được bố trí 20 xe cấp cứu và 280 nhân viên chuyên môn y tế và nhân viên khác. Các trạm được đặt lần lượt tại 5 khu vực: Quận 11 (Nhà thi đấu Phú Thọ, đường Lữ Gia); quận 12 (Công viên phần mềm Quang Trung); quận Bình Tân (trường Trung học cơ sở Bình Tân, đường An Dương Vương); huyện Bình Chánh (Nhà thiếu nhi huyện Bình Chánh, đường số 6, thị trấn Tân Túc).
Riêng các trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến tại TP Thủ Đức hoạt động trên cơ sở trưng dụng, chuyển đổi công năng từ xe khách Phương Trang và taxi Mai Linh.
Các trạm cấp cứu này chịu sự chỉ đạo và điều hành từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM và Trung tâm Cấp cứu 115, Sở Y tế TP.
Tăng cường tổ phản ứng nhanh, hệ thống cấp cứu
Trước đó, tại công văn 2584/UBND-TH, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo TP Thủ Đức và các quận, huyện thành lập ngay tổ phản ứng nhanh tại phường, xã, thị trấn trên địa bàn.
Lực lượng tham gia là bác sĩ, điều dưỡng của trạm y tế địa phương, nhân viên y tế tình nguyện, công an... Tổ này có danh sách công khai trên cổng thông tin cho người dân liên lạc.
UBND TP Thủ Đức, quận, huyện chỉ đạo, quán triệt nhiệm vụ tổ phản ứng nhanh, đảm bảo kịp thời tiếp nhận và hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu có khó khăn vướng mắc liên quan việc tiếp nhận người mắc Covid-19 chuyển nặng, tổ phản ứng nhanh liên hệ tổ điều phối chuyển viện thuộc Sở Y tế để được hướng dẫn.
Lãnh đạo thành phố giao Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM bố trí lực lượng, trực tổng đài cấp cứu, đảm bảo tiếp nhận mọi cuộc gọi; không để gián đoạn, bỏ nhỡ cuộc gọi; huy động xe cấp cứu phù hợp, sẵn sàng hỗ trợ tổ phản ứng nhanh của địa phương khi nhận được yêu cầu.
Các bệnh viện điều trị Covid-19 tầng 3, tầng 4 sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân từ tổ phản ứng nhanh của các địa phương, hệ thống xe cấp cứu từ Trung tâm Cấp cứu 115; không được yêu cầu người bệnh phải có xét nghiệm nhanh hoặc PCR dương tính với nCoV. Lãnh đạo thành phố lưu ý bệnh viện tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh trong mọi tình huống.
Thủ tướng phân công nhiệm vụ chỉ đạo chống dịch cho 4 phó thủ tướng
4 phó thủ tướng và các bộ trưởng, trưởng ngành cùng chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố được Thủ tướng phân công nhiệm vụ cụ thể trong điều hành chống dịch Covid-19.
Nhiều địa phương gửi tiền tỷ, lương thực giúp đồng hương ở lại TP.HCM
Cà Mau, Bình Phước, Hải Phòng... có chính sách hỗ trợ tiền và thực phẩm cho người dân yên tâm ở lại TP.HCM và một số tỉnh có dịch.
Phó thủ tướng: 'Hà Nội phấn đấu không để tình hình dịch như TP.HCM'
“Hà Nội đang giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng vẫn trong tâm thế bình tĩnh và chủ động. Những gì cần thiết thì phải làm ngay, chuẩn bị ngay", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.