Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tòa Trọng tài xét đơn kiện của Philippines trên cơ sở nào?

TS Nguyễn Hồng Thao, chuyên gia Luật Biển của Việt Nam, chia sẻ với Zing.vn về cơ sở pháp lý phán quyết của Tòa Trọng tài khi tiếp tục xem xét vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Ngày 29/10, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (Công ước) để giải quyết vụ việc do Cộng hòa Philippines khởi kiện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Biển Đông. Tòa đã ra Phán quyết về Thẩm quyền và Khả năng tiếp tục xem xét nội dung vụ kiện.

Đây là vụ kiện thu hút sự quan tâm cao của cộng đồng thế giới, bên bị kiện từ chối tham gia và nội dung kiện có thể liên quan đến các bên thứ ba nên Tòa Trọng tài đã rất thận trọng xem xét tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định có thẩm quyền hay không và đảm bảo sự khách quan. 

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao là chuyên gia về Luật Biển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới tham gia đàm phán và phân giới cắm mốc Việt – Trung và Đại sứ Việt Nam tại Malaysia.

Tòa đã lần lượt xem xét các phản đối sơ bộ, xác định tính chất tranh chấp của vụ kiện, ảnh hưởng đến bên thứ ba, thủ tục quy định trong phần XV của Công ước Luật biển liên quan đến các bảo lưu của CHND Trung Hoa.

Tòa phân tích 15 luận điểm Philippines đưa ra (13 điểm trong đơn kiện gửi Tòa tháng 1/2013 và 2 điểm bổ sung trong phiên điều trần tại The Hague hồi tháng 7) và Tài liệu lập trường của Trung Quốc được coi có giá trị như một bản tự biện hộ của nước này về bác bỏ thẩm quyền của Tòa.

Các lập luận

Ngoại trưởng Philippines, ông Albert del Rosario, tại phiên điều trần vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông tại Tòa Trọng tài hồi tháng 7. Ảnh: Tòa Trọng tài

Philippines mong muốn Tòa trọng tài phán quyết: 

1) Các bên có quyền và nghĩa vụ tương ứng với các vùng nước, đáy biển và các thực thể biển của Biển Đông theo đúng Công ước Luật biển và yêu sách đường 9 đoạn không phù hợp với Công ước do đó không có giá trị.

2) Xác định theo điều 121 Công ước Luật Biển một số thực thể biển mà cả Trung Quốc và Philippines cùng yêu sách là đảo, đá hay bãi và liệu chúng có danh nghĩa tạo nên lãnh hải 12 hải lý hay không.

3)  Philippines được thực hiện các quyền của mình bên trong và bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác lập theo Công ước Luật biển.

Trung Quốc cho rằng Tòa Trọng tài không có thẩm quyền vì:

1) Nội dung chính của vụ kiện là chủ quyền lãnh thổ trên một số thực thể biển ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) nằm ngoài tranh chấp về giải thích và áp dụng Công ước Luật Biển.

2) Tranh chấp là một phần hữu cơ của phân định biển và vấn đề này đã bị Trung Quốc bảo lưu trong Tuyên bố năm 2006.

3) Philippines vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các thỏa thuận về đàm phán song phương giữa các bên liên quan trực tiếp.     

Xuất phát từ việc Trung Quốc và Philippines đều là thành viên Công ước Luật biển, Tòa Trọng tài khẳng định cả hai bên đều ràng buộc bởi thủ tục giải quyết tranh chấp tại phần XV của Công ước đối với các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước.

Cơ sở của Tòa

Phiên điều trần lần thứ nhất trong vụ việc Philippines kiện Trung Quốc. Ảnh: Tòa Trọng tài

Tòa xác định tranh chấp tồn tại giữa hai quốc gia khi quyền lợi của hai bên xung đột. Không nghi ngờ gì, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên một số thực thể biển có tồn tại như trong tài liệu lập trường của Trung Quốc viện dẫn và Philippines cũng không phản đối. Tuy nhiên, trong quan hệ nhiều mặt và gắn kết giữa hai nước, sẽ có nhiều tranh chấp về nhiều khía cạnh khác biệt nhau.

Đơn kiện của Philippines không yêu cầu Tòa phải phán quyết về vấn đề chủ quyền và Tòa cũng không có thẩm quyền làm điều đó.

Các tranh chấp về môi trường, về xác định quy chế pháp lý thế nào là đá, đảo, bãi là các vấn đề liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước Luật Biển và không nhất thiết gắn với tranh chấp chủ quyền. 

Tranh chấp liên quan đến danh nghĩa một vùng biển khác với tranh chấp về phân định biển. Phân định biển chỉ được tiến hành giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc tiếp giáp và có danh nghĩa biển chồng lấn.

Trong vụ kiện, Philippines thách thức sự tồn tại và phạm vi danh nghĩa yêu sách của Trung Quốc mà không yêu cầu Tòa Trọng tài phân định tranh chấp biển. Trung Quốc luôn nhắc có quyền lịch sử trong Biển Đông nhưng chưa bao giờ làm rõ tính chất và phạm vi các quyền đó.

Tòa cho rằng các luận điểm 1 và 2 của Philippines liên quan đến giải thích về nguồn của các danh nghĩa vùng biển và yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc trong phạm vi các điều khoản của Công ước. Do đó Tòa có thẩm quyền.

Song các vấn đề về danh nghĩa lịch sử lại bị ảnh hưởng của Bảo lưu 2006 của Trung Quốc nên Tòa Trọng tài sẽ xem xét luận điểm 1 và 2 trong thủ tục xét xử nội dung.   

Do Tòa Trọng tài chỉ xem xét các điểm liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước Luật Biển mà không xem đến các vấn đề về tranh chấp chủ quyền nên quyền lợi của các bên thứ ba không thể bị ảnh hưởng.

Tòa cũng quyết định rằng trong vụ việc này, không có quốc gia nào là bên thứ ba không thể vắng mặt nghĩa là các bên thứ ba hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan và quyết định can dự vào quá trình xét xử khi thấy cần thiết.

Đối với phản đối của Trung Quốc về việc Philippines vi phạm Tuyên bố DOC 2002, Hiệp ước thân thiện và hợp tác Bali, Công ước đa dạng sinh học, các thỏa thuận song phương về giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và coi đó là điều kiện tiền đề để Tòa không thực thi thẩm quyền, Tòa quyết định rằng Tuyên bố DOC 2002 chỉ là một tuyên bố chính trị, không có giá trị pháp lý, chỉ khẳng định lại các nghĩa vụ giải quyết hòa bình tranh chấp có trong Hiến chương LHQ, Công ước Luật Biển. Chỉ duy nhất mục 10 của DOC có chữ “nhất trí” khi các quốc gia ký kết “nhất trí làm việc, trên cơ sở đồng thuận, để nhanh chóng thông qua Bộ quy tắc ứng xử COC”.

DOC không nói loại bỏ phần XV của Công ước Luật Biển, không nói các bên tiến hành giải quyết tranh chấp “chỉ thông qua tư vấn hữu nghị và đàm phán giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp”, không nói các bên không được đưa tranh chấp ra giải quyết bằng các biện pháp hòa bình khác.  

Cùng một lý do tương tự, khi xem xét điều 281-283 Công ước Luật biển, Tòa đồng thời quyết định rằng những thỏa thuận và tuyên bố chung khác giữa Philippines và Trung Quốc không cản trở, loại trừ việc Philippines giải quyết tranh chấp với Trung Quốc dựa theo cơ chế của Công ước.

Tòa cũng phân tích các ngoại trừ thẩm quyền trong các điều 297, 298, 299 của Công ước. Mặc dù Philippines trong phiên điều trần yêu cầu Tòa Trọng tài phải có phán quyết về thẩm quyền trên tất cả các luận điểm nước này đưa ra, Tòa nhận thấy điều 298 có thể có những hạn chế và Tòa chỉ có thể xác định có thẩm quyền hay không sau khi đã xem xét nội dung vụ kiện.

Thẩm quyền của Tòa Trọng tài quyết định nội dung một số luận điểm của Philippines phụ thuộc vào: 

1) Bản chất và hiệu lực yêu sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử trong Biển Đông. Bản chất các quyền lịch sử này có thể xác định liệu tranh chấp của các Bên có bị chi phối bởi ngoại trừ thẩm quyền liên quan đến “các Vịnh và danh nghĩa lịch sử.

2) Quy chế của một số các thực thể trong Biển Đông, đặc biệt trong trường hợp có thực thể tạo thành “đảo” và có quyền tạo nên các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và do đó sẽ tạo nên các vùng chồng lấn. Điều này ảnh hưởng đến xem xét các luận điểm 5,8,9 của Philippines; 

3) Vùng biển trong đó Trung Quốc thực hiện các hành động giám sát cưỡng chế luật liên quan đến các luận điểm 8,9,10 và 13 của PLP; 4) liệu một số hoạt động của Trung Quốc có bản chất là quân sự không, liên quan đến luận điểm 12 và 14 của Philippines.

Sau khi đã xem xét các yếu tố, Tòa quyết định có thẩm quyền đối với luận điểm 3 (quy chế của Scarborough là đá hay đảo), luận điểm 4 (quy chế của Vành Khăn, Xu Bi và Bãi Cỏ May) có phải là bãi nổi khi thủy triều thấp nhất, luận điểm 6 (quy chế của Gaven Reef hoặc McKennan Reef (bao gồm Đá Tư Nghĩa), luận điểm 7 (quy chế đảo hay đá của Đá Châu Viên, Đá Chữ Thập), luận điểm 10 (về quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines tại Scarborough, luận điểm 11 (nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển tại Scarborough và Bãi Cỏ Mây), luận điểm 13 (hoạt động cưỡng chế pháp luật của Trung Quốc tại Scarborough).

Tòa cho rằng phải xem xét có thẩm quyền gắn với giai đoạn nghe nội dung các luận điểm 1,2,5.8.9.12,14 cũng như đề nghị Philippines làm sáng tỏ luận điểm 15.

Bài học cho Trung Quốc: Không thể lấy tay che cả bầu trời

Chưa bao giờ thực tế và thế giới lại dạy cho Trung Quốc bài học cay đắng như tuần qua.

Trung Quốc và tham vọng độc chiếm Biển Đông

Căng thẳng ở Biển Đông phát xuất từ những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ cũng như việc Bắc Kinh bồi lấp các bãi đá với tốc độ rất lớn, tạo ra 7 đảo nhỏ trong khu vực.

TS Nguyễn Hồng Thao

Bạn có thể quan tâm