Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thứ trưởng GD&ĐT: 'Sẽ không còn tình trạng đào tạo gà nòi'

"Với chương trình, SGK sắp tới, giáo dục Việt Nam sẽ không còn tình trạng đào tạo gà nòi, giỏi kiến thức sách vở, thiếu kiến thức thực tiễn", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói.

- Thứ trưởng có thể khái quát về chương trình giáo dục phổ thông mới lần này có gì khác với chương trình hiện hành?

- Chương trình hiện hành có phần chung (nhập môn, nhập đề), nhưng chương trình mới viết thẳng thành “chương trình phổ thông tổng thể”. Tổng thể được hình dung là kế hoạch chung của cả giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12.

Các chương trình bộ môn sẽ theo chương trình tổng thể để đảm bảo môn học hài hòa nhau, liên thông thống nhất từ cấp dưới lên cấp trên (nội dung, kế hoạch, thời gian thực hiện). Chương trình tổng thể sẽ khắc phục được hạn chế của chương trình hiện hành là cắt khúc, chồng lấn nhau, dạy lại môn.

Trước đây, chương trình hiện hành nói tới phẩm chất, năng lực, nhưng khi thực hiện lại quan tâm tới truyền đạt nội dung, đồng thời không đặt ra yêu cầu cụ thể của phẩm chất, năng lực từng cấp học tới đâu. Lần đổi mới này phải đặt ra mục tiêu cho từng cấp học: Hết tiểu học, THCS, THPT, năng lực đạt được là gì?

Học sinh sẽ không phải học hết các môn như hiện nay

Chiều 5/8, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

- Vậy cụ thể mục tiêu ở từng cấp học như thế nào, thưa ông?

- Trong mục tiêu chương trình cấp học, học sinh có tiềm năng gì sẽ được phát huy. Ở tiểu học, mục tiêu cần đạt được về kiến thức là học sinh đọc thông, viết thạo. Kỹ năng được hình thành qua thói quen trong học tập và sinh hoạt của học sinh. Các em được định hướng những giá trị về gia đình, quê hương nhưng ở phạm vi hẹp và mức độ thấp hơn.

Ở THCS, mục tiêu cần đạt là kiến thức phổ thông nền tảng, từ đây bắt đầu hình thành khả năng tự học của học sinh. Các em biết tự điều chỉnh bản thân mình theo những giá trị, đạo đức chuẩn mực của xã hội.

Bộ GD&ĐT cho biết, học sinh sẽ được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa hơn với chương trình mới. Ảnh: Hoàng Hà.

Ở THPT, kiến thức phổ thông đã được định hướng theo những ngành nghề khác nhau. Định hướng này giúp học sinh có khả năng học và chọn nghề. Bậc học này sẽ hình thành phương pháp tự học, đây là trách nhiệm nghĩa vụ, quyền lợi công dân.

Những mục tiêu này ở chương trình hiện hành không có hoặc không rõ ràng. Chương trình mới sẽ khắc phục được hạn chế đó.

- Chương trình hiện hành cũng có những ưu điểm. Tuy nhiên, năng lực giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề của học sinh kém hơn học sinh các nước. Vấn đề này trong chương trình phổ thông tổng thể mới sẽ giải quyết thế nào?

- Chương trình mới sẽ khiến học sinh năng động hơn, tư duy độc lập, có khả năng phát hiện giải quyết vấn đề và làm việc theo nhóm.

Về mặt thiết kế chương trình giáo dục phổ thông lần này, ngoài các môn học tiếp tục phát huy, có yêu cầu tăng cường hoạt động xã hội. Hoạt động xã hội là có hướng dẫn, hoạt động hướng tới những sáng tạo, trải nghiệm. Học sinh có những trải nghiệm bên ngoài trường học.

Chương trình hiện hành cũng có tính trải nghiệm như ngoài giờ lên lớp, có các hoạt động đoàn, đội… Chương trình mới có ngoại khóa, có thể thiết kế theo chương trình học, thiết kế theo nội dung giáo dục, mục tiêu giáo dục. Những loại thiết kế này sẽ do nhà trường phổ thông lựa chọn giảng dạy và có quy định thời gian cho các hoạt động.

Sẽ có nhiều môn học với tên gọi mới

Chiều 5/8, Bộ GD&ĐT chính thức công bố chương trình GD phổ thông tổng thể. Đây là bước đầu tiên trong lộ trình đổi mới chương trình - SGK phổ thông sau năm 2015.

Lê Phan

Bạn có thể quan tâm