Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thomas Cook sụp đổ giáng đòn đau lên ‘Warren Buffett Trung Quốc’

Sự sụp đổ của Thomas Cook ngày 23/9 vừa qua không chỉ khiến 600.000 du khách khổ sở vì mắc kẹt, mà còn gây tổn hại danh tiếng của người được mệnh danh là Warren Buffett Trung Quốc.

Đó là tỷ phú Quách Quảng Xương, chủ tịch tập đoàn Fosun International, và cũng là cổ đông lớn nhất của Thomas Cook.

Trong những năm qua, tỷ phú người Trung Quốc đã thực hiện nhiều vụ mua lại có tổng trị giá lên tới 18 tỷ USD, cả trong nước và nước ngoài. Ông mua lại từ công ty châu Âu Cirque Soleil, sở hữu các khu nghỉ dưỡng, đến các công ty dược Ấn Độ và một công ty y tế Bồ Đào Nha.

"Warren Buffett Trung Quốc"

Nhiều khoản đầu tư đó đã sinh lời, nhưng sau vụ phá sản của công ty du lịch 178 tuổi Thomas Cook, những người phê bình cho rằng đã đến lúc tỷ phú 52 tuổi phải nghĩ lại chiến lược mở rộng táo bạo của mình.

Tháng 8, Fosun cùng công ty khác đề xuất bơm 1,1 tỷ USD vào Thomas Cook, để đổi lấy cổ phần kiểm soát mảng du lịch, và cổ phần thiểu số trong mảng hàng không. Nhưng thỏa thuận này bất thành sau khi phát hiện Thomas Cook cần thêm khoảng 250 triệu USD.

Không bên nào - Fosun, các ngân hàng, các bên nắm trái phiếu, các quỹ đầu tư - sẵn sàng bỏ ra số tiền đó. Nỗ lực cuối cùng xin chính phủ cứu trợ cũng bất thành.

Thomas Cook pha san anh 1
Ông Quách (đang cầm mic) trong một buổi họp báo của tập đoàn Fosun năm 2017. Ảnh: South China Morning Post.

Sau vụ phá sản, Fosun và công ty con Fosun Tourism mất 18% cổ phần trong Thomas Cook. Tổng tài sản của ông Quách lên tới 5,8 tỷ USD theo ước tính của Forbes, vì vậy thiệt hại của ông Quách nằm ở danh tiếng của ông và tập đoàn, hơn là về tài sản, theo nhận định của Nikkei Asian Review.

Fosun Tourism nắm 11,4% cổ phần Thomas Cook tính đến tháng 6, và đó chỉ là 0,2% tổng tài sản của công ty. Tuy nhiên, uy tín của Fosun, cũng như danh tiếng và sự tôn sùng mà người ta dành cho ông Quách, đã bị ảnh hưởng lớn.

“Vụ phá sản của Thomas Cook khá đau đớn đối với Fosun”, Brock Silvers, giám đốc công ty Kaiyuan Capital, nói với Nikkei Asian Review. “Vì việc lựa chọn đầu tư của ông Quách Quảng Xương trông có vẻ thiếu cẩn trọng”.

Công ty du lịch lâu đời nhất thế giới đã phá sản ngày 23/9 sau một thập kỷ khó khăn về tài chính. 178 năm lịch sử của hãng kết thúc với việc hàng trăm nghìn du khách mắc kẹt trên khắp thế giới và vẫn đang chờ đợi chuyến bay về nước.

Thomas Cook pha san anh 2
Ông Quách Quảng Xương, chủ tịch tập đoàn Fosun International, và cũng là cổ đông lớn nhất của Thomas Cook. Ảnh: South China Morning Post.

Bài học cho công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài

Benjamin Cavender, giám đốc của công ty nghiên cứu thị trường China Market Research Group, nói vụ phá sản là “bài học cho các công ty Trung Quốc muốn phát triển bằng cách mua các công ty nước ngoài”.

Ông Quách đã khá bận rộn với các vụ mua lại tập đoàn Mỹ hay châu Âu. Ông đại diện cho làn sóng mở rộng ra nước ngoài của giới doanh nghiệp Trung Quốc vốn có nhiều tiền mặt và đã tránh được thiệt hại của khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Sự mở rộng đó, trong trường hợp của Fosun, đã đem lại nhiều lợi nhuận. Một trong những thương vụ lớn nhất của Fosun là hãng resort Club Med của Pháp, được Fosun mua lại năm 2015 với giá 1,1 tỷ USD.

Fosun Tourism đã biến Club Med từ lỗ gần 10 triệu USD năm 2014 thành lãi 58,8 triệu USD năm 2018, dựa vào số khách hàng Trung Quốc trung lưu dồi dào.

"Fosun đã tạo nên một đế chế du lịch vững mạnh", ông Cavender nói, chủ yếu nhờ khả năng biến Club Med thành thương hiệu được khách hàng Trung Quốc biết đến và xây dựng hàng loạt dự án ở Trung Quốc, bao gồm các khu nghỉ dưỡng Club Med.

Thành công đó khiến Fosun tìm kiếm các hãng du lịch châu Âu khác. Năm 2016, công ty thành lập Thomas Cook China theo hình thức liên doanh, hy vọng “khai thác” thị trường khách du lịch Trung Quốc nhiều tiềm năng.

Thomas Cook pha san anh 3
Một hành khách thất vọng sau khi quầy làm thủ tục của Thomas Cook đóng cửa tại một sân bay ở phía nam London ngày 23/9. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, hãng du lịch Anh “đang ngập trong nợ nần và thua lỗ, với mô hình kinh doanh lạc hậu bị kênh online giành thị phần”, ông Silvers từ Kaiyuan Capital cho biết. Trong chưa đầy một năm, Thomas Cook đưa ra ba cảnh báo về lợi nhuận, và ghi nhận thua lỗ 1,9 triệu USD trong khoảng thời gian nửa năm tính đến tháng 5 năm nay.

Vì vậy, Fosun quyết định không đầu tư nữa khi Thomas Cook cần thêm 250 triệu USD.

Thomas Cook China đã ra thông cáo cho biết sẽ không bị ảnh hưởng bởi vụ phá sản, vì liên doanh này do Fosun kiểm soát.

Tuy vậy, Andrew Sangster, người biên tập và chủ sở hữu trang thông tin về ngành khách sạn Hotel Analyst, cho rằng “thương hiệu đó đã bị ảnh hưởng quá nhiều”, và nhiều khả năng “họ sẽ xây các khách sạn mới nhưng dưới thương hiệu khác”.

Fosun có thể sẽ chịu những cơn “dư chấn” từ vụ sụp đổ của Thomas Cook trong một thời gian nữa, Nikkei Asian Review bình luận.

Thomas Cook pha san anh 4
Tập đoàn Fosun đã không thể ngăn sự sụp đổ của Thomas Cook. Ảnh: Getty Images.

Quyết sách sai lầm nào đã ‘khai tử’ hãng du lịch 178 năm tuổi?

Hãng du lịch Anh Thomas Cook chào đời tháng 7/1841, từng phục vụ những tên tuổi của lịch sử như Mark Twain hay Winston Churchill. Nhưng câu chuyện của hãng kết thúc ngày 23/9.

Chuyến bay cuối đầy nước mắt của hãng du lịch 178 năm tuổi

Wendy Willis, 57 tuổi, nói với CNN rằng chuyến bay cuối từ Orlando, Florida của Mỹ, đến Manchester, Anh, có cảm giác trầm lắng, nhất là trước thời điểm hạ cánh lúc 8h52.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm