Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Theanh28 đùa cợt về hiếp dâm và chuyện 'thêm mắm dặm muối' trên MXH

Từ không hóa có, từ bé xé ra to, được “thêm mắm thêm muối” để câu view, câu like là muôn hình vạn trạng của nạn tin giả (fake news) trong thời buổi mạng xã hội phát triển.

Ngày 2/6 vừa qua, Theanh28 Entertainment - fanpage có gần 5 triệu lượt theo dõi - khiến dân mạng bức xúc khi xuyên tạc, bóp méo thông tin về một vụ án hiếp dâm ở An Giang.

Thay vì truyền đạt thông tin theo đúng kết luận điều tra của cơ quan công an, trang này thêm thắt nhiều chi tiết, dẫn lại vụ việc bằng giọng điệu cợt nhả, có lời lẽ xúc phạm nạn nhân.

Trước đó, tối 29/5, hình ảnh chụp tin nhắn có nội dung vu khống Trấn Thành ăn chơi, "bay lắc" cùng nhóm bạn được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Nam MC sau đó đã phải đăng đàn giải thích, gặp trực tiếp 2 chủ tài khoản mạng xã hội tung tin đồn thất thiệt về anh để làm rõ sự việc.

Những trường hợp kể trên chỉ là hai trong số rất nhiều tin giả làm xôn xao cộng đồng mạng trong thời gian gần đây. Từ không hóa có, từ bé xé ra to, được “thêm mắm thêm muối” để câu view, câu like là muôn hình vạn trạng của nạn tin giả (fake news) trong thời buổi mạng xã hội phát triển.

Người lan truyền và chia sẻ tin giả với nhiều mục đích khác nhau nhưng hậu quả mà những nạn nhân của fake news gánh chịu vô hình trung đều khủng khiếp giống nhau: cuộc sống bị hủy hoại, mất rất nhiều thời gian, thậm chí cả đời để minh oan, rửa sạch tên tuổi.

"Vì tin đồn thú vị hơn sự thật"

Giữa tháng 4/2018, một vụ cướp tàn bạo xảy ra tại Algeciras, Tây Ban Nha. Trong khi cảnh sát đang nỗ lực tìm kiếm hung thủ, một bức ảnh không rõ mặt kẻ gây án lan truyền trên mạng xã hội. Từ Madrid đến Mallorca, hình ảnh được chia sẻ hàng nghìn lần kèm theo thông tin của một chàng trai tên Francisco Canas.

Anh chàng 21 tuổi được dân mạng cho là hung thủ của vụ án dù chưa có bất kỳ kết luận nào từ cơ quan điều tra. Cảnh sát sau đó cho biết Francisco hoàn toàn không có tên trong danh sách tình nghi vì vào đúng ngày 15/4, hôm xảy ra vụ cướp, anh chàng đang ở trong tù. Trước đó, thanh niên này cũng chưa từng đặt chân đến Algeciras.

Tuy nhiên, ít ai quan tâm đến điều đó. Đa số dân mạng chọn cách tin vào kết luận, thuyết âm mưu của các “điều tra viên mạng xã hội”. Trong khi cảnh sát chưa tìm ra hung thủ thực sự, đám đông phẫn nộ cần một cái tên để nhận trách nhiệm, chịu chỉ trích. Và người đó không may lại là Francisco.

Về phía Francisco và gia đình, ban đầu họ lên tiếng giải thích vô số lần nhưng đều vô tác dụng. “Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là khóc. Không cách gì ngăn chặn những tin đồn”, người nhà Francisco nói.

tin gia anh 1

Tin giả trên mạng xã hội huy hoại thanh danh, cuộc sống của nhiều người. Ảnh: telerama.

Theo báo cáo của công ty tư vấn truyền thông Comunica Más por Menos, 44% người dùng mạng xã hội tiếp nhận và chia sẻ 1-5 tin đồn vô căn cứ mỗi tuần. Những thông tin thất thiệt, thậm chí có quá nhiều điểm vô lý và nghi vấn, vẫn được lan truyền với tốc độ nhanh hơn tin chính thống từ 2-3 lần.

Kiểm chứng và giải thích điều này, Craig Silverman, nhà nghiên cứu thuộc trung tâm Báo chí kỹ thuật số của Đại học Columbia (Mỹ), đã tiến hành thống kê tốc độ lan truyền thông tin trong vụ máy bay phản lực Libya mất tích vào năm 2014.

Kết quả cho thấy những tin đồn thất thiệt, thuyết âm mưu vô căn cứ về nguyên nhân máy bay mất tích được chia sẻ hơn 140.000 lần, trong khi thông tin đính chính, có nguồn gốc rõ ràng chỉ được chia sẻ 725 lần.

Theo ông Silverman, sức hấp dẫn của fake news nằm ở sự bất thường và thú vị. Người dùng mạng xã hội có xu hướng chia sẻ các thông tin gây sốc hơn là những tin tức thông thường, không có yếu tố giật gân.

“Tin đồn luôn thú vị hơn sự thật. Chính vì lẽ đó, nhiều người thậm chí cố gắng thêm thắt, biến tấu, bóp méo sự thật để nó trở nên thú vị và được quan tâm hơn”, nhà nghiên cứu cho biết.

Phạt tiền, bỏ tù tội phạm phát tán tin giả

Vấn nạn tin giả vốn không xuất phát từ mạng xã hội nhưng lại đang được nuôi lớn, thổi phồng từ chính không gian ảo này. Những tổ chức, cá nhân loan tin giả với nhiều mục đích từ câu view, câu like, tấn công cá nhân cho đến phá hoại tổ chức, cộng đồng, mục đích chính trị…

Tuy nhiên, dù với không gian nào hay mục đích gì, hậu quả của việc truyền tin giả vẫn luôn nặng nề. Để ngăn chặn tin giả và những tác hại của nó, luật pháp nhiều nước có quy định nghiêm ngặt và chế tài xử phạt nặng với những tổ chức, cá nhân xuyên tạc thông tin và truyền bá fake news.

Đầu tháng 5, Saudi Arabia thông qua quy định phạt tù 5 năm và phạt tiền 800.000 USD đối với những người chia sẻ tin giả trên mạng xã hội. Tương tự, tội lan truyền thông tin thất thiệt cũng phải đối mặt với án tù từ 6 tháng đến 10 năm tại Benin, Brazil, Burkina Faso… và phạt tiền lên đến hàng nghìn USD tại UAE, Ai Cập, Kenya, Malaysia…

Còn tại Việt Nam, từ ngày 15/4, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử bắt đầu có hiệu lực.

tin gia anh 2

Tội phát tán tin giả bị phạt nặng ở nhiều nước. Ảnh: trinitynews.

Theo đó, một số hành vi bị xử phạt bao gồm: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc. Mức tiền phạt từ 10-20 triệu đồng.

Trong bài viết riêng cho Zing, bà Phan Tường Yên - chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý đang sống và làm việc tại TP.HCM - cho rằng tin tức sai lệch là một phần tất yếu của kỷ nguyên công nghệ nhưng mỗi người cần học cách hoài nghi, ngay với chính bản thân mình, để không bị dẫn dắt bởi fake news.

- Luôn tự vấn, rằng liệu mình có đang bị thu hút bởi những từ tiêu cực trong tiêu đề? Nghiên cứu đã cho thấy rằng ngay cả khi những người tham gia nói mình muốn xem tin tức tích cực hơn, họ vẫn chọn những câu chuyện tiêu cực để dừng lại xem khi online.

- Tự hỏi, mình muốn chia sẻ tin tức này là vì sao? Bởi vì nó nghe hay ho? Bởi vì nó thực sự hữu ích? Bởi vì nó đang “thay lời” mình để bày tỏ quan điểm hay nỗi lòng? Hay bởi vì mình sợ phải “đứng ngoài cuộc”, mình cần phải tham gia vào dòng chảy ấy?

- Chậm lại và tự hỏi xem bản thân đang đặt niềm tin vào bài viết/tin tức này vì điều gì? Liệu có phải vì người viết là bạn thân của mình? Vì người viết là giám đốc bệnh viện? Vì đó là trang tin yêu thích của mình? Vì người chia sẻ cho mình là cậu bạn tiến sĩ ở Mỹ? Hay vì mình đã dành vài phút kiểm tra và thấy thông tin đáp ứng tương đối các tiêu chí của một bản tin tốt?

"Càng hiểu về bản thân, càng nhận rõ xu hướng đặt để niềm tin của mình và lý do sâu thẳm bên trong mỗi lời bình luận, mỗi cái nhấp chuột chia sẻ… chúng ta sẽ càng tỉnh táo, dễ dàng nhận diện tin tức có cơ sở và chia sẻ có trách nhiệm hơn", bà Tường Yên nói.

Dân mạng kêu gọi tố cáo trang Theanh28 vì xuyên tạc vụ án hiếp dâm

Sau bài đăng đề cập vụ án hiếp dâm ở An Giang nhưng lồng ghép thông tin sai lệch, có lời lẽ xúc phạm nạn nhân, fanpage Theanh28 bị nhiều người lên án, kêu gọi tẩy chay.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm