Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Taliban sẽ làm gì với mỏ khoáng sản trị giá 1.000 tỷ USD?

Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới nhưng sở hữu lượng khoáng sản giá trị lớn và chưa được khai thác hết. Câu hỏi đặt ra là Taliban sẽ làm gì với chúng?

Sự sụp đổ chóng vánh của quân đội Afghanistan trước lực lượng Taliban khiến nước này gặp phải khủng hoảng chính trị và nhân đạo. Bên cạnh đó, các chuyên gia an ninh còn lo ngại về lượng khoáng sản dồi dào chưa được khai thác của nước này, theo CNN.

Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, vào năm 2010, các cán bộ quân sự và nhà địa chất học Mỹ chỉ ra rằng nước này đang giữ các khoáng thể có trị giá lên đến gần 1.000 tỷ USD. Con số này có thể thay đổi hoàn toàn viễn cảnh kinh tế của Afghanistan.

Các mỏ khoáng như sắt, đồng và vàng nằm rải rác ở khắp đất nước. Ngoài ra, nước này còn có một trong những khoáng thể lithium lớn nhất thế giới. Lithium là thành phần hiếm và quan trọng, được dùng để làm pin sạc và các công nghệ cần thiết để giải quyết khủng hoảng khí hậu.

"Aghanistan là một trong những vùng giàu kim loại quý mà nền kinh tế của thế kỷ 21 đang rất cần", theo ông Rod Schoonover, một nhà khoa học và chuyên gia an ninh.

Trước đây, các trở ngại về an ninh và cơ sở vật chất, cũng như các đợt hạn hán nghiêm trọng, đã cản trở việc khai thác các khoáng vật quý ở Afghanistan.

Nếu Taliban hoàn toàn nắm quyền và xây dựng bộ máy chính quyền, điều này có thể sẽ không thay đổi.

Tiềm năng phát triển

Viễn cảnh kinh tế của Afghanistan vốn đã ảm đạm, trước cả khi Tổng thống Joe Biden thông báo rút quân khỏi nước này vào đầu năm nay.

Tính đến năm 2020, ước tính 90% người Afghanistan có mức thu nhập thấp hơn chuẩn nghèo (2 USD/ngày), theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ.

Hồi tháng 3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết nền kinh tế Afghanistan "yếu ớt và phụ thuộc vào trợ giúp của các nước khác".

"Nỗ lực phát triển và đa dạng hóa khu vục tư nhân đã bị cản trở bởi an ninh không vững chắc, bất ổn chính trị, thể chế yếu ớt, cơ sở vật chất thiếu hụt, tham nhũng trên diện rộng và môi trường kinh doanh khó khăn", WB cho biết.

Nhiều quốc gia có chính phủ hoạt động thiếu hiệu quả đã gánh chịu "lời nguyền tài nguyên". Điều này có nghĩa các nỗ lực khai thác tài nguyên thiên nhiên của các nước này không thể đem đến lợi ích cho người dân, và nền kinh tế quốc nội. Tuy vậy, nguồn tài nguyên ở Afghanistan có nhiều triển vọng.

Nhu cầu sử dụng các kim loại như lithium và cobalt, cũng như các loại đất hiếm như neodymium, tăng vọt trong bối cảnh nhiều nước chuyển sang sử dụng ôtô điện và các công nghệ sạch khác.

Taliban giu khoang san Afghanistan anh 1

Lượng khoáng vật ở Afghanistan rất dồi dào. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa thể khai thác chúng một cách hiệu quả. Ảnh: CNN.

Hồi tháng 5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng nguồn cung cấp lithium, đồng, kẽm, colbalt và các loại đất hiếm khác cần tăng mạnh. Nếu không, thế giới sẽ không thể giải quyết được khủng hoảng khí hậu.

Hiện tại, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Congo và Australia chiếm 75% sản lượng lithium, cobalt và đất hiếm của thế giới.

Theo IEA, ôtô điện cần lượng khoáng vật gấp 6 lần so với ôtô chạy bằng xăng. Lithium, kẽm và cobalt là những thành phần quan trọng của pin ôtô điện. Mạng điện của chúng cũng cần nhiều đồng và nhôm. Trong khi đó, nam châm của động cơ tuabin gió cần các kim loại đất hiếm.

Những trở ngại lớn

Chính phủ Mỹ ước tính khoáng thể lithium ở Afghanistan có thể nhiều bằng với Bolivia, "vựa khoáng sản" lớn nhất thế giới.

"Nếu Afghanistan có một năm bình ổn để phát triển khai thác tài nguyên, họ có thể trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới chỉ trong một thập kỷ", ông Said Mirzad, từ Cục Khảo sát Địa giới Mỹ, nói với tờ Science vào năm 2010.

Tuy nhiên, Afghanistan không bao giờ có được cơ hội ấy. Phần lớn lượng khoáng vật của nước này vẫn chưa được khai thác, theo ông Mosin Khan, cựu giám đốc khu vực Trung Đông và Trung Á của Qũy Tiền tệ Thế giới.

Trên thực tế, nước này đã khai thác được một lượng vàng, đồng và sắt. Tuy vậy, lithium và các loại đất hiếm khác cần sự đầu tư mạnh mẽ hơn và kỹ thuật khai thác tốt hơn, cũng như cần nhiều thời gian.

Theo ước tính của IEA, phải mất 16 năm để có thể khai thác một khoáng thể, tính từ lúc tìm thấy.

Hiện tại, Afghanistan chỉ kiếm được một tỷ USD mỗi năm nhờ vào các khoáng vật, theo ông Khan. Ông cho rằng 30-40% trong số đó bị thất thoát do tham nhũng, cũng như do các lãnh chúa và Taliban, những người kiểm soát các dự án khai thác nhỏ, cắt xén.

Tuy nhiên, có thể Taliban sẽ sử dụng quyền lực mới để phát triển khai thác khoáng sản, ông Schoonover cho biết.

Ông Schoonover lưu ý rằng "xác suất để việc này diễn ra là thấp", vì Taliban sẽ cần phải tập trung vào các vấn đề an ninh và nhân đạo trước.

"Việc chuyển giao từ một nhóm nổi loạn đến nắm chính quyền Afghanistan của Taliban sẽ không dễ dàng", theo ông Joseph Parkes, một nhà phân tích an ninh châu Á. "Phải mất nhiều năm nữa nước này mới có thể quản lý việc khai thác khoáng sản một cách hiệu quả".

Ông Khan chỉ ra Afghanistan rất ít khi nhận được vốn đầu tư từ nước ngoài, trước cả khi Taliban lật đổ chính quyền nước này.

"Nếu trước đây họ không sẵn sàng đầu tư vào Afghanistan, thì giờ đây ai sẽ làm thế", ông Khan cho biết.

Cơ hội của Trung Quốc

Vào ngày 16/8, Trung Quốc, nước dẫn đầu thế giới về khai thác đất hiếm, cho biết họ vẫn "giữ liên lạc với lực lượng Taliban".

"Trung Quốc đang bắt đầu một chương trình phát triển năng lượng xanh", ông Schoonover cho biết. "Hiện tại, lithium và đất hiếm không thể thay thế được vì đặc tính của chúng. Trung Quốc đã thêm những khoáng vật này vào kế hoạch lâu dài của họ".

Taliban giu khoang san Afghanistan anh 2

Thủ lĩnh Taliban Abdul Ghani Baradar (trái) và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau vào ngày 28/7. Ảnh: CNN.

Ông Schoonover cho rằng nếu Trung Quốc đầu tư vào Afghanistan, nhiều người sẽ lo ngại về tính bền vững của các dự án khai thác.

"Nếu khai thác không cẩn thận, họ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người Afghanistan yếu thế", ông cho biết.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể còn nhiều lo ngại về việc hợp tác với Taliban trước tình hình bất ổn hiện tại, và vì thế tập trung vào các vùng khác. Ông Khan chỉ ra rằng Trung Quốc từng chịu lỗ khi đầu tư vào một dự án khai thác đồng. Dự án này sau đó đã bị trì hoãn.

"Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ tập trung vào những vùng đang trên đà phát triển trước khi đầu tư cho chính quyền Afghanistan của Taliban," theo ông Howard Klein, người chuyên tư vấn các nhà đầu tư về lithium.

Bé gái được bế qua bức tường để vào sân bay Kabul Từ đám đông đang chen lấn bên ngoài sân bay Kabul hôm 19/8, một bé gái được nhấc lên qua bức tường cao và được một người lính Mỹ đỡ lấy.

Hàng loạt tính toán sai lầm của Mỹ trước sự sụp đổ của Afghanistan

Việc chính phủ Afghanistan có thể thất thủ sau khi Mỹ rút quân đã được dự báo, nhưng tình báo Mỹ và Tổng thống Biden không hề thấy trước được tốc độ tiến quân của Taliban.

Mỹ, IMF ngăn Taliban tiếp cận hàng tỷ USD của Afghanistan

Mỹ và IMF chặn quyền tiếp cận hơn 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Afghanistan và viện trợ khẩn cấp, để tránh số tiền rơi vào tay Taliban.

Thế Hào

Bạn có thể quan tâm