Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rộ phong trào giải cứu nông sản tỉnh Hải Dương

Nhiều tổ chức, cá nhân kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương trước những khó khăn do Covid-19 gây ra. Cơ quan chức năng cũng đã có ý kiến chỉ đạo.

Anh Đức (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) gọi những ngày Hải Dương cách ly toàn xã hội là những ngày "ngồi trên đống lửa". Bởi lẽ, năm nay gia đình trồng 3 sào cà rốt, tưởng rằng mùa thu hoạch năm nay sẽ được giá, bán chạy nhưng không ngờ dịch bệnh ập đến.

"Bây giờ đi khắp vùng, đâu đâu cũng thấy cà rốt chất đống nằm bên đường chờ tiêu thụ. Nếu để chậm ít ngày, vào mùa mưa sẽ hư hại nặng nề", anh than thở.

Tại tâm dịch Hải Dương lúc này, người nông dân đang "sốt ruột" vì nông sản ế ẩm khi thương lái ngừng thu mua. Trước tình cảnh trên, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã kêu gọi giải cứu ngô, hành, su hào, khoai tây, cà rốt... giúp bà con.

Ro phong trao giai cuu nong san tinh Hai Duong anh 1

Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khiến quá trình tiêu thụ nông sản của nông dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Thạch Thảo.

Khắp nơi kêu gọi “giải cứu nông sản Hải Dương”

Trên các trang mạng xã hội, một số cá nhân bắt đầu kêu gọi hoặc đứng ra nhận bán nông sản online giúp người quen, họ hàng tại vùng trồng.

Vừa đăng bài kêu gọi giải cứu 2 tấn ngô giúp bà con nông dân Hải Dương, anh Tâm (quê Hải Phòng) chia sẻ: "Hiện tại, chúng tôi đã thu mua 5,7 tấn ngô ở Hải Dương và đã chuyển trước 2 tấn về Hà Nội tiêu thụ giúp bà con với mức giá thu mua và bán ra đều là 7.000 đồng/kg".

Anh Tâm cho biết từ sáng đến trưa, sau khi rao bán đã có rất nhiều người ở Hà Nội hưởng ứng, đặt mua giúp. "Hiện tại số lượng đơn hàng từ khách đăng ký đã lên đến 800 kg. Tôi và bạn đang lên kế hoạch thu mua bán thêm ổi ở Thanh Hà để bán giúp bà con nông dân", anh nói và cho biết toàn bộ chi phí bốc dỡ, vận chuyển từ Hải Dương lên không tính vào giá bán.

Ro phong trao giai cuu nong san tinh Hai Duong anh 2

Nhiều tổ chức, cá nhân kêu gọi mọi người hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương.

"Mong mọi người ủng hộ một ít cho người dân Hải Dương đỡ khổ", 2 ngày nay, anh Chính ở Hải Dương liên tục đăng bài viết kêu gọi chung tay giải cứu bắp cải giúp bà con nông dân. "Vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên tôi không bán tại nhà, chỉ gom đơn rồi nhận ship. Được đồng nào vớt vát đồng đó giúp bà con nông dân", anh nói.

Anh Tâm, anh Chính cũng như nhiều người lên mạng xã hội kêu gọi giải cứu nông sản khác đều hy vọng sẽ chung tay góp sức mình hỗ trợ được bà con nông dân trong tình cảnh khó khăn vì dịch bệnh như hiện nay.

Mấy ngày nay, bạn bè ở Hải Dương của chị Hà (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng liên tục đăng bài bán rau, quả với giá chỉ vài nghìn đồng một kg. "Thương bà con nông dân quá. Tôi đã đặt mua 10 kg su hào, 10 kg cà rốt với giá 105.000 đồng vừa để gia đình dùng, vừa biếu họ hàng nhằm ủng hộ bà con nông dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh", chị Hà bộc bạch.

Tương tự, vừa đặt mua 5 kg ngô với giá 35.000 đồng chị Mai Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi vừa kêu gọi hàng xóm ở khu chung cư mua cùng. Cũng không chắc bán được nhiều hay không, nhưng lúc này để tiêu thụ nhanh được nông sản cho bà con gặp khó vì dịch thì thêm được chút nào hay chút đó".

Còn 90.000 tấn hành, cà rốt, su hào, bắp cải… cần tiêu thụ

Ông Vũ Việt Anh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Hải Dương, nhìn nhận trong bối cảnh Hải Dương thực hiện cách ly xã hội thì việc tiêu thụ nông sản của người dân Hải Dương chắc chắn sẽ gặp khó khăn, một số tỉnh hạn chế xe di chuyển từ Hải Dương.

Hơn nữa, vụ đông là vụ sản xuất quan trọng nhất của nông dân Hải Dương. Thời điểm hiện tại, tỉnh còn khoảng 90.000 tấn rau màu vụ đông cần tiêu thụ, chủ yếu là hành, tỏi, cà rốt, rau ăn lá. Đây chỉ là số nhỏ trong năng lực sản xuất rau màu trong 1 năm của tỉnh với khoảng 700.000 tấn.

Vụ đông năm nay, Hải Dương sản xuất khoảng 22.000 ha, đã thu hoạch xong 20.000 ha, đạt khoảng 90%. Còn lại 2.700 ha đang thu hoạch, trong đó có khoảng 2.000 ha hành.

Diện tích cà rốt đang thu hoạch là 500 ha với sản lượng 30.000 tấn, 90% sản lượng cà rốt đã có đầu mối thu mua phục vụ xuất khẩu. Đối với diện tích rau ăn lá như su hào, bắp cải, diện tích đang thu hoạch còn khoảng 200 ha, sản lượng 7.000 tấn.

Đây là lứa rau ăn lá thứ ba nông dân Hải Dương sản xuất trong vụ đông năm nay, lứa 1 và phần lớn sản lượng của lứa 2 tiêu thụ thuận lợi, giá cao.

“Nếu không có dịch Covid-19 thì chắc chắn vụ đông năm nay Hải Dương thắng lợi toàn diện. Cái khó nhất hiện nay là các thương lái không thể vận chuyển nông sản đi tiêu thụ do quy định phòng chống dịch”, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương nói.

Trước những khó khăn trên, tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở NNPTNT, các huyện, thị xã trên địa bàn khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản sau Tết. Các xã, phòng ban đảm bảo tổ chức sản xuất nông nghiệp được diễn ra bình thường.

Đồng thời, Hải Dương đề nghị Bộ Công Thương, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng tạo điều kiện cho phương tiện vận tải nông sản lưu thông qua các chốt kiểm soát để kịp thời tiêu thụ.

TP Hải Phòng đã có văn bản trả lời, cho phép các xe vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại tỉnh Hải Dương vào TP Hải Phòng nếu đáp ứng các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đề nghị các đơn vị phân phối tăng cường thu mua nông sản của Hải Dương, giúp tiêu thụ được phần nào số lượng nông sản tại tỉnh này. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NNPTNT chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường chế biến nông sản.

Bộ Công Thương: Hàng hóa tại Hải Dương, Quảng Ninh vẫn dồi dào

Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung hàng hóa tại Hải Dương và Quảng Ninh vẫn đầy đủ và ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng, “sốt giá”. Người dân không nên hoang mang, lo lắng.

Quà Valentine ảm đạm trên phố, nhộn nhịp trên mạng

Ngày Valentine trùng mùng 3 Tết, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thị trường hoa, quà tặng tại các cửa hàng truyền thống ế ẩm. Nhiều người chọn cách mua hàng online.

Văn Hưng - Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm