Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người phụ nữ Afghanistan đốt quần jeans trong ngày đầu Taliban cai trị

Cuộc sống của người dân Afghanistan đã bước sang chương mới, đầy sự u ám và tuyệt vọng dưới sự cầm quyền chính thức của Taliban, sau khi Mỹ rút hoàn toàn quân đội ra khỏi đất nước.

cai tri dat nuoc,  burqa,  My rut quan khoi Afghanistan, anh 1

Ngày đầu tiên Taliban cầm quyền, Arifa Ahmadi đã đốt quần jeans và các loại trang phục khác mà Taliban không chấp nhận cho phụ nữ mặc. Afghanistan đã thực sự bước sang kỷ nguyên mới sau khi những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi đất nước vào đêm 30/8.

Ahmadi là một trong những người trẻ đã trưởng thành được sinh sống và giáo dục, làm việc dưới một chính quyền do phương Tây hậu thuẫn trong suốt 20 năm qua, nhưng giờ cô đã mất việc ngay khi Taliban tiếp quản đất nước.

“Tôi đã cố gắng để được làm việc trong văn phòng hải quan ở Farah và tôi đã đạt được điều đó. Tôi đã tổ chức ăn mừng với bạn bè tại nhà mình. Chúng tôi đã rất vui. Nhưng tôi đã mất tất cả chỉ sau 3 tuần. Phụ nữ bị Taliban yêu cầu rời khỏi văn phòng. Với tình hình như vậy, tôi đã không thể quay trở lại đó”, Ahmadi nói.

cai tri dat nuoc,  burqa,  My rut quan khoi Afghanistan, anh 2

Mặt phụ nữ trên hình quảng cáo ở các tiệm làm đẹp ở Kabul bị bôi đen. Ảnh: AFP.

"Có một người đàn ông với bộ râu dài đang ngồi trên ghế của tôi”, Ahmadi nói thêm.

Hy vọng tiêu tan

Tới nay, Taliban vẫn đang nỗ lực thể hiện một bộ mặt thiện chí với thế giới, không có hình phạt công khai khắc nghiệt và các lệnh cấm hoạt động giải trí công cộng - vốn là đặc điểm của thời kỳ cầm quyền trước năm 2001 của họ.

Nhưng Ahmadi đã chạy khỏi Farah và chuyển tới Kabul kể từ khi Taliban chiếm đóng thành phố, với hy vọng rời khỏi đất nước thông qua một công ty nước ngoài.

“Tôi đã khóc suốt sáng nay. Anh trai mua cho tôi một chiếc burqa. Tôi đã khóc và đốt chiếc quần jean của mình như thiêu rụi hết mọi hy vọng. Không có điều gì khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nữa. Tôi đang chờ đợi cái chết tới, tôi không muốn cuộc sống này nữa”, Ahmadi thổn thức nói.

“Kể từ khi Taliban chiếm Farah, tôi không thể đi vững được và hoàn toàn suy sụp. Giờ tôi không còn cảm giác gì nữa, tôi cảm thấy như đã chết rồi. Tôi đã buông xuôi mọi việc vào sáng nay và những người khác trong thành phố cũng vậy. Bạn sẽ không thấy nụ cười nào ở ngoài kia. Một không khí u ám đang bao trùm khắp thành phố", cô nói thêm.

cai tri dat nuoc,  burqa,  My rut quan khoi Afghanistan, anh 3

Người dân Kabul xếp hàng dài cây số để có thể tiếp cận quỹ tiết kiệm của mình vào ngày 31/8, sau khi các ngân hàng buộc phải đóng cửa tạm thời. Ảnh: New York Times.

Hôm 30/8, Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, cho biết “một chương mới đã bắt đầu” ở Afghanistan khi chiến dịch quân sự của NATO kết thúc.

Trên các con phố ở Kabul, nhiều người dân xếp hàng dài ở ngân hàng để rút tiền. Taliban đã ra lệnh cho các ngân hàng mở cửa trở lại vào thứ bảy tuần này với giới hạn rút tiền là 200 USD/tuần.

Nesar Karimi, một kỹ sư ở Kabul, chia sẻ: “Ngày đầu tiên Taliban cai trị, tôi xếp hàng tại lối vào của một ngân hàng ở khu vực Shahr-e-Naw, Kabul. Tôi đến đó vào khoảng 6h, nhưng đã có hàng trăm người xếp hàng ở đó trước khi ngân hàng mở cửa. Tôi ở đó tới 12 giờ, nhưng rồi họ đóng cửa máy ATM, nói rằng họ hết tiền. Tay súng Taliban lại đang đánh người, tôi muốn ở lại nhưng mọi thứ trở nên hỗn loạn nên tôi đành về nhà. Đó là ngày thứ hai tôi đi rút tiền nhưng không được xu nào".

“Tôi sống ở Kabul gần như suốt cuộc đời nhưng chưa bao giờ thấy Kabul như thế này. Đó là một cảm giác trống rỗng tràn ngập khắp nơi. Thế hệ của tôi mất tất cả trong tích tắc. Mọi người đều đau khổ”, anh nói.

Thủ đô Kabul từng là thành phố sống động nhất đất nước này dưới thời chính quyền cũ, nơi từng có đầy đủ tiện ích từ phòng tập, nước tăng lực đến các kiểu tóc thời trang cầu kì, âm nhạc và các vở opera mê hoặc lòng người.

Giờ đây nhiều người đang nhanh chóng thay đổi lối sống cũ. Ngay cả trước khi chuyến bay cuối cùng của Mỹ rời Kabul vào đêm 30/8, nhiều thắng cảnh và âm thanh rực rỡ, vui tươi của nhịp sống thành thị ở Afghanistan đã thay đổi khi những người bị bỏ lại cố gắng hòa nhập với sự khắc nghiệt mới.

Thay đổi để sống sót

Jabar Rahmani, một cư dân của thành phố Mazar-i-Sharif, cho biết: “Tôi quyết định để râu dài và mặc quần áo truyền thống của Afghanistan như một biện pháp đề phòng đầu tiên khỏi sự đe dọa".

cai tri dat nuoc,  burqa,  My rut quan khoi Afghanistan, anh 4

Các chiến binh Taliban vẫy tay vui mừng từ phía sau một chiếc xe bán tải, ở Kabul, Afghanistan hôm 30/8. Ảnh: AP.

"Không một ai nhắc gì đến trang phục, nhưng tôi phải thay đổi để sống sót. Khoảng cách giữa sự sống và cái chết là rất hẹp dưới sự kiểm soát của những người này. Râu tóc hay quần áo có thể là chuyện đơn giản đối với những người ở nhiều nơi khác trên thế giới, nhưng ở đây nó là một cuộc đấu tranh nguy hiểm đến tính mạng", ông nói.

“Tôi đã học cả đời để cống hiến cho mảnh đất này, nhưng họ đã chôn vùi hy vọng của tôi. Không chỉ Taliban mà cả cộng đồng quốc tế phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra với ước mơ của cả một thế hệ. Họ đến đây làm gì để rồi rút lui và bỏ mặc chúng tôi như vậy?", Rahmani nói thêm. Ông là một người theo chủ nghĩa vô thần, một cộng đồng rất nhỏ ở Afghanistan, những người sống ẩn mình và sợ hãi ngay cả dưới thời của chính quyền thân phương Tây.

“Tôi không tin vào vị thần nào cả và có rất nhiều người giống như tôi ở Mazar và Kabul. Nhiều người đã biết điều này, họ có thể bán chúng tôi cho Taliban. Nếu họ không làm điều đó, tôi sẽ cầu nguyện năm lần một ngày".

Trong khi phía Taliban đã nhiều lần trấn an rằng họ sẽ đối xử với người dân một cách tôn trọng và không tùy tiện đưa ra hình phạt, nhiều người vẫn nghi ngờ, không tin rằng họ có thể kiểm soát được hành động của những chiến binh đường phố.

Reshad Sharifi, một người dân ở Herat, cho biết các chiến binh Taliban đã cấm anh mặc áo phông và quần đùi khi đi tập thể dục.

Reshad nói: “Tôi có thói quen thức dậy vào sáng sớm để đi tập ở một ngọn núi gần đó. Sau vài ngày nghỉ, hôm nay là ngày đầu tiên tôi đi tập trở lại dưới sự cai quản chính thức của Taliban. Tôi luôn mặc quần đùi và áo phông, và sáng nay cũng vậy. Nhưng họ đã ngăn lại và chĩa súng về phía tôi”.

"Họ nói rằng hãy quay về, ăn mặc như một người Hồi giáo rồi đến đây", anh kể lại.

Cảnh hỗn loạn ở Kabul sau khi Mỹ rút quân hoàn toàn Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan vào ngày 30/8, kết thúc 20 năm can dự quân sự ở quốc gia Nam Á.

Bức tranh trái ngược ở Afghanistan trong ngày đầu sau khi Mỹ rút quân

Hai tâm trạng trái ngược bao trùm Afghanistan sau khi Mỹ rút toàn bộ lực lượng hôm 31/8. Trong khi có những người đổ ra đường ăn mừng, một số khác lo lắng về tương lai nước nhà.

Cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ đã kết thúc

Chiếc máy bay quân sự cuối cùng của Mỹ đã rời Kabul đêm 30/8, chấm dứt cuộc chiến 20 năm nhưng không đánh bại được Taliban và bỏ lại hàng chục nghìn người Afghanistan.

Bảo Châu

Bạn có thể quan tâm