Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phan Hồn Nhiên: Với người viết, thể loại nào cũng quan trọng

Từ bỏ dòng văn học fantasy vốn gắn liền với tên tuổi một thời, Phan Hồn Nhiên trở lại hoàn toàn khác biệt bằng truyện ngắn.

Phan Hồn Nhiên là cái tên nổi bật của thế hệ nhà văn 7X. Sau khóa học viết văn tại Mỹ năm 2011, chị đã có những bước đi ngoạn mục mà tiêu biểu là tiểu thuyết Ngựa thép và mới đây là tập truyện ngắn Hồi phục.

Truyện ngắn là những trải nghiệm quý

- Sau khóa học tại Mỹ, chị gây ngạc nhiên với tiểu thuyết “Ngựa thép”. Nhưng mới đây, chị lại bất ngờ chuyển hướng với thể loại truyện ngắn bằng tập truyện “Hồi phục”. Chị chia sẻ gì về những thay đổi đó? 

- Tôi đã có 20 năm viết truyện ngắn, ít nhiều cũng có kinh nghiệm với thể loại này. Trong Chương trình viết văn quốc tế (International Writing Program) tại Đại học Iowa, Hoa Kỳ, có khá nhiều chuyên đề về hư cấu và phi hư cấu, trong đó có các buổi trao đổi khá sâu về truyện ngắn giữa độc giả và nhà văn, giữa nhà văn với nhà văn.

Ở phương Tây hiện tại, độc giả chuộng tiểu thuyết hơn. Những cây bút chuyên sâu truyện ngắn không nhiều. Nhưng giới học thuật vẫn đánh giá cao truyện ngắn, xem thể loại này như một phép đo lường khả năng người viết. Tôi và các nhà văn trên thế giới được chọn tham gia khóa học viết văn cũng dựa vào các truyện ngắn từng cá nhân gửi đến.

Thực sự tôi rất thích truyện ngắn. Ngay từ lúc chập chững tập viết cho đến hôm nay, thể loại này luôn mang đến thách thức, mở ra các hướng nhìn mới, giúp người viết rèn luyện nhanh gọn nhiều kỹ năng cần thiết cho nghề. Trong các buổi thảo luận, tôi có dịp lắng nghe các nhà văn quốc tế chia sẻ về kỹ thuật viết, quá trình phát triển hệ thống nội dung, tìm kiếm sự độc đáo, cũng như mục tiêu khi viết truyện ngắn của riêng từng người. Những kinh nghiệm ấy rất thiết thực cho cá nhân tôi. Với một số nhà văn, truyện ngắn là bước đệm không thể thiếu giúp họ bứt phá với tiểu thuyết tiếp sau. 

Tác giả Phan Hồn Nhiên tại thư viện Hemingway.

- Trong tập "Hồi phục”, bên cạnh những truyện ngắn văn phong sắc lạnh và súc tích khá Tây, tôi nhận ra truyện ngắn “Chìa khóa” phảng phất không khí văn chương Nhật. Vì sao lại có sự “lệch tông” như vậy, thưa chị? 

- Tôi có một nguyên tắc, khi viết, phải hư cấu hoàn toàn, không dựa vào sự kiện hay cá nhân nào có thực. Nhưng Chìa khóa là một ngoại lệ.

Sau khi đọc bản thảo Hồi phục, anh Trần Ngọc Sinh - biên tập viên của NXB Trẻ góp ý có một truyện ngắn non hơn so với các truyện còn lại. Anh cho tôi toàn quyền quyết định, hoặc thay thế, hoặc viết lại, hoặc giữ nguyên. Ngay từ đầu, tôi xây dựng tập truyện dựa trên một ý tưởng cố định, thực hiện theo bố cục chặt chẽ, 10 truyện ngắn nối kết, tương tác với nhau để mang lại hiệu ứng dây chuyền. Vì vậy, khi nghe góp ý, tôi băn khoăn không ít.

Tác phẩm Hồi Phục.

Nhưng nghĩ sâu hơn, tôi hiểu, nhận xét của người biên tập hoàn toàn khách quan và hữu lý. Tôi quyết định không viết lại mà rút bỏ truyện ngắn ấy. Trong thời gian sang Pháp vào tháng 9, buổi tối thay vì đi chơi, tôi ngồi vào bàn viết, với câu chuyện dựa trên một trải nghiệm của chính tôi về những liên kết bạn bè từ 15 năm trước.

Những điều tôi vẫn xem là bình thường bỗng hiện ra dưới ánh sáng khác thường. Gạt qua các chi tiết bề mặt có phần hỗn độn, tôi đặt lại cho mình các câu hỏi về sự trốn chạy và tìm lại bản thân của tuổi trẻ. Điều này cũng nằm trong phạm vi mà ý tưởng ban đầu vạch ra. Bản thảo Hồi phục tôi hoàn thành cuối năm 2014 nhưng 9 tháng sau tôi mới có thể bổ sung truyện Chìa khóa

- “Chìa Khóa” có phải là truyện ngắn chị thích nhất trong “Hồi phục”?

- Không. Tôi thường không thích những gì mình đã hoàn thành. Nhưng trong Hồi phục, có hai truyện khi nhớ lại quá trình viết, tôi khá dễ chịu. Đó là hai truyện cuối cùng trong tập.

Cả hai đề cập trực tiếp một số vấn đề của người trí thức cũng như cách họ đối diện, giải quyết vấn đề của mình. Với hai truyện ngắn này, tôi thử nghiệm được một số kỹ thuật mới, về dẫn dắt mạch truyện, về hiệu ứng có thể tạo nên khi tập trung mổ xẻ tâm lý.  

Thử sức với cái mới

- Với nhóm đối tượng độc giả trưởng thành, chị có “Ngựa thép” và “Hồi phục”. Còn với nhóm độc giả trẻ, thời gian qua, chị để lại dấu ấn khá sâu đậm với bộ ba fantasy gồm “Những đôi mắt lạnh”, “Chuỗi hạt Azoth”, “Xuyên thấm”. Trong nước, rất ít người viết và thành công với văn học kỳ ảo. Một mình một cõi, chị có thấy đơn độc không?

- Trên thế giới, ở bất kỳ nơi đâu, độc giả trẻ luôn dành cho văn học fantasy niềm yêu thích lớn. Nhu cầu đọc fantasy của giới trẻ rất cao. Fantasy không chỉ gói gọn trong văn chương, mà còn hiện diện trong điện ảnh, hội họa, và đặc biệt là game. Lãnh địa rộng lớn này thực sự là nơi thử sức đáng giá với những người sáng tác trẻ. Hiện nay, đã xuất hiện những cây bút fantasy Việt mà tôi tin sẽ đi đường dài, làm được những tác phẩm có giá trị. Nổi bật là Phạm Bá Diệp với Urem - Người đang mơ. Các bạn không chỉ viết tốt mà còn rất thông minh khi biến văn hóa Việt thành chất liệu, đưa vào tác phẩm của mình

- Đang rất thành công với fantasy, vì sao chị không tiếp tục với thể loại này nữa?

- Có lẽ tôi đã làm xong và học được những gì cần học với văn học kỳ ảo thuần túy. Giờ là lúc có thể nghĩ đến một nhánh rẽ: văn học mang yếu tố fantasy. Ở các nước hiện nay, nhiều nhà văn chọn đưa chi tiết kỳ ảo vào sáng tác, tạo nên những tác phẩm mang yếu tố fantasy rất đặc sắc, độc đáo, mở ra những trường liên tưởng lớn. Mặt khác, fantasy cung cấp cho người viết một thứ năng lực vốn đang ngày một cùn mòn, đó là khả năng tưởng tượng, khả năng tháo gỡ rào cản khi xây dựng bối cảnh và nhân vật.

Tôi cho rằng, đã là nhà văn, một khi có cơ hội thử sức, không nên từ chối bất cứ thể loại nào. Đôi khi, chính những thể loại xa lạ lại mang đến cho bạn những trải nghiệm khác biệt, đầy hứng khởi và thực sự quý giá cho con đường về sau. 

- Một số “bí kíp” chị có thể chia sẻ với các tác giả trẻ khi “đụng bút” tới văn học kỳ ảo và khoa học viễn tưởng? 

- Đơn giản và đầu tiên nhất là đọc tác phẩm của những thể loại này. Đọc với sự phân tích, so sánh và tìm kiếm. Hiện nay, bạn có rất nhiều nguồn để dễ dàng thu nạp thông tin trong tất cả mọi lãnh vực. Fantasy hay sci-fi có một số kỹ thuật riêng, bạn có thể tập luyện từng bước trên nền tảng căn bản của từng thể loại. 

Tôi luôn tin rằng fantasy và sci-fi là lãnh địa của những người viết trẻ, bởi tinh thần tự do, cơ hội dấn thân, tính bay bổng, vượt qua rào cản và khả năng thử nghiệm rộng lớn mà hai thể loại này mang đến. Có thể bước đi đầu tiên bạn cảm thấy bỡ ngỡ hay khó khăn. Nhưng nếu công việc viết thỏa mãn mong muốn tìm tòi và sáng tạo, thì lẽ gì mình lại chùn bước? 


An Sơn

Bạn có thể quan tâm