Phan Cẩm Thượng (1957) là một nhà nghiên cứu văn hóa uy tín hàng đầu hiện nay, đặc biệt là lĩnh vực mỹ thuật, văn hóa dân gian của người Việt. Ông nghiên cứu nghệ thuật, từng dạy học, viết báo và viết sách về nghệ thuật.
Ông từng xuất bản những công trình mang tính hàn lâm, uy tín như Điêu khắc cổ Việt Nam, Đồ họa cổ Việt Nam, Điêu khắc Tây Nguyên, Chùa Dâu - Tứ Pháp, Chùa Bút Tháp … Những công trình này có tính nền tảng để dạy, học, mở ra các hướng nghiên cứu tiếp theo.
Từ nghiên cứu chuyên ngành nghệ thuật tới văn hóa đời thường
Nếu như các công trình hàn lâm dành cho đối tượng nghiên cứu nghệ thuật, thì các cuốn sách về nghệ thuật đời thường của ông gây được tiếng vang với đông đảo công chúng, như hai công trình: Văn minh vật chất của người Việt (2011), Tập tục đời người (2017).
Bên cạnh đó, Phan Cẩm Thượng cũng có những bài viết cho thấy vẻ đẹp trong sinh hoạt, văn hóa đời thường người Việt. Trong diễn từ nhận giải thưởng Nghiên cứu của quỹ Phan Châu Trinh năm 2018, ông viết: “...tôi liều đặt mình vào vị thế thấp nhất của người lao động, và tin rằng Thần Phật và Tổ tiên sẽ phù hộ những người như mình để viết và vẽ về văn hóa và đời sống của người Việt".
"Tôi nghĩ rằng chỉ có văn hóa mới chữa được, khắc phục được các yếu kém trong quá trình phát triển, mà văn hóa cần phát triển từ gốc, từ truyền thống xa xưa, gạt bỏ và tiếp nhận liên tục, đổi mới liên tục cùng sự tổ chức xã hội thời đại toàn cầu và công nghệ”.
Với tâm thế ấy, trong dọc dài sự nghiệp nghiên cứu, Phan Cẩm Thượng đã lang thang khắp các vùng miền, đi đến đâu, suy nghĩ gì, ông đều viết ra, vẽ lại. Việc viết, vẽ lại ấy xuất phát từ quan điểm những gì ta chứng kiến hôm nay không thể quay trở lại.
Bởi nếu có lần sau quay lại chỗ cũ thì sự thể đã khác đi rồi. Đi, tìm hiểu, miên man nghĩ, viết, lưu trữ lại những nét văn hóa ấy, sau 5, 7 năm tập hợp lại cũng cho tác giả một nhận thức trong một giai đoạn.
Nhưng chính những tìm hiểu, lưu trữ bằng văn bản đó của Phan Cẩm Thượng khi đưa ra công chúng lại là tư liệu, nhận định quý giá về văn hóa Việt. Năm 2008, cuốn sách Nghệ thuật ngày thường tập 1 phát hành.
Sách tập hợp các bài viết trong giai đoạn 1999-2008 của tác giả. Trong đó ông đặt ra bốn vấn đề: "Suy nghĩ về nghệ thuật", "Nghệ thuật ngày thường" (chủ yếu giới thiệu các họa sĩ), "Tản văn nhàn đàm" và "Nông thôn và kiến trúc".
Nghệ thuật không còn là mối quan tâm lớn nữa
Sau 10 năm, tập 2 cuốn sách vừa ra mắt. Sách là những bài viết trong giai đoạn từ 2009-2014, vẫn giữ hai chủ đề "Suy nghĩ về nghệ thuật" và "Nghệ thuật ngày thường".
Nhưng các bài viết cho thấy nghệ thuật (hay mỹ thuật nói riêng vốn là chuyên ngành của Phan Cẩm Thượng) không còn là mối quan tâm lớn nhất nữa. Ông cho rằng nghệ thuật giai đoạn này “rất lạc lõng với đời sống xã hội, nó khó khăn để đặt được các vấn đề văn hóa vào xã hội. Đây cũng là câu hỏi lớn cho tất cả các ngành nghệ thuật, khi mà chúng ta không thiếu các tài năng”.
Các bài tản văn trong sách nói sâu hơn về số phận con người mà ông chứng kiến. Có hai mảng đề tài mới mà tác giả quan tâm được đưa vào tập hai, là "Đời sống thường ngày" và "Văn hóa sử".
Các bài viết ở chủ đề này vẫn là những suy nghĩ, về những việc mà tác giả tai nghe mắt thấy, những băn khoăn mà tác giả tự vấn… mà gợi cho người đọc bao chiêm nghiệm sâu sắc. Các chuyện luận về văn hóa trong chiều sâu lịch sử cũng được đưa vào sách.
Văn phong của sách gần gũi, giản dị, với mục đích truyền tải kiến thức về nghệ thuật, văn hóa tới bạn đọc trẻ một cách dễ hiểu nhất. Phan Cẩm Thượng từng kể có lần khi trò chuyện cùng con gái, ông nhận thấy muốn chuyển tải những vấn đề nghệ thuật tới sinh viên, giới trẻ thì cần viết ngắn, vui, nhưng vẫn phải có kiến thức.
Bởi vậy, lối viết về nghệ thuật theo phong cách “ngày thường” này được nhiều độc giả hưởng ứng khi tập một sách phát hành vào năm 2008.
Trong lần ra mắt tập 2 này, để có cái nhìn xuyên suốt, đơn vị làm sách cho tái bản tập 1, với thiết kế, trình bày giống tập 2, nhằm mang tới 1 bộ sách về nghệ thuật ngày thường xuyên suốt.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân nói ông đã đọc Nghệ thuật ngày thường dày 600 trang trong 4 ngày. Nếu bỏ đi phần ưu ái mà ông dành cho tác giả, thì vẫn phải thừa nhận “Để đọc, thì cuốn sách này vẫn lý thú”.
“Chủ đề, đề tài cứ miên man như phong cảnh vô bến bờ, người đi như du sơn, du thủy. Đi đâu, ngồi đâu, ngâm ngợi, phán xét gì tùy thích. Miễn là gặp tri âm. Phong cách viết lại càng được tự do, tùy hứng, người đọc cũng thích thú vì được gần gũi người viết hơn”, Nguyễn Quân nói.
Thưởng trà (trích Nghệ thuật ngày thường tập 2 - Phan Cẩm Thượng)
Người xưa gọi là thưởng trà, chứ nói uống trà là thô lậu lắm. Thưởng trà thì phải công phu. Trà ngon, tức danh trà, ấm chén đặc biệt, nước mưa hay nước nguồn, hay nước sương đọng, cầu kỳ đến mức mỗi sáng ra đầm gom góp nước đọng trên lá sen.
Lại còn bạn trà nữa, toàn là người tri âm tri kỷ. Nhấp chén trà ngâm ngợi, nói ít mà vẫn hiểu nhau, lúc không nói gì, mà vẫn là trò chuyện, gọi là tâm đàm. Bộ ấm da chu làm mầu son, cả ấm lẫn chén nhẹ bẫng, đặt trên mặt nước thì nổi như con vịt, tương truyền chúng được làm bằng mùn đất, tức đất để trong hầm hàng trăm năm, mục ra như bột.
Người Việt ngày nay vẫn ướp trà với hoa nhài, hoa sen, dùng nước mưa ở bể, cũng mua vài bộ ấm chén da chu cầu kỳ, có cả khay để đổ nước tràn lên ấm. Thưởng ngoạn thế nào tùy từng người, trừ mấy bô lão về hưu, lương cao thì còn có điều kiện thảnh thơi, còn phần đông lam lũ, cũng thưởng thức nhưng không thể mất quá nhiều thời gian được.
Tâm đàm lại là thứ hão huyền. Cả ngày đầy chuyện lên lương, đánh quả, cổ phiếu, chứng khoán, tiền điện, tiền nhà, tiền con đi học, rồi thi thạc sỹ, tiến sỹ, mua xe máy đắt, xe hơi nhập ngoại...cái Tâm hỏng từ lâu, không thể đàm được nữa, mà chỉ có thể đựng thức ăn.
Cốt sao không phải là hạng Vai u thịt bắp mồ hôi dầu/ Lông nách một nậm trà Tầu một hơi là tốt rồi. Thế ư, thế ư, mai ta ra Văn Miếu xin mấy anh thư pháp trẻ chữ Tâm, chữ Nhẫn, chữ Nhàn về treo vậy.
Đọc thơ Phapxa Chan: 'Ít nhất cũng khiến lòng ta bớt tủi'
Ra mắt thi đàn từ năm 2017, Phapxa Chan nhanh chóng khẳng định một giọng thơ mới, giàu năng lượng sáng tạo, có khí chất riêng.
Tình dục giúp giải đáp câu hỏi 'Con người là gì trong đời?'
Từng sống tẻ nhạt, cô đơn cho tới khi kết nối được với xung quanh qua tình dục, Michel biết yêu thương là gì, sau rốt anh nhận ra yêu đương mới là điều quan trọng trong cuộc đời.
Sách giải đáp biểu tượng, câu chuyện về Dạ Xoa, Rắn thần, La Sát...
Sách "Biểu tượng thần thoại về chư thiên và linh vật Phật giáo" cung cấp thông tin về các vị thần linh, các biểu tượng và những câu chuyện tôn giáo mà ta gặp thường ngày.