Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phá vỡ định kiến phụ nữ tuổi 30

Phim truyền hình Hàn Quốc dần gạt bỏ định kiến xã hội và thể hiện hình ảnh tuổi 30 của phụ nữ dưới cái nhìn đa chiều, sâu sắc hơn.

Tuổi 30 là cột mốc quan trọng trong đời người. Bước sang tuổi 30, con người trải qua sự chuyển đổi lớn. Nếu tuổi 20 - khoảng thời gian còn được gọi là "tuổi thanh xuân" - mang lại cảm giác trẻ trung, non nớt, thì độ tuổi 30 thường được xã hội đánh giá là "tuổi trưởng thành". Đây là quan niệm phổ biến trên toàn cầu.

Tuy nhiên, trong nội dung giải trí do Hàn Quốc thực hiện vào đầu những năm 2000, khái niệm "tuổi 30" thường gắn liền với hình ảnh không mấy tích cực, đặc biệt là tuổi 30 của phụ nữ.

Có thể nói, khi so sánh cùng phim ảnh được sản xuất ở thời đại ngày nay, khán giả dễ dàng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong cách xã hội xứ củ sâm nhìn nhận tuổi tam tuần.

Từng bị coi như dấu chấm hết cho thanh xuân

"Tôi muốn biến thành 30 tuổi! Tuổi 30 thành đạt và đầy tình tứ", Korea JoongAng Daily trích dẫn câu thoại của nhân vật Jenna Rink trong bộ phim Mỹ hài lãng mạn 13 Going On 30.

13 Going On 30 mở đầu với hình ảnh cô gái 13 tuổi tên Jenna Rink (Christa B. Allen và Jennifer Garner thủ vai) khóc nức nở trong tủ quần áo. Jenna ước ao mình bước sang tuổi 30. Cô có niềm tin mãnh liệt rằng tại thời điểm ấy, cô sẽ có được tất cả những gì mình hằng tưởng tượng.

Và rồi, lời nguyện cầu của Jenna được đáp ứng. Khi mở mắt, mọi điều Jenna mơ ước dường như đã trở thành sự thật một cách kỳ diệu. Cô có thân hình tuyệt đẹp, người bạn trai quyến rũ và sự nghiệp đáng mơ ước. Ở tuổi 30, Jenna nắm trong tay cuộc sống khiến bao người ngưỡng mộ.

13 Going On 30 ra mắt năm 2004. Vào tháng 11, bộ phim được phát hành rộng rãi tại các rạp chiếu phim ở Hàn Quốc.

Một năm sau, đài MBC phát sóng dự án phim truyền hình My Lovely Sam Soon và ghi nhận thành công rực rỡ. Với tỷ suất người xem trung bình là 36,9%, My Lovely Sam Soon trở thành một trong những bộ phim truyền hình Hàn Quốc có rating cao nhất mọi thời đại.

Nội dung chính bộ phim xoay quanh mối tình lãng mạn giữa Sam Soon (Kim Sun Ah thủ vai), đầu bếp bánh ngọt tài năng, và Jin Heon (Hyun Bin thủ vai), con trai chủ khách sạn giàu có. Sam Soon 30 tuổi và Jin Heon 27 tuổi.

Điểm nổi bật ở đây là nhân vật Sam Soon trong phim được miêu tả như "người phụ nữ lớn tuổi ế chồng". Dù có đam mê, tài năng nổi bật trong lĩnh vực mình theo đuổi, mọi người xung quanh Sam Soon chỉ nhìn nhận cô như "người phụ nữ béo ú, già nua, không thể kết hôn với ai dù đã 30 tuổi".

Thậm chí, trước khi nảy sinh mối quan hệ tình cảm với cô, nhân vật Jin Heon từng ví von Sam Soon với "ahjumma" (từ chỉ phụ nữ trung niên trong tiếng Hàn) và chế giễu độ tuổi "già" của cô.

Sự đối lập hoàn toàn trong cách nhân vật nữ chính của 13 Going On 30My Lovely Sam Soon - hai tác phẩm ra mắt cùng khoảng thời gian - cảm nhận về tuổi 30 đã phản ánh rõ rệt định kiến xã hội tại thời điểm ấy.

Nếu 13 Going On 30 mô tả tuổi 30 là thời điểm đỉnh cao với nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển thì My Lovely Sam Soon coi tuổi tam tuần như khoảnh khắc kết thúc thanh xuân, cho rằng đây là độ tuổi mà người ta phải yên bề gia thất, nhanh chóng kết hôn và tập trung vun vén cho gia đình.

Bộ phim sitcom Old Miss Diary phát sóng từ năm 2004-2005 của đài KBS kể về chuyện tình lãng mạn của 3 cặp đôi. Tương tự với Sam Soon, ở tuổi 32, nhân vật chính Mi Ja (Ye Ji Won thủ vai) được miêu tả như "người phụ nữ ế chồng". Cô bị thúc giục, tạo áp lực phải kết hôn sớm. Cụm từ "old miss" trong tiêu đề phim xuất phát từ "gold miss" - cách Hàn Quốc gọi người phụ nữ độc thân, có sự nghiệp thành công ở tuổi 30.

Trong một tác phẩm khác ra mắt năm 2004, How To Keep My Love, nhân vật chính Hyun Joo (Kim Hyun Joo) là phụ nữ 29 tuổi. Ở phần đầu tác phẩm, Hyun Joo vừa hồi hộp, vừa lo sợ chờ đợi lời cầu hôn từ So Hoon (Kim Sang Kyung thủ vai) - người bạn trai cô đã hẹn hò trong 7 năm. Đối với Hyun Joo, hôn nhân là lối thoát duy nhất cho cuộc sống nhàm chán, vô vị của cô. Cô tin rằng bản thân không có gì để khoe khoang, ngoại trừ mối quan hệ với bạn trai.

Sự thay đổi trong tiêu chuẩn xã hội

Tới đầu những năm 2020, áp lực hôn nhân đặt lên phụ nữ trong xã hội đương đại dường như đã được nới lỏng phần nào, và nội dung giải trí của Hàn Quốc đang phản ánh quan niệm sống mới. Nhân vật nữ của những câu chuyện lấy nữ giới làm trung tâm không còn sợ tuổi 30.

Chia sẻ với Korea JoongAng Daily, nhân viên của Duo - công ty mai mối hàng đầu Hàn Quốc - tin rằng xã hội hiện tại đã trở nên thoải mái hơn với độ tuổi kết hôn của phụ nữ.

"So với khoảng thời gian từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000 - khi tiêu chuẩn đề ra là phụ nữ phải kết hôn trước năm 30 tuổi, hoặc ít nhất trong độ tuổi 30 - thì độ tuổi để nữ giới kết hôn đã mở rộng. Đó là nhờ sự đa dạng hóa trong giá trị xã hội, sự phát triển kinh tế và công nghệ tiến bộ, giúp kéo dài độ tuổi phụ nữ có thể sinh con. Trong công ty chúng tôi, dựa trên báo cáo năm 2021, độ tuổi trung bình mà một người kết hôn lần đầu là 36,7 đối với nam và 33,6 đối với nữ", nhân viên của Duo tiết lộ.

Năm 2001, theo cuộc khảo sát do Duo thực hiện cùng 1.038 thành viên, khi được hỏi họ muốn kết hôn ở độ tuổi nào, câu trả lời trung bình là 28,6 với phụ nữ và 30,6 với nam giới.

Nhân viên của Duo chia sẻ: "Trong báo cáo thường niên năm 2021 của chúng tôi về tiêu chuẩn dành cho đối tượng kết hôn phù hợp, 51,2% khách hàng nam và 64,8% khách hàng nữ nói 'không có độ tuổi thích hợp để kết hôn' khi trả lời câu hỏi về độ tuổi phù hợp mà một người nên kết hôn".

Cái nhìn về tuổi 30 không còn một chiều

Bộ phim truyền hình Thirty-Nine với sự tham gia của Son Ye Jin, Jeon Mi Do và Kim Ji Hyun có nội dung chính xoay quanh cuộc sống của 3 người bạn thân trước ngưỡng cửa tuổi 40, tất cả đều còn độc thân. Tình yêu vẫn là một phần cuộc sống của họ, và đôi khi cha mẹ khuyến khích họ gặp mặt ai đó để kết hôn. Tuy nhiên, họ không còn phải chịu ánh nhìn kỳ thị hay bị gán mác là "người phụ nữ lớn tuổi ế chồng".

Điều tương tự cũng xảy ra trong các tác phẩm phim truyền hình lấy phụ nữ làm trung tâm được ra mắt gần đây, điển hình Be Melodramatic, Search WWW, Work Later, Drink Now. Độ tuổi của nhân vật nữ xuất hiện trong phim dao động từ 30-39 tuổi.

Nội dung chính của phim có bao gồm chuyện tình cảm, nhưng đây không phải yếu tố duy nhất được tập trung khai thác. Nhằm thể hiện chân thực những thử thách, khó khăn phụ nữ phải trải qua, nhà sản xuất phim không ngần ngại khai thác khía cạnh phức tạp, khó nói liên quan đến nghề nghiệp, gia đình và tình bạn của phụ nữ.

Nếu tuổi tam tuần từng bị coi như dấu chấm hết cho thanh xuân thì giờ đây, nhiều nhà sản xuất phim ảnh khẳng định rằng ngay khi bước sang tuổi 30, 40, phụ nữ vẫn có thể có được cơ hội mới, khởi đầu mới.

Đặc biệt, ngay cả những bộ phim lấy tình yêu làm chủ đề chính - chẳng hạn như Discovery Of Love Nothing Serious - cũng không còn miêu tả phụ nữ như người chỉ có mục tiêu duy nhất là kết hôn.

Nhà phê bình văn hóa Kim Heon Sik chia sẻ cùng Korea JoongAng Daily: "Tôi tin rằng sự phát triển trong các câu chuyện này đến từ việc tăng cường phân tích và xu hướng tiêu dùng của 'nền kinh tế đơn lẻ' - về cơ bản là sự gia tăng số lượng của hộ gia đình một người. Hiện tượng xã hội được phản ánh trong nội dung văn hóa đại chúng cho thấy rằng phụ nữ, đặc biệt là người ở độ tuổi 30, không nhất thiết phải kết hôn chỉ vì ánh nhìn của xã hội".

Kim tin rằng sự thay đổi trong quan niệm chung của xã hội Hàn Quốc có thể nhận thấy rõ trong phim truyền hình sau khi "giai đoạn My Lovely Sam Soon" kết thúc. Trong bộ phim Sweet My City ra mắt năm 2008 và loạt phim sitcom Rude Miss Young Ae (2007 -2019) đã xuất hiện những người phụ nữ bước qua ngưỡng tuổi 30, dần học cách chấp nhận tuổi tác của mình thay vì chỉ tuân theo "chuẩn mực" xã hội.

"Trong Rude Miss Young Ae, nội dung bộ phim tập trung nhiều hơn vào công việc của cô ấy, và từ đó, có nhiều tác phẩm đề cập đến khó khăn phụ nữ phải đối mặt trong công việc hơn. Nếu trước đây, phim ảnh thường mang tính phân đôi - chỉ tập trung vào công việc và tình yêu - thì giờ đây, sự đa dạng trong lối sống của người độc thân cũng được phản ánh qua nội dung giải trí địa phương", nhà phê bình Kim nhận xét.

Sức mạnh của phim ảnh lấy đề tài từ vụ án có thật

Ngày càng nhiều bộ phim Hàn Quốc xây dựng nội dung dựa trên sự kiện có thật. Các tác phẩm này giúp nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác của công chúng với vấn nạn xã hội.

Hợp thức hóa ngoại tình khiến phim của Son Ye Jin bị chê bai

Nhiều khán giả thất vọng vì "Thirty-Nine" có nội dung không mới mẻ, tình tiết gượng ép, gây tranh cãi. Điểm sáng của bộ phim là dàn diễn viên thực lực, tên tuổi.

Ngập tràn cảnh ăn nhậu trên phim Hàn

Việc nhà sản xuất đề cao tính chân thực làm gia tăng sự xuất hiện của cảnh uống rượu trên sóng truyền hình Hàn. Điều này dấy lên lo ngại về cách công chúng nhìn nhận rượu.

Thúy Hà

Bạn có thể quan tâm