Không gian xưởng nghệ thuật rộng rãi treo hàng trăm khung tranh, ảnh của thiếu nhi, do thiếu nhi vẽ, nặn, thiết kế. Những bức tường, mặt bàn, mặt ghế nhằng nhịt vết sơn, vết mực của trẻ con. Ở vài góc, nhiều mô hình kiến trúc nhà ở, công trình do trẻ em thực hiện được trưng bày trang trọng. Các sản phẩm nghệ thuật sáng tạo do thiếu nhi thực hiện tưởng rối rắm nhưng nhìn tổng thể, lại mang tới cho không gian nét hài hòa, độc đáo, ấn tượng.
Tại phòng trung tâm, một nhóm 5-6 em nhỏ đang cùng nhau học vẽ với cô giáo. Khác với những lớp học nghiêm túc kiểu truyền thống, trong suốt 2 tiếng đồng hồ, nơi này luôn ồn ã tiếng tranh luận của nhóm trẻ và cô giáo về chủ đề cùng khám phá. Các em không ngại "cãi cô", bày tỏ chính kiến và quyết định sáng tạo theo cách riêng.
Nghệ sĩ Nguyễn Thùy Trang, người sáng lập xưởng cho biết, đây không phải là trung tâm giáo dục nghệ thuật. Đây cũng không phải lớp học mà là nơi các nghệ sĩ lớn và nhỏ cùng chia sẻ niềm đam mê với các loại hình nghệ thuật, khám phá chúng.
"Đừng coi thường trẻ nhỏ. Mỗi bé con là một nghệ sĩ tài năng. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy những ngôi nhà do các bé thiết kế, những phim hoạt hình do chúng làm từ A-Z", xưởng trưởng hào hứng.
Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành nghệ thuật tại Pháp, năm 2012, Trang về nước, tham gia giảng dạy tại một số trung tâm đào tạo nghệ thuật ở Hà Nội. Tuy nhiên, cô sớm nhận ra những bất cập trong cách giáo dục truyền thống.
Trang chia sẻ, cô thấy thương lũ trẻ. Trẻ em Việt Nam không hề thua kém thiếu nhi Pháp về khả năng sáng tạo, năng khiếu nghệ thuật. Nhưng đáng tiếc, các em đang phải tiếp cận những bộ môn hấp dẫn bằng phương pháp giáo dục áp đặt, hạn chế tư duy sáng tạo.
"Phương pháp giáo dục truyền thống đã ảnh hưởng sâu đậm tới cả tâm lý của phụ huynh. Hầu hết các bố mẹ khi gửi con đi học vẽ đều muốn con mình vẽ được những khung hình chuẩn mực, nghiêm chỉnh. Nhưng thực ra, đó lại là vấn đề bất thường", Thùy Trang cảm nhận.
Cô cho biết, trẻ em có năng lực cảm thụ bẩm sinh về nghệ thuật, màu sắc, hình khối. Việc của người hướng dẫn nên là kích thích và khai phá khả năng ấy thay vì triệt tiêu nó và áp đặt cho các em một lối tư duy khác phi tự nhiên.
Vì lẽ đó, đồng thời, nhìn thấy tiềm năng lớn từ thị trường giáo dục trong nước, nữ nghệ sĩ bỏ việc cũ, mở xưởng nghệ thuật dành riêng cho thiếu nhi đầu tiên tại Việt Nam. Tại đây, cô cùng các học trò từ 3 đến 15 tuổi tiếp cận mỹ thuật đa phương tiện theo phương pháp mới.
Xưởng mở được 2 năm với các khóa học cố định vào cuối tuần. Mức học phí 200.000 đồng mỗi buổi, với nhiều phụ huynh là khá đắt đỏ. Nhưng thực tế, với số lượng khoảng 20 học viên nhí duy trì cố định chưa đủ để trung tâm sinh lãi. "Đầu tư cho giáo dục là chấp nhận chạy đường dài, cần dai sức, bền trí", Trang khẳng định.
Chị Hoàng Thùy Linh, nhà thiết kế thời trang, đã cho con gái Khánh Nghi tham gia sinh hoạt tại xưởng từ khi 3 tuổi, đến nay được 2 năm. Trải qua 6 khóa học, mỗi khóa 10-12 buổi, bé đã làm quen và thành thạo các kỹ năng vẽ, nặn, cắt dán và điêu khắc.
Theo chị Linh, việc chi số tiền lớn cho con tham gia trung tâm từ khi còn rất nhỏ lúc đầu cũng khiến chị băn khoăn. Tuy nhiên, sau một thời gian, cảm nhận con vui thích khi tới xưởng, phát triển tư duy hình khối, màu sắc tốt, tính cách tự tin, chủ động, chị thấy "đáng đồng tiền bát gạo".
Chung tâm trạng trên, anh Nguyễn Thành Nam (ngõ 10 Hồ Đắc Di, Hà Nội) cũng gửi con gái Khánh Vy (6 tuổi) tham gia lớp học nghệ thuật cơ bản. Trước đó, anh Nam mất nhiều thời gian tìm hiểu qua một số trung tâm dạy vẽ trong thành phố. Không đồng tình với phương pháp giáo dục cũ, anh mong muốn con tìm được một chỗ học mà chơi theo phương pháp mới hiện đại, tích cực hơn.
"Mỗi lớp học chỉ hạn chế số lượng khoảng 5-6 bé tham gia. Các con đi học nhưng không hề tỏ ra căng thẳng mà trái lại, rất vui thích. Sau một thời gian, tôi thấy con không chỉ có thêm nhiều kiến thức mới về lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc mà còn có lối tư duy sáng tạo". Vì lẽ đó, dù thấy khoản học phí 200.000 đồng một buổi là khá cao song anh cho rằng, chi phí hoàn toàn xứng đáng.
Tin tưởng vào hướng đi đã chọn, nghệ sĩ Nguyễn Thùy Trang cho biết, dưới sự giúp sức của chồng, cô đang nỗ lực đầu tư cho xưởng nghệ thuật thiếu nhi cả về chất lẫn lượng. Hiện tại, số lượng học viên, các khóa học và những chương trình giao lưu, tìm hiểu nghệ thuật đang tăng chậm nhưng đều. Một số chương trình giao lưu nghệ thuật mở rộng tới đối tượng người lớn có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nghệ sĩ trong và ngoài nước bước đầu thu hút cộng đồng.
Trước nhu cầu đăng ký tham gia ngày càng lớn của các em nhỏ, Thùy Trang khá vất vả để xoay sở nhằm đảm bảo chất lượng khóa học cho các thành viên nhí. Ngoài vị trí đứng lớp, cô đang tuyển chọn thêm hướng dẫn viên mới để đào tạo thêm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về khả năng chuyên môn và kỹ năng làm việc, giao tiếp cùng trẻ nhỏ.
Với bài toán nan giải về vốn, Trang cho biết, cô sẽ cân nhắc tới khả năng kêu gọi tài trợ kinh phí từ một số tổ chức, doanh nghiệp xã hội. Tuy nhiên, trước đó, nữ nghệ sĩ hi vọng tạo lập được thương hiệu mạnh trong làng giáo dục.
Khách ngoại mê quán cà phê kiêm sân chơi sáng tạo cho trẻ
Đồ uống ngon giá bình dân cho bố mẹ, vé vui chơi giá 60.000 đồng cho mỗi bé, nhiều gia đình Tây, Việt đang hứng thú với mô hình quán cà phê kiểu mới tại Hà Nội.
Vốn nhỏ, lãi lớn nhờ bán bánh rán Doremon ngày lạnh
34 4
Món quà vặt truyền thống của Nhật Bản được bán tại Hà Nội với nhiều mức giá 9.000 - 15.000 đồng/chiếc ngày càng hút thực khách trẻ, đặc biệt trong những ngày đông lạnh.
Những quyết định khởi nghiệp gây sốc của người trẻ
6
IELTS 7.0- chàng cử nhân ngân hàng mở tiệm bánh mì, giám đốc CNTT khởi nghiệp 0 đồng, cử nhân bằng giỏi đi bán bút tre... đều là những người trẻ có tài và liều lĩnh.