Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ứng dụng hữu ích cho cộng đồng của sinh viên Việt

Với niềm đam mê lớn dành cho công nghệ, nhiều bạn trẻ Việt đã sáng tạo ra những ứng dụng hữu ích, giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống.

BusMap - Xe buýt thành phố là ứng dụng do nhóm sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, đứng đầu là Lê Yên Thanh, thiết kế. Ứng dụng có giao diện là bản đồ, cho phép người dùng tra cứu 110 tuyến xe buýt trong nội thành TP HCM với đầy đủ thông tin như tên tuyến, cự ly, số chuyến, thời gian hoạt động, đơn vị quản lý… Người dùng còn có thể tìm kiếm nhanh tuyến xe bằng cách nhập mã số tuyến xe.

Ứng dụng BusMap - Xe buýt thành phố của nhóm sinh viên Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM.
Ứng dụng BusMap - Xe buýt thành phố của nhóm sinh viên Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM.

Ngoài việc cung cấp thông tin, BusMap còn có chức năng dò tìm đường đi và tìm kiếm trạm dừng. Ứng dụng này đã được chuyển giao cho Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, thuộc Sở Giao thông vận tải TP HCM phát triển. Sở Giao thông vận tải Thành phố Hà Nội cũng đang đưa ra lời mời cộng tác để phát triển ứng dụng này tại thủ đô.

Ra đời cùng thời điểm với BusMap, ứng dụng Tìm trọ của Nguyễn Khắc Phi Long (cựu sinh viên Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông) cũng cho thấy sức sáng tạo lớn của sinh viên IT. Ban đầu, Long viết ứng dụng này do nhu cầu của bản thân. Chàng thanh niên quê Nghệ An cảm thấy bức xúc vì rất khó tìm nhà trọ khi lên thành phố học tập và làm việc. Do vậy, cậu muốn viết một ứng dụng để tất cả sinh viên ngoại tỉnh đều có thể tìm thấy nơi ở hợp lý một cách dễ dàng.

Sản phẩm này đang được phát triển, bổ sung nhiều tính năng mới và thu hút 20.000 lượt tải về trên Android và iOS. Ngoài Tìm trọ, Phi Long còn mày mò phát triển thêm một số ứng dụng khác như Điểm đặt ATM và Chợ trên mobile.

Bên cạnh tình yêu lớn với công nghệ, cả Phi Long và Yên Thanh có một điểm chung là đều từng tham gia cuộc thi Sáng tạo Ứng dụng Di động 2013. Trong khi Yên Thanh giành giải nhất trị giá 100 triệu đồng thì Phi Long đạt 2 giải, một giải đồng hạng, và một giải khuyến khích, với tổng giá trị giải thưởng là 60 triệu đồng.

Những sân chơi công nghệ như vậy đã tạo cơ hội cho hai sinh viên này nói riêng, giới trẻ Việt nói chung phát huy tiềm năng sáng tạo. Đây cũng được coi là nguồn động viên lớn để những ứng dụng di động do người Việt viết, dành cho người Việt dùng có cơ hội ra đời và phát triển.

Sau thành công của mùa đầu tiên, sáng ngày 10/9, cuộc thi Sáng tạo ứng dụng di động 2015 tiếp tục được Huawei và Hội Tin học Việt Nam phát động. Chương trình diễn ra từ ngày 10/9 đến ngày 10/11 với giải thưởng hấp dẫn gồm một giải đặc biệt trị giá 150 triệu đồng, 2 giải nhất, mỗi giải trị giá 100 triệu đồng.

Ông Tony Lee (Phó Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam) phát biểu tại lễ phát động cuộc thi Sáng tạo ứng dụng di động 2015. (Hình ảnh: Bảo Khánh)
Ông Tony Lee (Phó Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam) phát biểu tại lễ phát động cuộc thi Sáng tạo ứng dụng di động 2015. (Hình ảnh: Bảo Khánh)

Chia sẻ về kinh nghiệm tham gia cuộc thi, Lê Yên Thanh cho biết: “Việc tạo nên các ứng dụng di động tùy thuộc rất nhiều vào khả năng sáng tạo của mỗi người. Tuy nhiên, dù ý tưởng có lớn và bay bổng đến đâu, các lập trình viên trẻ cũng nên gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Một ứng dụng hay phải có giá trị sử dụng cao và thực sự hữu ích với con người”.

“Nếu đã có ý tưởng rồi, bạn hãy suy nghĩ xem nếu phát triển, ứng dụng đó có hữu ích cho cộng đồng hay không. Nếu chưa có ý tưởng, bạn nên tìm kiếm những ý tưởng mới hoặc phát triển những ý tưởng cũ theo hướng mới mẻ và tích cực hơn. Để đoạt giải, sản phẩm cũng cần có sự hoàn thiện về đồ họa vì không ai muốn dùng một ứng dụng xấu xí. Bạn nên kêu gọi cộng đồng bình chọn cho sản phẩm của mình để đạt điểm tối đa”, Phi Long bổ sung.

Sáng tạo ứng dụng di động 2015 diễn ra theo 3 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu (10/9-10/11), thí sinh đăng ký dự thi, đăng tải sản phẩm/ứng dụng di động dự thi của mình trên website www.khuyenkhichsangtaoviet.net. Trong thời gian này, cộng đồng trực tuyến sẽ tham gia bình chọn.

Ở giai đoạn tiếp theo (11/11-15/11), ban tổ chức sẽ công bố các sản phẩm/ứng dụng có điểm số cao để tham gia thuyết trình, xét chọn và xếp hạng. Trong giai đoạn cuối (16/11-25/11), những thí sinh có bài thi vào vòng chung khảo sẽ tham gia thuyết trình trước hội đồng giám khảo.

Trong thời gian diễn ra cuộc thi, Huawei Việt Nam công bố chương trình “Mua 1 máy smartphone Honor 4C dành 1 USD cho chương trình công ích (CSR)” kể từ ngày 10/9. Theo đó, các khách hàng khi mua mỗi máy smartphone Honor 4C sẽ được công ty trích lại 1 USD để thực hiện một hoạt động công ích. Số lượng máy tham gia chương trình này là 10.000. Các sinh viên đoạt giải của cuộc thi năm nay sẽ là những “đại sứ ICT” cùng thực hiện chương trình xã hội này với Huawei Việt Nam vào cuối năm nay.

Hà Mỹ Giang

Bạn có thể quan tâm