Tác giả Việt thời gian gần đây mạnh dạn viết tiểu thuyết lấy bối cảnh và chất liệu lịch sử hơn. Có những cuốn gây được tiếng vang như "Công chúa Đồng Xuân", "Nắng thổ tang"...
|
Công chúa Đồng Xuân (bộ 2 cuốn). Tiểu thuyết lịch sử là thể loại chiếm tỷ trọng ít ở thị trường xuất bản nội địa. Dù vậy, vẫn có những điểm sáng như bộ tiểu thuyết của nhà văn Trần Thùy Mai. Đây không phải lần đầu nữ nhà văn này dấn thân vào thể loại tiểu thuyết lịch sử. Bộ tiểu thuyết Từ Dụ Thái hậu của bà ra mắt năm 2019 cũng đã gây được tiếng vang. Qua những tác phẩm đặc sắc này, Trần Thùy Mai dẫn dắt độc giả soi chiếu về quá khứ, từ đó hiểu hơn về con người và văn hóa dân tộc. Ảnh: M.H. |
|
Bửu Sơn Kỳ Hương. Tiểu thuyết của Lý Lan được Hội Nhà văn Việt Nam vinh danh ở hạng mục văn xuôi năm 2022. Tác phẩm tập trung vào các nhân vật lịch sử như Trương Vĩnh Ký hay Tôn Thọ Tường, Phan Thanh Giản, thông qua những hình tượng ấy, kể câu chuyện thuở hàn vi. Ông Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã nhận xét về tác phẩm như sau: "Bửu Sơn Kỳ Hương chọn con đường tự sự với giọng trần thuật dồi dào khí lực, hào sảng, gần gũi trong một cấu trúc tự nhiên, làm bật lên cá tính, phong cách của con người và nét văn hóa đặc sắc vùng Nam bộ". Ảnh: P.T. |
|
Nắng Thổ Tang. Tiểu thuyết của nhà văn Đinh Phương lấy cảm hứng lịch sử tại chính quê hương Mạo Khê, Quảng Ninh, với điểm nhìn là 3 sự kiện: Kết cục của cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quốc dân Đảng khởi xướng tại pháp trường Yên Bái năm 1930; cuộc di dân vào Nam năm 1954 và sự kiện chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam trong thập niên 1960. Với tác phẩm này, Đinh Phương đoạt giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021. Nhận xét về tác phẩm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nói: “Đinh Phương đã tìm cách lý giải những vấn đề của con người. Tác phẩm cho thấy một nghệ thuật viết công phu, độc đáo, thái độ, cách nhìn đầy thiện chí, khoa học về các vấn đề liên quan lịch sử, hiện tại và tương lai”. Ảnh: T.Đ. |
|
Vua Thành Thái. Cuốn tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Hữu Nam kể cuộc đời của Vua Thành Thái. Tác phẩm được đánh giá là giàu chất điện ảnh, với nhiều góc kể đặc sắc. Chất liệu lịch sử được đan dệt khéo léo trong thể loại tiểu thuyết, từ đây, bức tranh chân dung vị vua thứ mười của triều Nguyễn dần được tái hiện rõ nét. Cuốn sách là phần thứ hai trong bộ ba cuốn tiểu thuyết lịch sử Tam Vương, lần lượt kể về ba vị vua Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân. Ảnh: Bestbooks. |
|
Người Công giáo Cộng sản. Với tác phẩm này, nhà văn Trần Việt Trung tái hiện cuộc đời của Trần Tử Bình - một nhà cách mạng, một trong những vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng đó, Trần Việt Trung nghiên cứu tư liệu, gặp gỡ nhân vật để tái hiện chân thực không khí của một thời kỳ lịch sử. Chia sẻ với Zing, nhà văn đã nói: "Khi là lịch sử, người ta thấy nó khô khan; khi là tiểu thuyết, người ta thấy nó hư cấu. Nhưng khi văn và sử đi cùng nhau, nó cho ta cảm giác thoải mái. Nó vẫn có sự thật, những khốc liệt, mà vẫn có độ mềm mại, đồng thời không làm mất đi sự nghiêm túc". Ảnh: Việt Linh. |
Bài liên quan
Tìm về ký ức Thăng Long trong truyện sử
Trong số những tác phẩm nổi tiếng về Thăng Long - Hà Nội, độc giả không thể không “điểm danh” bộ tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hà Ân - người kể chuyện lịch sử uyên bác, hào hoa.
tiểu thuyết về lịch sử
tiểu thuyết lịch sử
công chúa đồng xuân
bửu sơn kỳ hương