Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những nữ chiến sĩ xinh đẹp trên chiến trường Điện Biên Phủ

Hình ảnh và những dòng tâm sự của 10 nữ y tá sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng cho chiến dịch Điện Biên Phủ đã được trưng bày tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam.

Chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2014), những hình ảnh và câu chuyện của hơn 10 nữ nhân chứng lịch sử sẽ được giới thiệu tại buổi khai mạc triển lãm "Ký ức Điện Biên" vào ngày 6/5 tới.
Triển lãm sẽ mang tới những hình ảnh gợi nhớ đến chiến thắng lịch sử 60 năm trước, những khoảng khắc lịch sử, những câu chuyện về tình đồng chí đồng đội và kể về tình yêu đôi lứa đầy xúc động của các nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Y tá Nguyễn Thị Hồng Minh (20 tuổi) từ một nữ sinh Hà Nội đầy bỡ ngỡ đã trở thành một nữ chính trị viên Đội điều trị 2.

"Tháng 12/1951, tôi và anh Toàn đã gửi giấy mời đám cưới cho bạn bè nhưng tôi đột xuất đi phục vụ chiến dịch Hoà Bình. Biết tôi sắp cưới, Cục trưởng quân y hỏi "Đồng chí có phân vân gì không?", tôi ngập ngừng nói "Anh yên tâm, Tổ quốc là trên hết mà". Anh Toàn ở xa không liên lạc được nên lễ cưới vẫn diễn ra. Đoàn đón dâu chở đồ lễ từ Cao Bằng về đến Thái Nguyên thì tôi đã lên đường, chỉ kịp gửi anh lời xin lỗi vội vàng. Đám cưới phải hoãn đến tháng 3/1952", bà Hồng Minh kể lại.
Y tá Vũ Thị Nhâm, 22 tuổi, rạng rỡ trong bộ quân phục đầu tiên trước khi vào chiến trường Điện Biên.
Cô gái Phùng Thị Tâm (24 tuổi) từ một cô thôn nữ vùng chè Thái Nguyên đã trở thành y tá đội điều trị 6. "Tôi đi chiến dịch vào tháng 11, 12. Ban đêm gió rét, chân lội suối buốt như kim châm, đi đường rừng nên hai đôi dép được phát hỏng hết, tôi phải lấy bẹ cây cọ vạt đi khoan lỗ buộc dây để đi nhưng vẫn không thấy khổ".
Y tá Phạm Thị Tín, 21 tuổi (người Hà Nội). Bà bị đau mắt, đơn vị cho về nhưng vẫn quyết tâm ở lại chiến dịch.
Y tá Nguyễn Thị Mai Tâm, 19 tuổi (bên trái):
Y tá Nguyễn Thị Mai Tâm (19 tuổi, bên trái) tâm sự: "19 tuổi tốt nghiệp lớp dược tá, tôi nhập ngũ vào Cục quân giới. Chúng tôi hành quân ban đêm, đi nhanh như nước chảy, ai mệt thì vắt tay lên vai người đi trước, vừa đi vừa cõng theo thương binh. Mỗi lần vượt dốc, qua suối tưởng chừng không còn sức để đi tiếp, nhưng khi nghĩ được cống hiến cho Tổ quốc thì không ai nề hà gì cả"
Tình yêu cũng chớm nở giữa những người đồng đội cùng chiến đấu bên nhau trong cùng một đơn vị.
Tình yêu cũng chớm nở giữa những người đồng đội cùng chiến đấu bên nhau trong cùng một đơn vị, nhiều đôi vợ chồng hiện vẫn còn sống hạnh phúc quây quần bên con cháu đến nay.
"Cùng sinh hoạt, làm việc ở đội điều trị 2, tôi và anh Kính yêu nhau lúc nào không biết. Chiến dịch kết thúc, tôi làm nhiệm vụ chuyển thương từ Điện Biên về Quân khu 4 thì có lệnh về đơn vị nhận nhiệm vụ mới. Đến nơi tôi rất bất ngờ khi biết Thủ trưởng Tổng cục chính trị đứng ra tổ chức lễ cưới cho tôi và anh Kính, cùng đám cưới cho đồng chí Trà và đồng chí Trang. Lễ cưới có rất nhiều đơn vị tham dự, bánh quy là chiến lợi phẩm của địch. Không gì diễn tả được niềm vui, hạnh phúc của tôi khi được đi bên anh trong ngày toàn thắng".
Y tá Kim Thị Hữu ( 23 tuổi) từ một cô gái hay khóc vì nhớ nhà đã trở thành chiến sĩ thi đua toàn quân năm 1954. Bức ảnh cô chụp ảnh chung khi nhận danh hiệu cùng các đồng đội.
Triển lãm còn trưng bày những hiện vật đã gắn liền với các nữ y tá trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, các năm tháng chiến tranh chống Mỹ cho đến tận ngày nay.
Những dòng nhật ký, lưu bút và những bức thư tình cũng được trưng bày tại triển lãm.
Triển lãm sẽ mở cửa từ 6/5/2014 với những nhân chứng sống góp mặt, giao lưu và kể lại những ký ức Điện Biên lịch sử qua những bức ảnh và hiện vật tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Tuấn Mark

Bạn có thể quan tâm