Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Những người chơi golf để trị đau lưng

Dù vẫn phải đầu tư một khoản chi phí ban đầu nhất định, golf đang dần trở nên phổ biến hơn cả với những người trẻ, không thuộc giới thượng lưu.

Người trẻ đang đến với golf nhiều hơn. Ảnh: courtney_cook.

Hoàn thành cú “swing” đầu tiên tại sân cỏ sau 3 tháng miệt mài trong phòng 3D, Hiền Hoàng (26 tuổi, kinh doanh tự do, trú tại Hà Nội) cảm nhận rõ luồng adrenaline chạy dọc cơ thể với sự phấn khích khó diễn tả.

Vừa trải qua thay đổi lớn trong công việc, stress kéo dài, golf giúp chị Hiền Hoàng cải thiện cả về tinh thần cũng như thể chất, nhất là những cơn đau lưng dưới dai dẳng.

“Sau khi tìm hiểu và tiếp xúc, tôi nhận ra golf đang gần gũi, dễ tiếp cận hơn với người dân Việt Nam rất nhiều”, cô tâm sự.

Tài chính trung bình cũng chơi được golf

Bản thân là người thích chơi thể thao nói chung, chị Hiền Hoàng quyết định đầu tư thời gian và tài chính cho golf sau khi cảm nhận được các giá trị của bộ môn này với sức khỏe cũng như những mặt khác.

Từ đó đến nay, cô gái trẻ này cũng đã chi tiêu cho hành trình học và tập luyện golf của mình với số tiền lên tới 8 chữ số.

chi phi choi golf anh 1

Chị Hiền Hoàng trong lần ra sân golf đầu tiên sau 3 tháng tập kỹ thuật ở phòng tập 3D. Ảnh: NVCC.

“Khoản chi đầu tiên đương nhiên là dành cho một bộ gậy golf. Tôi lựa chọn bộ gậy của Nhật với giá không quá cao nhưng phù hợp với nữ giới, mới tập chơi. Trong quá trình tập, tôi thấy nó khá hợp với mình”, cô chia sẻ.

Ngoài ra, các khoản chi khác chị Hiền Hoàng bỏ ra bao gồm phí hướng dẫn, thời gian tập tại phòng golf 3D, sân tập ngoài trời, tiền lên sân, quần áo, giày, tất, găng tay, mũ, kem chống nắng…

Cô nói thêm: “Thực ra cũng do sở thích cá nhân nên tôi chi khá nhiều cho trang phục. Với những người chơi khác, đây là khoản phí có thể linh hoạt hơn”.

Theo Hiền Hoàng, sau đại dịch Covid-19, các hoạt động được mở cửa trở lại, giống như cô, rất nhiều người khác cũng tìm tới học và chơi golf, tạo nên một cộng đồng đông đảo.

“Có rất nhiều cách để chơi golf, điều quan trọng là bản thân có thực sự muốn hay không mà thôi. Đương nhiên, bộ môn nào cũng cần một khoản đầu tư tối thiểu ban đầu. Khoản chi này với golf cũng không quá đắt đỏ như nhiều người vẫn nghĩ. Chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn hợp lý với thu nhập cá nhân”, cô gái trẻ tâm sự.

Sau thời gian trải nghiệm, chị Hiền Hoàng thừa nhận golf là bộ môn khá khó. Khi bắt đầu tập, cô đã đặt mục tiêu phải thực hiện được những cú “swing” đẹp, đúng và đưa bóng đi xa. Để làm được điều này cần rất nhiều thời gian, công sức tập luyện cũng như kiến thức.

“Khó khăn lớn nhất với tôi khi chơi golf là kỹ thuật. Hiện tại, tôi vẫn chưa khắc phục được những lỗi sai, nhất là khi thực hiện các động tác ngoài sân cỏ khác rất nhiều việc tập trong phòng 3D. Dù sao, tôi cũng sẽ cố gắng nhiều hơn trong thời gian tới để cải thiện”, chị Hiền Hoàng quyết tâm.

Trong khi đó, Chu Đức Trung (24 tuổi, nhân viên truyền thông tự do, ở Hà Nội) bắt đầu học golf sau khi nhận được lời mời của một số người bạn. Trung may mắn được tặng một bộ gậy golf nhân dịp sinh nhật cũng như kết thúc đại học nên giảm được khá nhiều chi phí.

Ngoài ra, nam thanh niên này cũng đầu tư thêm cho các phụ kiện cơ bản như giày, găng tay, quần áo. Chi phí cho những món đồ này rơi vào khoảng gần 10 triệu đồng.

chi phi choi golf anh 2

Chu Đức Trung tìm tới golf sau khi được bạn rủ và dần yêu thích bộ môn mới. Ảnh: NVCC.

Sau khi kết thúc quá trình học kỹ thuật, Trung cho hay cũng tiêu tốn thêm một khoản chi phí tương đối cho việc thuê sân, xe, caddies hay các trò thưởng, phạt trong quá trình chơi.

“Tuy nhiên, nếu coi golf là một môn thể thao, tương tự các môn khác như bóng đá, tennis hay gym, mọi người cũng sẽ thấy việc đầu tư cho nó không quá tốn kém. Giống như việc chúng ta vẫn phải bỏ tiền thuê sân bóng, phòng gym chất lượng cao…”, Trung nói.

Trung cho rằng việc chơi golf có tốn kém hay không nằm ở cách chơi và lựa chọn mua sắm của mỗi người.

Chia sẻ về khó khăn lớn nhất khi tập và chơi golf, Trung chia sẻ là việc phải rèn luyện cơ thể theo các thao tác chính xác, thuần thục.

Anh nói: “Nếu chỉ muốn cầm gậy và đưa trái bóng đi xa thì khá đơn giản. Tuy nhiên, việc thực hiện một cú ‘swing’ hoàn chỉnh sẽ đòi hỏi tất cả bộ phận trên cơ thể, từ đầu đến cả ngón chân, phải phối hợp nhịp nhàng, chính xác. Từ đó, chúng ta mới có kết quả tốt cũng như một đường bóng như ý”.

“Khi hoàn thành cú đánh, cảm giác thực sự rất hưng phấn”, Trung chia sẻ.

Golf mang lại lợi ích về nhiều mặt

Trải qua thời gian đầu còn nhiều vướng mắc, chị Hiền Hoàng lúc này đã có thể thực hiện những động tác trong golf tốt hơn rất nhiều. Các cú đánh đã tốt, chuẩn và đẹp hơn.

Cô chia sẻ: “Lợi ích đầu tiên tôi nhận thấy từ việc chơi golf là vấn đề về thể chất. Ngồi văn phòng, đi giày cao gót, phần lưng dưới của tôi cũng rất yếu, dẫn đến thường xuyên đau, mỏi. Tuy nhiên, sau một thời gian tập golf đòi hỏi phải giữ và gồng chặt phần lưng, tôi không còn cảm giác đau lưng dưới khi đứng nữa”.

Về mặt tinh thần, chị Hiền Hoàng cũng cho hay golf giúp cô vui vẻ, phấn chấn hơn sau những áp lực từ công việc.

chi phi choi golf anh 3

Golf mang lại nhiều lợi ích về thể chất, tinh thần cũng như những mối quan hệ xã hội. Ảnh minh họa: courtney_cook.

“Golf mang lại cảm giác chinh phục, thỏa mãn cho người chơi. Hơn nữa, khi lên sân, tôi cũng có cơ hội mặc đẹp, chụp ảnh… từ đó mang lại giá trị tinh thần lớn”, Hiền Hoàng kể.

Bên cạnh đó, thông qua golf, cô cũng cho hay mở rộng được mối quan hệ của bản thân.

Với Chu Đức Trung, golf giúp anh học cách xây dựng một tâm thế điềm tĩnh, tỉ mỉ, kiên nhẫn và quyết đoán hơn. Đồng thời, Trung cũng chia sẻ đã quen thêm được nhiều bạn mới trong quá trình học, cải thiện bản thân với những mối quan hệ lành mạnh.

“Tôi định tham gia một câu lạc bộ vừa sức để giao lưu và học hỏi nhiều hơn. Tôi cũng có ‘máu’ thể thao nên trong một tương lai không xa, có thể tôi cũng sẽ thử sức tham gia thi đấu bán chuyên để cảm nhận không khí”, Trung chia sẻ.

Chia sẻ với Zing, HLV golf Trương Thành Trung (Hà Nội) cho hay nhu cầu chơi golf của người dân tại Việt Nam chưa bao giờ lớn như thời điểm hiện tại. Rất nhiều người, gồm cả những bạn trẻ, đang học và tập golf. Thậm chí hiện nay, nhóm người trẻ chơi golf còn chiếm đa số.

"Cách đây khoảng 12 năm, khi tôi mới bắt đầu với golf, rất khó để có thể tìm một nhóm những người trẻ để cùng nhau tập và giao lưu. Khi đó, tôi chủ yếu phải chơi cùng các chú, các bác hơn tôi nhiều tuổi. So với thời điểm đó, số lượng người trẻ chơi golf tăng gấp nhiều lần", HLV Trung chia sẻ.

Chuyên gia này cũng đánh giá golf mang lại rất nhiều lợi ích về mặt sức khỏe thể chất cũng như tinh thần, thậm chí nhiều hơn những môn thể thao khác.

HLV Trung nói: "Một buổi tập của một người đánh 100 bóng, chỉ đứng một vị trí và thực hiện cú 'swing' có thể tiêu tốn gấp đôi lượng calo khi người đó tập gym".

Nguyên nhân là các động tác trong golf đòi hỏi sự vận hành của cả cơ thể. Mặt khác, người chơi golf cũng thường phải tập trung cao độ cho từng cú đánh, xoay ra sao, tay cầm như thế nào. Điều này cũng khiến người tập tiêu tốn nhiều calo.

"Đôi khi, môn thể thao này còn giúp kéo gần hơn các mối quan hệ như bạn bè, đồng nghiệp, đối tác và cả gia đình. Golf cũng là một trong số ít những môn thể thao mọi thành viên trong gia đình có thể chơi chung trong cùng một thời điểm", HLV Trung nói thêm.

Theo Healthline, trong một phát hiện được trình bày tại Hội nghị Đột quỵ Quốc tế của Hiệp hội Đột quỵ Mỹ tại Los Angeles, các nhà khoa học cho rằng việc chơi golf thường xuyên với tần suất tối thiểu một lần/tháng có thể giảm nguy cơ tử vong.

Cụ thể, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Sức khỏe Tim mạch (CHS) - một dạng nghiên cứu quan sát về nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người từ 65 tuổi trở lên.

Trong vòng 10 năm, những người tham gia thường xuyên được kiểm tra thể chất và thăm khám lâm sàng. Cuối kỳ quan sát, các nhà khoa học sẽ tổng hợp và đánh giá lại toàn bộ bất thường về tim mạch như đau tim hay đột quỵ.

Nhóm tham gia gồm 5.900 người, trong đó có 384 trường hợp có chơi golf. Kết quả nghiên cứu cho thấy 8,1% người chơi golf bị đột quỵ và 9,8% có tình trạng đau tim, không khác biệt so với nhóm còn lại.

Tuy nhiên, nhóm chơi golf thường xuyên lại có tỷ lệ tử vong thấp hơn đáng kể (15,1%) so với những người còn lại không chơi bộ môn này (24,6%).

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

> Xem thêm: Sách cho cuộc sống vui khỏe

Làm việc tại văn phòng 12 giờ/ngày vẫn giảm được hơn 20 kg

Bất chấp khó khăn về mặt thời gian, thậm chí mắc gout lâu năm, Nguyễn Hoàng Dương vẫn duy trì nhịp tập luyện đều đặn hàng tuần cùng chế độ ăn uống khoa học.

Tập tạ khi mang bầu

Khác với quan niệm xưa, phụ nữ ngày nay tự tin hơn khi tập luyện trong thai kỳ để vẫn giữ được sức khỏe cũng như vóc dáng sau sinh.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm