Shuggie Bain ra mắt năm 2020, gây tiếng vang trên văn đàn thế giới và được trao giải Booker 2020. Nhân dịp phát hành bản tiếng Việt, một buổi tọa đàm về cuốn sách đã diễn ra tối 1/7 tại Hà Nội.
Không gian nhỏ chứa những nỗi đau lớn
Đặt trong bối cảnh thành phố Glasgow 40 năm trước, Shuggie Bain: Chiếc linh hồn nhỏ tràn ngập những mảnh đời vất vưởng, lạc lối. Tác phẩm miêu tả người dân Anh trong thời kỳ chính trị phức tạp khi Margaret Thatcher lên nắm quyền. Nhân vật chính là cậu bé Shuggie Bain, dù còn rất nhỏ đã phải chịu nhiều áp lực trong những năm tháng biến động này. Mẹ của Shuggie, Agnes là người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi bối cảnh khắc nghiệt khi ấy.
Trong buổi giao lưu về cuốn sách tối 1/7, dịch giả Trần Quốc Tân nhận xét Glasgow hiện ra trên trang sách như một vũng lầy, bí bách, ngột ngạt và thối nát. Ở đó, các nhân vật thường bị đặt trong một không gian hẹp, nhìn ra bên ngoài, như đang mong chờ một sự cứu rỗi. Đây là một phản ứng hoàn toàn hợp lý, xét theo bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, khiến cho người dân trở nên bế tắc và túng quẫn.
Tác giả Hiền Trang và thạc sĩ văn học Nguyễn Phương Anh đều đồng tình “không gian” trong cuốn sách đóng một vai trò lớn thể hiện cảm xúc của nhân vật. Đó là những không gian nhỏ nhưng chứa đựng những nỗi đau lớn.
Sức ép của vô vàn mâu thuẫn căng thẳng đã sinh ra nạn nghiện ở Glasgow trong những năm 80 của thế kỷ XX. Nạn nghiện là một chủ đề lớn trong cuốn sách. Ta bắt gặp ở đó cả nghiện bia, nghiện rượu, nghiện ma túy, thậm chí nghiện valium, thuốc an thần. Bản thân mẹ của Shuggie, Agnes, là một con nghiện. Chứng nghiện khiến sức khỏe tinh thần của bà suy giảm, thậm chí có lần trong cơn say, bà đã suýt đốt nhà.
“Bọn bợm già Glasgow là giống loài đang chết dần, hạng người trước đây cũng lành thôi nhưng đang biến chuyển thành thứ gì đó trẻ hơn và hung hãn hơn do ma túy lan tràn khắp thành phố", trích nội dung sách.
Luận giải về vấn nạn này, Thạc sĩ Nguyễn Phương Anh cho rằng cơn nghiện ở đây thực ra là lối thoát của người dân khỏi thực tại khắc nghiệt. Và những người như Agnes là nạn nhân của bối cảnh xã hội hỗn loạn khi ấy, chứ không chỉ đơn giản là những kẻ sa ngã.
Những giằng xé nội tâm
Shuggie Bain: Chiếc linh hồn nhỏ khai thác sâu về mâu thuẫn giới, giữa tính nam và tính nữ. Các mối quan hệ trong cuốn sách đều hiện lên rất phức tạp. Mối quan hệ giữa Shuggie và mẹ, mối quan hệ giữa Shuggie và các cậu bé cùng trang lứa, mối quan hệ giữa Agnes và những người đàn ông. Tất cả dường như đều có mâu thuẫn. Vấn đề giới tính cũng được đề cập trong tác phẩm. Nó ám ảnh cả cậu bé Shuggie, khiến cậu băn khoăn về sở thích chơi búp bê của mình, bối rối trước sở thích chơi bóng đá của các cậu trai khác.
Bởi những mâu thuẫn giằng xé này, dịch giả Trần Quốc Tân ví trải nghiệm đọc cuốn sách như chơi tàu lượn siêu tốc, lúc lên lúc xuống.
Theo nhà văn Hiền Trang, Shuggie Bain: Chiếc linh hồn nhỏ là một cuốn tiểu thuyết ủy mị, đau khổ nhưng cũng rất đẹp. Đẹp nhất là tình yêu vô hạn Shuggie dành cho mẹ. Một người mẹ bê tha và bất ổn, nhưng đồng thời cũng là người mẹ yêu thương Shuggie, người duy nhất để Shuggie được là chính mình. Vì vậy, đứng trước vấn đề, Shuggie không lựa chọn giải pháp ra đi như anh chị mình, mà cậu chọn dũng cảm đối mặt với mẹ.
Shuggie Bain cũng là một nhân vật phức tạp không kém Agnes. Cậu bé Shuggie thích chơi búp bê, không thích chơi bóng đá, có vẻ ngoài “nữ tính” hơn các cậu trai khác. Chọn nhân vật chính là một cậu bé nhỏ tuổi, cuốn sách không phải tiểu thuyết về tuổi trưởng thành, mà tác giả đi sâu khắc họa mối quan hệ giữa Shuggie và mẹ.
Thạc sĩ Nguyễn Phương Anh cho rằng câu chuyện tính dục không phải là yếu tố trung tâm, mà chỉ là một phần trong những nét phức tạp của nhân vật Shuggie. Ở thời điểm đó, cậu bé chỉ biết mình khác biệt, không trực tiếp nhận mình là người đồng tính. Cậu cố tìm hiểu về bóng đá, nhưng cũng không thành, cậu giằng xé bởi những khác biệt giữa cậu và bạn bè.
Dịch giả Trần Quốc Tân cho rằng tác pháp này không nặng tính giáo dục như David Copperfield hay Oliver Twist, mà mang tính hiện thực hơn. Tác giả chưa bao giờ đưa ra lời giải về bản dạng giới của Shuggie. Độc giả chỉ biết đến những giằng xé của cậu, giằng xé về tôn giáo, về giới, giằng xé với bố mẹ mình, với thế giới khắc nghiệt.
Cuốn sách không đưa ra phương cách giải quyết vấn đề, mà chỉ đơn thuần kể câu chuyện một cách hiển nhiên, trần trụi. Đây chính là nét nhân văn, tách biệt Shuggie Bain: Chiếc linh hồn nhỏ với các tiểu thuyết giáo dục khác, với các tiểu thuyết LGBT thông thường.
Dùng từ "chiếc linh hồn" để khắc sâu sự cô đơn
Khi bản dịch tiếng Việt Shuggie Bain mới phát hành, đã có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh nhan đề phụ: Chiếc linh hồn nhỏ. Trao đổi với bạn đọc, dịch giả cho rằng nhan đề phụ là không gian sáng tạo của người dịch, nên anh chọn câu chữ sao cho thu hút với độc giả Việt.
Ngoài ra, từ “chiếc” thường dùng để chỉ những sự vật nhỏ, như “chiếc lá”, mang sắc thái cô đơn; phù hợp với nhân vật Shuggie nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung. Dịch giả Trần Quốc Tân thừa nhận rằng anh biết từ “chiếc” sẽ khiến người đọc phải bối rối, tự hỏi tại sao, để rồi chỉ sau khi đọc tác phẩm mới hiểu rõ lý do.
Bên cạnh đó, nhan đề này còn là một trích dẫn trực tiếp từ nhà thơ Huy Cận, trong bài Ê chề: “Một chiếc linh hồn nhỏ / Mang mang thiên cổ sầu”. Câu thơ của Huy Cận, dù không có gì liên hệ tới bối cảnh câu chuyện, nhưng có sự đồng vọng với nhân vật Shuggie Bain.
Trước khi xuất bản, công ty phát hành tại Việt Nam cũng đã hỏi ý kiến tác giả Douglas Stuart về nhan đề phụ này. Sau khi nghe giải thích, nhà văn đã đồng ý và ủng hộ lựa chọn của dịch giả.
Chia sẻ thêm về những thách thức khi chuyển ngữ, anh Tân cho biết khó khăn lớn nhất với anh khi dịch tác phẩm là quản lý thời gian, lựa chọn đại từ dành cho các nhân vật, vì đại từ trong tiếng Việt rất phong phú, mà cuốn sách lại có điểm thể nghiệm là cách mở chương đột ngột với những hoạt cảnh mới hoàn toàn, ít liên quan tới chương trước. Chất thơ và cốt truyện mạch lạc cùng các đề tài hấp dẫn đã khiến dịch giả quyết tâm dịch cuốn sách đến cùng.
Thạc sĩ Nguyễn Phương Anh cho rằng đây là tác phẩm khó chuyển ngữ sang tiếng Việt, và giành lời khen cho dịch giả Trần Quốc Tân đã thành công trong truyền tải mạch văn của tác giả, giúp đưa tác phẩm nhân văn này tiếp cận được tới rộng rãi độc giả Việt.
Douglas Stuart là một nhà văn tay ngang, xuất bản tiểu thuyết đầu tay khi đã ngoài 40. Ông đã viết Shuggie Bain dàn trải trong suốt 10 năm, trên chuyến tàu đi làm, trong những giờ nghỉ giải lao, trong những ngày nghỉ phép.
Ban đầu, có tới hơn 40 nhà xuất bản từ chối phát hành Shuggie Bain, nhưng sau khi ra mắt, cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt bởi cả độc giả đại chúng lẫn giới phê bình nghiêm khắc.