Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những bước ngoặt trong cuộc giao tranh tại Ukraine

100 ngày đã trôi qua kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” đối với nước láng giềng, mở đầu cho cuộc xung đột vũ trang lớn nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến II.

cuoc giao tranh 100 ngay tai Ukraine anh 1

Trong 100 ngày ấy, nhiều diễn biến bất ngờ đã xảy tới trái với nhận định của giới phân tích, như việc Ukraine có thể trụ vững trước thế tấn công của Nga, hay việc phương Tây có thể thống nhất đưa ra 6 vòng trừng phạt vào Moscow.

Nhưng bên cạnh những điều gây ngạc nhiên là thực tế xấu xí và không thể tránh khỏi của xung đột vũ trang: Hơn 4.000 dân thường đã thiệt mạng, gần 7 triệu người di cư đã rời khỏi đất nước, các thành phố của Ukraine lúc này chỉ còn lại cảnh tan hoang.

“Tôi cần đạn dược, không cần đi nhờ xe”

5h ngày 24/2, giao tranh bắt đầu với những đòn tấn công tên lửa khắp lãnh thổ Ukraine. Quân đội Nga đồng loạt tấn công Ukraine ở bốn mũi tiến công: Mũi phía bắc nhằm vào thủ đô Kyiv, mũi đông bắc nhằm vào Kharkiv, mũi phía đông ở vùng Donbas, và mũi phía nam vào Kherson.

Nếu Nga cho rằng đòn tấn công chớp nhoáng sẽ khiến Kyiv nhanh chóng đầu hàng, họ đã không đạt được kỳ vọng. Ukraine nỗ lực phản kháng.

Trong một video tự quay, Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng các thành viên nội các cho thấy mình vẫn bám trụ tại Kyiv, bất chấp từng được phương Tây đề nghị giúp sơ tán khỏi đất nước. Vị tổng thống khẳng định “chỉ cần đạn dược, không cần đi nhờ xe”.

cuoc giao tranh 100 ngay tai Ukraine anh 2

Tổng thống Ukraine trong video thể hiện ông vẫn ở Kyiv khi Nga tấn công. Ảnh: AFP.

“Đó là cách lãnh đạo sẽ truyền cảm hứng cho quân đội chiến đấu trong nhiều tháng, thậm chí nhiều thập kỷ”, ông John Spencer, Chủ nhiệm khoa nghiên cứu chiến tranh đô thị, Viện Chiến tranh Hiện đại (Mỹ), thuộc Học viện West Point, trước đó nói với Zing.

Với sự đào tạo và viện trợ quân sự từ phương Tây, lực lượng vũ trang của Ukraine cũng không còn là đội quân bên bờ vực sụp đổ như năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Trong khi đó, nhiều chứng cứ cho thấy Nga gặp vấn đề về hậu cần.

Dù vậy, gần một tuần sau khi mở chiến dịch, lực lượng Nga vẫn có thể bao vây thành phố cảng Mariupol. Cùng ngày 2/3, Nga kiểm soát toàn bộ Kherson, thành phố đầu tiên của Ukraine thất thủ. Việc này giúp Nga kiểm soát gần như hoàn toàn “hành lang đất liền” giữa Crimea và tỉnh Donetsk.

Nỗ lực bảo vệ Kyiv

Để chặn đứng thế tấn công của Nga, lực lượng phòng ngự Kyiv dùng chiến thuật “tiêu thổ”. Họ tự phá hủy các tuyến cầu đường quanh Kyiv. Ngày 6/3, cây cầu chính bắc qua sông Irpin và một con đập từ thời Liên Xô ở đây đều bị phá hủy, gây ra trận hồng thủy nhân tạo về phía tây Kyiv.

Chứng kiến diễn biến quanh Kyiv, giới quan sát không thể quên được hình ảnh vệ tinh chụp đoàn xe quân sự dài 40 dặm của Nga ngày một áp sát thủ đô Ukraine. Nhưng những đòn tấn công quấy rối của Ukraine khiến đoàn xe này bị đình trệ.

Ở các chiến tuyến khác, tình hình gần như không đổi sau vài ngày giao tranh ban đầu.

cuoc giao tranh 100 ngay tai Ukraine anh 3

Một khu nhà bị phá hủy tại Irpin, Ukraine hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.

Riêng tại miền Nam, tình hình diễn biến nhanh hơn. Sau khi kiểm soát Kherson, Nga tiến vào Mykolaiv, một thành phố cảng nữa của Ukraine. Bờ biển Azov cũng rơi vào sự kiểm soát của Nga bất chấp họ vấp phải sự phản kháng quyết liệt tại Mariupol.

Nga bắt đầu thay đổi chiến thuật. Trong một động thái phía Nga gọi là thể hiện thiện chí, đoàn đàm phán của Moscow tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3 cho biết sẽ “giảm đáng kể hoạt động quân sự” gần Kyiv và Chernihiv ở miền Bắc Ukraine.

Đầu tháng 4, quân đội Nga hoàn tất việc rút quân khỏi Kyiv và miền Bắc Ukraine.

Khoảng lặng trước trận đánh Donbas

Ba tuần sau trận đánh Kyiv là giai đoạn tương đối yên ắng của chiến sự Ukraine, trong lúc Nga chỉnh đốn lại lực lượng vừa rút từ Kyiv để tiếp viện cho mặt trận miền Đông Ukraine. Ukraine cũng nhân cơ hội này để tổ chức một số đợt phản công cục bộ.

Ngày 14/4, chiến sự Ukraine tiếp tục xảy ra một ngạc nhiên nữa: Soái hạm Moskva của Nga đã chìm trên Biển Đen. Ukraine tuyên bố tên lửa Neptune nước này tự sản xuất đã đánh chìm con tàu, trong khi Nga khẳng định tàu bị cháy kho đạn và chìm trên đường kéo về cảng.

cuoc giao tranh 100 ngay tai Ukraine anh 4

Soái hạm Moskva của Nga hồi năm 2013. Ảnh: Reuters.

Tới ngày 18/4, Nga mở một đợt tấn công dọc theo tiền tuyến dài 500 km từ Kharkiv tới Donetsk và Lugankss, cùng lúc tên lửa rơi xuống thủ đô Kyiv và Lviv ở miền Tây. Mục tiêu chiến lược của trận đánh này có vẻ là để bao vây quân đội Ukraine đang giao tranh tại tiền tuyến với lực lượng ly khai.

Chỉ ba ngày sau, Nga tuyên bố đã quét sạch lực lượng Ukraine ra khỏi hầu hết Mariupol, ngoại trừ hàng nghìn binh sĩ bên dưới nhà máy thép Azovstal khổng lồ. Thiếu thốn nhu yếu phẩm, những binh sĩ này vẫn kiên trì bám trụ tới ngày 17/5 mới đầu hàng sau khi nhận lệnh từ Kyiv.

Tại những phần còn lại của Donbass, đà tiến của Nga diễn ra chậm rãi, với tốc độ trung bình khoảng 500 m mỗi ngày. Nhưng quân đội Ukraine cũng luôn tìm cơ hội gây tổn thất cho Nga.

Ngày 13/5, Nga cố dựng cầu phao vượt sông Seversky Donets để bao vây lực lượng Ukraine. Kế hoạch này bị phát hiện, khiến khoảng 100 xe bọc thép Nga bị phá hủy. Lực lượng Nga cũng bị đẩy lùi khỏi ngoại ô Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine.

Dù vậy, Ukraine vẫn phải chịu áp lực lớn. Nga đã tập trung phần lớn lực lượng để kiểm soát hoàn toàn Sievierodonetsk - thành phố lớn cuối cùng của Ukraine tại tỉnh Lugansk, một trong hai tỉnh cấu thành vùng Donbass. Nhân cơ hội đó, Ukraine cũng phản công tại miền Nam để cố gắng giải phóng thành phố Kherson nhưng chưa có dấu hiệu khả quan.

cuoc giao tranh 100 ngay tai Ukraine anh 5

Tình hình kiểm soát lãnh thổ giữa các bên, tính tới sáng 2/6. Đồ họa: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ).

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Khi giao tranh cán mốc 100 ngày, giới phân tích một lần nữa bắt đầu suy nghĩ câu hỏi 100 ngày tiếp theo tại Ukraine sẽ diễn biến ra sao, nhất là khi các cuộc hòa đàm giữa Ukraine và Nga đang bị đóng băng.

Ông Mark Cancian, chuyên gia thuộc viện chính sách CSIS (Mỹ), dự đoán một cuộc giao tranh tiêu hao kéo dài.

“Không bên nào có vẻ chịu thỏa hiệp hoặc đạt thỏa thuận… Chừng nào một bên chưa đồng ý, chúng ta có thể thấy sự tạm dừng không chính thức, một dạng xung đột ‘đóng băng’”, ông Cancian nói.

cuoc giao tranh 100 ngay tai Ukraine anh 6

Người phụ nữ khóc trong lễ tang của 3 binh sĩ Ukraine ở Lviv hôm 14/5. Ảnh: AP.

Đồng tình, Christophe Gomart, cựu tướng đặc nhiệm của Pháp, cũng cho rằng hai bên sẽ tạm dừng “vì hai đội quân đã kiệt sức sau 3 tháng giao tranh”.

Theo số liệu gần nhất do Nga công bố từ tháng 3, 1.351 binh sĩ của nước này đã thiệt mạng tại Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Zelensky tuần này cho biết mỗi ngày Ukraine mất 60-100 binh sĩ ở miền Đông, cùng 500 người bị thương.

Dù tình hình ra sao, ông Michael Kofman, thuộc viện chính sách CNA (Mỹ), cho rằng Nga sẽ gặp vấn đề nếu giao tranh kéo dài.

“Ukraine có thể mất lãnh thổ về ngắn hạn, nhưng Nga là phía sẽ gặp vấn đề lớn trong việc duy trì hoạt động quân sự về lâu dài, hay trong việc giữ được lãnh thổ đã kiểm soát”, ông Kofman nói.

Video tiêm kích Su-25 của Nga tấn công mục tiêu mặt đất ở Ukraine Bộ Quốc phòng Nga hôm 1/6 tung video Su-25 bay sát đất để không kích công sự và khí tài của quân đội Ukraine. Phi công bắn mồi bẫy nhiệt và đánh lái để tránh vũ khí phòng không.

Người dân Mariupol: 'Tôi không còn gì'

Xác các tòa nhà cháy đen là những gì còn sót lại ở Mariupol sầm uất một thời của Ukraine. Người dân thành phố giờ đây đang gắng gượng tiếp tục cuộc sống sau gần 3 tháng giao tranh.

Cuộc giằng co ở con sông chiến lược của Ukraine

Dnipro đang trở thành "biên giới tự nhiên" giúp Ukraine cản trở bước tiến của lực lượng Nga bởi nỗi lo ngại các cuộc giao tranh có thể ảnh hưởng đến nhà máy hạt nhân gần đó.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm