Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn miền Tây Nam bộ với văn học thiếu nhi

Hội sách TP. Cần Thơ lần thứ 2 đã khép lại, nhưng những dư ba đẹp của sự kiện sẽ còn đi cùng độc giả của vùng đất chín rồng.

Trong chuỗi hoạt động tại Hội sách, đáng chú ý là 2 buổi ký tặng sách của các nhà văn Mai Bửu Minh, Võ Diệu Thanh, Trần Tùng Chinh và Hoàng Mai Quyên với độc giả miền Tây Nam bộ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với các nhà văn, để hiểu hơn về văn chương và con người miền sông nước Cửu Long.

- Thật ngẫu nhiên là 4 nhà văn Mai Bửu Minh, Võ Diệu Thanh, Trần Tùng Chinh và Hoàng Mai Quyên đều đến từ An Giang. Anh/chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi các tác phẩm mới được ra mắt đúng thời điểm Hội sách TP Cần Thơ lần thứ 2?

- Nhà văn Mai Bửu Minh: Tôi rất hạnh phúc khi truyện dài Chiến công siêu phàm của mình ra đời đúng thời điểm diễn ra Hội sách Cần Thơ. Đây cũng là lý do và cơ hội để tôi có mặt tại buổi ký tặng sách, để được chia sẻ với đông đảo bạn đọc, bạn viết.

Nhà văn Võ Diệu Thanh: Hội sách Cần Thơ lần trước, tôi chỉ dám ao ước được in một cuốn sách cho thiếu nhi. Hội sách lần này, tôi đến với hai cuốn thiếu nhi do mình viết và vẽ, với một luồng sinh khí mới tràn trề trong đời sống văn chương của tôi.

Siêu nhân cuaChúng mình bay đầy trời là hai cuốn sách quan trọng đối với tôi. Vì qua nó tôi thỏa mãn được nhu cầu nghe được tiếng cười sằng sặc rất hồn nhiên của học trò mình. Cảm giác nhìn những đứa trẻ đọc sách mình cười sặc sụa như đang đùa giỡn với ai đó giống như bay thật, bay vèo vèo trên mọi miền thắng cảnh.

Nhà văn Trần Tùng Chinh: Được viết sách và viết sách cho học trò là một niềm vui, sách được in và ra đời đúng "điểm rơi" là Hội sách Cần Thơ để có cơ hội được giao lưu và giới thiệu đến đông đảo bạn đọc, bạn viết khu vực miền Tây Nam Bộ, lại càng thêm vui. Tôi thích cảm giác niềm vui nhân đôi này để cân bằng lại những bận rộn của công việc nhiều áp lực trên bục giảng.

Nhà văn Hoàng Mai Quyên: Tập truyện Búp bê cô đơn của tôi ra đời đúng vào thời điểm Hội sách Cần Thơ là một điều may mắn và hạnh phúc. Những “vấn đề” của thầy trò tôi đã vượt qua không gian của một ngôi trường để có dịp hội tụ với bạn bè trong khu vực và độc giả cả nước. Bạn đọc sẽ tìm thấy những nét tương đồng hay tìm thấy chính mình trong những nhân vật của tập truyện.

Nha van mien Tay Nam bo voi van hoc thieu nhi anh 1
Nhà văn Hoàng Mai Quyên ký tặng sách.

- Xin hỏi riêng nhà văn Mai Bửu Minh: Là người có bề dày sáng tác, đồng thời ở cương vị quản lý văn nghệ lâu năm (Hiện ông là Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh An Giang – PV), ông nhận định như thế nào về văn học thiếu nhi ở miền Tây Nam bộ hiện nay? Theo ông vùng đất này còn màu mỡ đối với văn chương như thuở nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết "Dòng sông thơ ấu" hay nhà văn Đoàn Giỏi viết "Đất rừng phương Nam" hay không?

- Nhà văn Mai Bửu Minh: Theo tôi, lực lượng tác giả viết cho thiếu nhi miền Tây Nam bộ thưa vắng bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là điều kiện để cho người viết gắn bó với đề tài này còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, chỉ riêng ở An Giang, ngoài tôi ra còn có các tác giả Võ Diệu Thanh, Hoàng Mai Quyên, Trần Tùng Chinh, Nguyễn Mạnh Hà, Nghiêm Quốc Thanh, Mai Bửu Hoàng Hưng… hầu hết đã có tác phẩm xuất bản và ít nhiều tạo được dấu ấn.

Mảnh đất Tây Nam bộ thời khai hoang mở cõi với bao truyền thuyết, huyền thoại… đi vào trang sách Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi một thời hấp dẫn bạn đọc trẻ; sau đó với Dòng sông thơ ấu, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã giới thiệu với bạn đọc cả nước một vùng đất sông ngòi chằng chịt đặc sệt chất Nam bộ…

Nói vậy, không có nghĩa là vùng đất Tây Nam bộ đã đổi thay thì không còn màu mỡ cho nhà văn khai thác đưa vào tác phẩm. Ngày nay, vùng đất Tây Nam bộ khoác lên mình chiếc áo mới với bao công trình giao thông nông thôn nối liền vùng sâu vùng xa ra phố chợ; và vẫn có những con kinh dẫn nước tưới tiêu cho đồng lúa trĩu bông, cho cây xanh trái ngọt, cho cá tôm đầy ao và cho lớp lớp trẻ em tung tăng đến trường…

Vùng đất Tây Nam bộ vẫn còn màu mỡ cho những tác giả viết nên nhiều tác phẩm hay nếu được tạo mọi điều kiện thuận lợi, có cơ chế khuyến khích, hấp dẫn và tác giả cũng phải tự đổi mới trong tư duy sáng tạo, trong cách thể hiện, để tác phẩm của mình đến với tâm hồn các em một cách tự nhiên.

- Cả 3 nhà văn Võ Diệu Thanh, Trần Tùng Chinh và Hoàng Mai Quyên đều là những nhà giáo. Dấu ấn trường lớp, học trò miền Tây hiện lên qua các sáng tác của anh/chị rất rõ, rất riêng, anh/chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về những rung cảm của mình từ bục giảng?

- Nhà văn Võ Diệu Thanh: Hẳn là tác phẩm tôi nặng dấu ấn miền Tây, miền quê. Vì tôi yêu quý nó quá chừng từ khi tôi biết cảm nhận về tình cảm. Hẳn là tình yêu đó nó có dính tới những đứa trẻ tôi dạy mỗi ngày. Thật sự, khi đứng trên bục, tôi coi những đứa trẻ trước tầm mắt mình y như con mình. Nên tôi phản ứng với các em cũng giống như người mẹ phản ứng trước một đứa con mình yêu quý. Nó làm tôi đau, giận, thương yêu, lo lắng và cả mong chờ. Tình cảnh của một bà mẹ đông con.

Có nhiều khi tôi hỏi, liệu bao giờ tôi có thể ú lên được một chút với cái khối cảm xúc lớn lao như thế. Tôi phải cố gắng tiết chế để mình có thể sống được bình tâm hơn với nghề. Nếu không tôi sẽ bay về trời chớ không phải bay đầy trời như những chàng Siêu Nhân Cua.

Nhà văn Trần Tùng Chinh: Tôi đứng lớp được gần 30 năm. Những cảm xúc từ bục giảng trong tôi luôn mới mẻ. Những ký ức thời đi học ngày xưa của riêng mình cộng hưởng với sinh hoạt, cách cảm, cách nghĩ của những lứa học trò trong cuộc sống hiện đại ngày nay tạo ra những đối sánh thú vị.

Và những câu chuyện của trường lớp, của từng em học trò… trở nên nóng hổi trên trang viết. Với tôi, mỗi học sinh là một câu chuyện riêng hấp dẫn, nhất là những em được cho là cá biệt; và đi vào thế giới tâm hồn các em là đi vào những trang viết sinh động đầy màu sắc.

Nhà văn Hoàng Mai Quyên: Tôi không sinh ra và lớn lên ở miền Tây nhưng đã sinh sống và làm việc ở mảnh đất này suốt 30 năm. Tôi đã khóc khi thấy các em quá cực khổ khi vừa đi học vừa kiếm sống. Và tôi cũng đã khóc trước tình cảm chân chất, mộc mạc của các phụ huynh học sinh và những con người xứ Bảy Núi.

Tôi hiểu những khó khăn trong hành trình thắp lên ngọn lửa tri thức nơi đây sẽ đầy gian nan và khó nhọc như cái khắc nghiệt của khí hậu và cuộc sống thiếu thốn trăm bề nơi mảnh đất biên giới này. Nhưng tôi và các đồng nghiệp cũng đã đi qua bao gian nan ấy.

Chúng tôi đã trồng hoa trên núi và bây giờ  lớp lớp học sinh đã thành đạt và đang góp sức mình xây dựng quê hương. Sau đó tôi chuyển công tác về đồng bằng, về thành phố. Cứ thế mỗi ngày đến trường, tôi không chỉ truyền đạt kiến thức cho các em mà còn “ghi chép” tất cả để đưa vào những trang viết của mình.

Nha van mien Tay Nam bo voi van hoc thieu nhi anh 2
Nhà văn Võ Diệu Thanh với độc giả trẻ.

- Có thể nói là khá lâu, sau giải Nhất Cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2011, và ra mắt tập truyện Bên giếng nước, nhà văn Trần Tùng Chinh mới quay trở lại viết cho các độc giả teen, được xem là thuận tay nhất với anh. Anh kì vọng gì ở Trại mùa xuân so với các tác phẩm trước đây ?

- Nhà văn Trần Tùng Chinh: Công việc giảng dạy, nghiên cứu và kể cả công tác quản lý ở trường đại học không cho tôi nhiều thời gian dành cho sáng tác nên khá lâu tôi mới trở lại với bạn đọc tuổi teen, với đề tài học đường mà tôi cảm thấy tự tin nhất.

Trại mùa xuân được đồng nghiệp và học trò mới lẫn cũ chuyền tay giới thiệu, điều mà các tập truyện trước đây không có nhiều sức lan tỏa như thế. Chỉ trong chưa đầy một tháng sau khi ra mắt, nhờ nhiều kênh quảng bá, đặc biệt là facebook, đến thời điểm này, ngoài kênh phát hành của đơn vị xuất bản, cá nhân tôi đã phát hành được trên 500 cuốn.

Tôi hy vọng sẽ có nhiều bạn đọc, nhất là các bạn tuổi teen tìm đọc và yêu thích Trại mùa xuân. Các bạn sẽ tìm thấy chính mình của một thời áo trắng giàu cảm xúc với những kỷ niệm đẹp nhất đời người.

- Có vẻ như dạy tiểu học là một lợi thế của nhà văn Võ Diệu Thanh? Chị đã bắt được "sóng" với các em nhỏ và sẽ còn hướng ngòi bút đến các em nhiều hơn nữa?

- Nhà văn Võ Diệu Thanh: Nội tâm những đứa trẻ là thứ kỳ lạ, nhiều biến động, nhiều sắc thái, nhiều cá tính, ai cũng thấy quen nhưng hầu hết đều bị đánh lừa bởi những điều tưởng như quen thuộc đó, cho tới khi lạc một con đường xa lắc, cho tới khi hết còn lối để quay về. Tôi tính trầm, rất tệ trong mọi cuộc vui nhưng có khiếu chọc cười chọc khóc học trò. Nhờ đó tôi thuận lợi khi viết cho thiếu nhi.

Tương lai, có thể tôi sẽ khám phá nhiều lứa tuổi khác nữa, tính tôi không thích sa lầy vào một góc nhỏ quen thuộc. Nhưng đảm bảo hai đối tượng không bao giờ tôi bỏ được là người già và trẻ nhỏ. Tôi hiểu họ và họ cần tôi.

- Thưa nhà văn Hoàng Mai Quyên, "Thời áo trắng" là tập truyện xuất bản gần đây nhất của chị, đã tái bản không lâu sau khi phát hành, chị có nghĩ hiệu ứng và dư ba tương tự như vậy sẽ có ở "Búp bê cô đơn", hoặc hơn thế nữa?

- Nhà văn Hoàng Mai Quyên: Búp bê cô đơn gồm 15 truyện ngắn, mỗi truyện là một lát cắt từ cuộc sống học đường. Mỗi độc giả có thể tìm thấy mình trong từng mẩu truyện nhỏ.

Vẫn là những kỷ niệm về thầy cô chủ nhiệm, về những trò nghịch ngợm của lứa tuổi học trò, rồi những kỷ niệm khi đi thực tập sư phạm… nhưng được khám phá và lý giải ở góc độ khác. Hy vọng cuốn sách này cũng được bạn đọc đón nhận nhiệt tình như cuốn Thời áo trắng. Học trò tôi cũng rất thích khi đọc tập truyện này. Đọc xong chúng thốt lên “dễ thương quá cô ơi”. Với tôi, điều đó đủ là hạnh phúc rồi.

Thế giới học trò mang phong vị miền Tây sông nước

Ba tập sách được xuất bản cùng thời điểm đem tới cho bạn đọc những xúc cảm thú vị về thế giới học trò nơi miền Tây Nam bộ.

Lê Như Thanh

Bạn có thể quan tâm