Kurt Campbell, điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia, hôm 7/1 nhận định bên cạnh sự can dự về ngoại giao và quân sự truyền thống, Mỹ sẽ đẩy nhanh các nỗ lực trong quan hệ kinh tế, bao gồm thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật số và công nghệ.
"Đó là lĩnh vực mà Mỹ thực sự cần phải đẩy mạnh cuộc chơi của mình", South China Morning Post dẫn lời quan chức chủ chốt định hình chính sách châu Á của chính quyền Tổng thống Joe Biden phát biểu trong một sự kiện trực tuyến.
“Chúng tôi phải làm rõ là chúng tôi không chỉ tham gia sâu về mặt ngoại giao, quân sự theo cách toàn diện và chiến lược, mà còn có cách tiếp cận cởi mở, gắn bó, lạc quan đối với các tương tác thương mại, đầu tư ở Ấn Độ Dương”, ông nói thêm. "Chúng ta hiểu rõ chính quyền ông Biden trong năm 2022 sẽ nói về những cam kết này một cách toàn diện trong khu vực".
![]() |
Kurt Campbell là quan chức chủ chốt định hình chính sách châu Á của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AFP. |
Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục xấu đi dưới thời Tổng thống Biden, khi chính quyền ông tăng cường nỗ lực tập hợp các đồng minh cùng đối tác để chống lại ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Ông Campbell nói rằng việc tận dụng mối quan hệ với các đồng minh sẽ tiếp tục là yếu tố chính trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Trong đó, ông Biden tham gia mạnh mẽ với Australia, Ấn Độ và Nhật Bản trong liên minh QUAD, hay xây dựng hiệp ước AUKUS với Australia và Anh.
Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác Toàn diện và Tiến bộ năm 2017 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump vẫn nhận chỉ trích vì đây là bằng chứng cho thấy mối quan hệ kinh tế của Mỹ với khu vực bị suy yếu.
Vào tháng 10/2021, ông Biden tuyên bố Washington sẽ sớm nối lại các cuộc đàm phán để tạo ra một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm tăng cường gắn kết với khu vực.
Bên cạnh đó, ông Campbell nhấn mạnh Washington không tìm kiếm "sự thống trị" và cam kết đẩy mạnh hợp tác với Bắc Kinh trong những vấn đề như biến đổi khí hậu.
"Hiểu về vai trò then chốt của Bắc Kinh, những gì Mỹ tìm kiếm là một kiểu chung sống với Trung Quốc", ông nói. "Yếu tố quan trọng nhất trong 10 năm tới là thúc đẩy Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào khuôn khổ toàn cầu liên quan đến khí hậu”.
Điểm mấu chốt trong cuộc so kè Mỹ - Trung năm 2022
Cựu Đô đốc James Stavridis nhận định năm 2022 sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh gay gắt trên cả khía cạnh quân sự và ngoại giao giữa hai siêu cường Mỹ - Trung Quốc.
Trung Quốc mở đại sứ quán ở Nicaragua lần đầu tiên kể từ năm 1990
Trung Quốc đã mở đại sứ quán ở Nicaragua, chưa đầy một tháng sau khi quốc gia Trung Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với đảo Đài Loan.
Giới tinh hoa toàn cầu cảnh báo hậu quả của thuế quan Mỹ
Các nhà lãnh đạo kinh tế và chuyên gia hàng đầu thế giới đã đồng loạt lên tiếng cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng từ loạt chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ.