Hai ngày trước khi bị Taliban bắn chết, Abu Omar Khorasani - nhân vật một thời là thủ lĩnh của chi nhánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan - được báo giới phương Tây phỏng vấn.
"Nếu Taliban là những người Hồi giáo tử tế, họ phải để tôi tự do", Khorasani nói với Wall Street Journal.
Sau khi chiếm thủ đô Kabul, Taliban cũng giành quyền kiểm soát nhà tù. Hàng trăm phạm nhân được phóng thích, nhưng Taliban quyết định giết Khorasani và 8 thành viên khác của IS khi đó bị giam trong tù.
IS trở lại Afghanistan?
Nhiều năm qua, Taliban và IS đều thề sẽ quét sạch những "kẻ ngoại đạo" khỏi Afghanistan. Nhưng trong khi có kẻ thù chung là lực lượng Mỹ và phương Tây, Taliban và IS cũng đồng thời tấn công lẫn nhau.
Một bên là Taliban, hợp lực cùng những tàn dư còn lại của tổ chức khủng bố Al Qaeda.
Bên kia là các nhóm vũ trang của IS ở Afghanistan, hay còn được gọi là ISIS-K. Mục tiêu của ISIS-K là sáp nhập một phần của Taliban vào nhà nước Hồi giáo mà tổ chức này từng một thời kiểm soát ở Trung Đông.
Trong cuộc chiến giữa hai tổ chức Hồi giáo cực đoan này, đã có lúc lực lượng phương Tây hỗ trợ Taliban. Kết quả là ISIS-K bị đánh bật khỏi các hang ổ ở Afghanistan, thành viên tổ chức này phải bỏ trốn.
Khi Taliban càn quét khắp Afghanistan những tháng qua, ISIS-K dường như không phản kháng.
Người ta chỉ bắt đầu nhắc lại về cuộc chiến đẫm máu giữa hai tổ chức cực đoan vào hôm 26/8, khi hai vụ nổ xảy ra bên ngoài sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul, nơi Taliban và lực lượng Mỹ cùng phụ trách bảo đảm an ninh cho cuộc di tản.
Hơn 100 người đã chết sau vụ đánh bom, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ. ISIS-K đã lên tiếng nhận trách nhiệm.
Sự hiện diện của IS ở Afghanistan là một lý do có thể giúp Taliban nhận được sự hỗ trợ của quốc tế, trong đó có Mỹ. Đối với phương Tây, IS là mối đe dọa sâu sắc.
Trong khi đó, Nga, Trung Quốc và Iran coi Taliban là trụ cột cho sự ổn định ở Afghanistan. Đây là một trong những lý do khiến ba nước này dự định duy trì đại sứ quán ở Kabul sau hạn chót rút quân của Mỹ.
IS là trở ngại của Taliban
Khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh Afghanistan sau sự kiện khủng bố 11/9/2001, Taliban có rất ít đồng minh. Tổ chức này bị đưa vào danh sách đen của phương Tây vì chứa chấp các phần tử khủng bố Al Qaeda. Cả hai cường quốc ở khu vực là Nga và Iran cũng phản đối Taliban.
Phía sau bộ dạng tưởng như khăng khít giữa Taliban và Al Qaeda lại là một mối quan hệ không êm thấm. Nhiều thành viên Taliban phản đối việc Osama Bin Laden sử dụng Afghanistan làm căn cứ để tổ chức tấn công khủng bố khắp thế giới.
Tài liệu thu được từ Kabul sau cuộc chiến năm 2001 cho thấy các thành viên Al Qaeda coi thường Taliban, coi các tay súng Afghanistan là mù chữ và không hiểu kinh Quran.
Trong khi đó, Taliban lại đổ lỗi cho Al Qaeda đã làm tồi tệ thêm quan hệ với phương Tây và khiến Afghanistan bị cô lập.
Sự kiện 11/9 càng khiến quan hệ thêm rạn nứt khi Taliban bị lật đổ, các lãnh đạo của tổ chức này phải ẩn náu ở Pakistan.
Mãi đến năm 2009, quan hệ hai tổ chức mới được cải thiện và bắt đầu hợp nhất về mặt chỉ huy. Các thành viên Al Qaeda được kết hợp vào các nhóm chiến binh Taliban. Từ đây, Taliban và Al Qaeda cùng phối hợp tiến hành tấn công lực lượng Mỹ và chính phủ Afghanistan.
Cục diện Afghanistan có dấu hiệu thay đổi khi tổ chức IS trỗi dậy vào năm 2014 và đạt tới đỉnh cao quyền lực vào năm 2015. IS chiếm những vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq, kêu gọi các chiến binh đầu quân để xây dựng một vùng lãnh thổ có tên Khorasan, bao gồm một phần của Afghanistan.
IS quy tụ được một số tay súng bất mãn của Taliban, các chiến binh từ Trung Á và Nam Á. Hai thành trì của IS xuất hiện bên trong Afghanistan, một tại tỉnh Nangarhar, một tại tỉnh Jowzjan.
Với Taliban, IS là một trở ngại. IS ôm tham vọng thống trị ở quy mô toàn cầu, trong khi Taliban chỉ muốn giành lại quyền kiểm soát Afghanistan và không hề hứng thú với việc hỗ trợ các nhóm Hồi giáo ở nước ngoài.
"IS có kế hoạch hành động toàn cầu, vì thế khi được hỏi ai sẽ là người thực sự đại diện cho đạo Hồi và toàn bộ cộng đồng Hồi giáo, chúng tôi có sức hút hơn", Khorasani nói trong cuộc phỏng vấn trước khi bị Taliban hành quyết.
Khi IS ngày càng lớn mạnh, một số quốc gia bắt đầu coi Taliban là bức tường thành tiềm năng ngăn chặn tham vọng đế chế Hồi giáo toàn cầu.
"Khi đó người ta bắt đầu muốn hợp tác với Taliban. Một số người cho rằng Taliban là nhóm có thể nói chuyện phải trái", Bruce Hoffman, trưởng khoa nghiên cứu an ninh của Đại học Georgetown, nói.
Nga bắt đầu khởi động đàm phán với Taliban vào năm 2016, dù khi đó vẫn chính thức coi tổ chức này là khủng bố.
"Sự trỗi dậy của IS ở Afghanistan là động lực khiến Nga quyết liên hệ với Taliban", Ivan Safranchuk, chuyên gia về Trung Á tại Đại học Moscow, cho biết.
Mỹ cáo buộc Nga và Iran đã cung cấp vũ khí cho Taliban. Moscow bác bỏ cáo buộc nói trên.
Tương tự ở Iraq và Syria, ISIS-K ở Afghanistan cũng gây tai tiếng với những video hành quyết rùng rợn, tấn công vào mục tiêu dân sự, sử dụng bạo lực bừa bãi tại những khu vực mà nhóm này chiếm được.
Tại Nangarhar, ISIS-K hành quyết dân làng bằng cách bịt mắt họ và buộc các nạn nhân ngồi trên thuốc nổ, sau đó kích nổ.
Ai thắng thế?
Xung đột giữa Taliban và IS bắt đầu nổ ra từ năm 2017 ở Jowzjan, sau khi một chỉ huy của Taliban và các tay súng dưới quyền trở cờ, quay sang thề trung thành với IS.
Lực lượng Mỹ, quân chính phủ Afghanistan và Taliban đồng loạt tấn công IS ở Jowzjan trong nhiều tháng. Kết quả là IS bị đánh bại, hàng trăm tay súng phải đầu hàng quân đội chính phủ.
Tại Nangarhar, IS cũng tam bề thọ địch như vậy. Quân đội Mỹ thả quả bom MOAB, vũ khí quy ước có sức công phá mạnh nhất của Mỹ, để quét sạch hệ thống hang ngầm do các tay súng IS kiểm soát.
"Tất cả đều ủng hộ Taliban chống lại chúng tôi. Chẳng có gì khó hiểu khi họ chiến thắng", Khorasani nói.
Khi mà IS trỗi dậy và bị coi là kẻ thù chung của cộng đồng quốc tế, Taliban lại tìm cách đẩy mạnh ngoại giao với các nước, nhằm xóa sạch tai tiếng "khủng bố" đã đeo bám tổ chức này suốt nhiều năm.
Và Taliban đã nhận được sự công nhận quốc tế mà tổ chức này mong muốn khi Mỹ chấp nhận khởi động đàm phán hòa bình ở Doha, Qatar.
Năm 2020, hơn 5.000 tù nhân Taliban được trả tự do khỏi các nhà tù của chính phủ Afghanistan. Trong số này, nhiều người đã đi thẳng từ nhà tù ra chiến trường, củng cố sức mạnh của Taliban, các cựu quan chức Afghanistan cay đắng thừa nhận.
Theo thỏa thuận hòa bình đạt được năm 2020, Taliban cam kết không để các tổ chức khủng bố sử dụng lãnh thổ Afghanistan làm nơi tiến hành tấn công phương Tây.
Về phần Khorasani, tên này rời Nangarhar năm ngoái sau khi ISIS-K bị đánh bại tại đây. Khorasani bị quân đội Mỹ bắt giữ tại một ngôi nhà ngoại ô Kabul tháng 5/2020.
Một thẩm phán chính quyền cũ tại Afghanistan đã tuyên Khorasani án tử hình cùng 800 năm tù giam. Khi Taliban tràn vào thủ đô, cựu chỉ huy của ISIS-K bị xử bắn chỉ sau vài ngày.
Những bất ổn nào xảy đến khi Taliban hoàn toàn kiểm soát Afghanistan?
Việc Taliban kiểm soát Afghanistan có nguy cơ thổi bùng làn sóng bất ổn và sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố, Hồi giáo cực đoan, từ đó đe dọa hàng loạt quốc gia trong khu vực.
Nga - Trung bắt tay chống lại mối đe dọa từ Afghanistan
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết đẩy mạnh các nỗ lực chung nhằm ngăn chặn mối đe dọa khủng bố và buôn bán ma túy từ Afghanistan.
Phương Tây gấp rút đưa người rời Afghanistan, lo sợ đánh bom khủng bố
Chiến dịch di tản công dân ngoại quốc và người Afghanistan từ sân bay Kabul đang được tiến hành gấp rút, trong bối cảnh các nước lo ngại tấn công khủng bố có thể xảy ra.