Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mía 500 đồng/kg, dân miền Tây phá rào trồng lúa, nuôi tôm

Giá mía năm nay đang giảm tới đáy, chỉ còn 500 đồng/kg khiến người dân trồng trong vùng quy hoạch của tỉnh Cà Mau khóc ròng, lỗ trắng tay.

Theo các nông hộ trồng mía tập trung tại các xã Trí Lực, Trí Phải, Biển Bạch của huyện Thới Bình (Cà Mau), đầu vụ giá mía còn bán được giá 600 đồng/kg. Mía ở miền Tây đang vào vụ thu rộ thu, giá mía tiếp tục giảm thấp chỉ được giá 500 đồng/kg. So với thời điểm này năm trước, giá đã giảm thêm 200 - 250 đồng/kg.

Ông Trịnh Văn Chiều trồng mía đã hơn 20 năm tại ấp 8, xã Trí Lực cho biết khoảng 4 năm trước, giá mía từ 1.000 đến 1.200 đồng/kg. Khi đó, cây mía là nguồn sống của bà con. Nhưng 3 năm nay giá mía liên tục giảm, từ 800 đồng/kg xuống dần, giờ thì chạm đáy. "Mía ở giá này chỉ chết dân, chúng tôi cầm chắc thua lỗ", ông Chiều cho biết. 

Giá mía quá thấp, người trồng đang trải qua một mùa mía đắng. Ảnh: Ngọc Trinh.

Theo tính toán của ông Chiều, người trồng mía chuyên canh phải đầu tư 8 triệu đồng/công/năm. Trong đó, 1 tấn hom giá 1 triệu, công làm đất, đặt hom khoảng 1 triệu; công chăm sóc (làm cỏ, vun gốc, lột lá,…) hết 1,5 triệu; thuê nhân công thu hoạch mỗi tấn hết 170.000 đồng (năng suất mía nhà ông khoảng 13 tấn/công), tức là hết khoảng 2,3 triệu. Ngoài ra là chi phí phân thuốc một năm 2 triệu, tính thêm phát sinh thì 8 triệu đồng/công còn chưa đủ.

Gia đình ông Chiều có 18 ha đất trồng mía đang thu hoạch. Ông là một trong những hộ trồng mía với diện tích lớn và làm chuyên nghiệp bậc nhất tại xã Trí Lực. Tuy nhiên, theo tính toán của ông thì làm càng quy mô thì càng lỗ, do hầu như tất cả các khâu ông đều phải thuê người làm. nên sản lượng ông thu cao hơn mức trung bình vài tấn/ha, nhưng mỗi công ông vẫn lỗ gần 2 triệu đồng. Dù vậy, những hộ dân trồng mía bình thường, quy mô nhỏ hơn, tận dụng công nhà làm thì cũng chẳng thể thoát cảnh thua lỗ.

Một số bà con trồng mía ở xã Trí Phải cho biết, sản lượng mía năm nay thấp hơn mọi năm do mùa hạn kéo dài, trung bình chỉ khoảng 8 tấn/công. Giá mía ở mức khoảng 600 đồng/kg người dân mới hòa vốn. Còn với giá 500 đồng như hiện nay, sau hơn 10 tháng vất vả vun trồng làm ra sản phẩm, trước mắt người trồng không thấy lời mà thấy rõ lỗ.

Anh Trần Thanh Bằng, trồng mía tại xã Trí Lực than thở, bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào đây, cả một năm trời "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà mía rớt giá. Không những không được thu, người nông dân như anh Bằng còn lâm nợ. Nỗi lo lớn nhất của người nông dân này là năm sau không có vốn để tái đầu tư.

Người dân gấp rút thu hoạch mía để chuyển đổi làm lúa tôm.

Người dân gấp rút thu hoạch mía để chuyển đổi làm lúa tôm.  Ảnh: Ngọc Trinh.

Với mức giá 500 đồng/kg như hiện tại, người trồng mía năm nay lỗ khoảng trên dưới 1 triệu đồng/công. Nguyên nhân giá mía giảm, theo ý kiến của cơ quan chức năng, là lượng đường tồn đọng trong nước còn nhiều. Trong khi đó, các doang nghiệp chế biến còn phải chịu sức ép từ đường ngoại nhập vào nước ta, chính vì vậy giá mía mới thấp như hiện nay.

Tại Cà Mau, giá mía rớt xuống thấp hơn so với các địa phương khác còn bởi công ty mía đường ngừng thu mua. Điều này khiến cho giá mía lao dốc mạnh và không nhích lên được, ngay cả khi doanh nghiệp này hoạt động trở lại. 

Vừa thu hoạch mía xong, dân đã san đất cấy lúa để kịp mùa vụ.

Trước khó khăn trên, nhiều hộ dân đang ráo riết thu hoạch mía cho xong. Họ không quan tâm giá được bao nhiêu, mà chỉ muốn “tiễn” cây mía đi cho khuất mắt, sau đó “phá rào” chuyển đổi làm lúa, tôm.

Ông Trần Văn Nhiệm ngụ ấp 3, xã Trí Phải cho biết, người dân ở đây đã cố gắng giữ cây mía mấy năm nay, nhưng bám lấy  mía họ không sống nổi. "Dẫu biết chuyển đổi là không đúng chủ trương, tuy nhiên chúng tôi phải tự cứu mình. Tại sao quanh đây người ta làm tôm lúa năm thu cả trăm triệu/ha, còn chúng tôi cứ phải 'đeo nợ' với cây mía?", ông Nhiệm ngậm ngùi. 

Số liệu thống kê chưa đầy đủ của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, diện tích mía của huyện hiện đã giảm khoảng 300 ha, do người dân lén lút chuyển đổi qua làm các mô hình khác, chủ yếu là làm mô hình lúa tôm.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thới Bình cho biết, diện tích đất trồng mía của huyện năm nay gần 1.800 ha, tập trung ở các xã Trí Phải, Trí Lực, Biển Bạch và một phần nhỏ của các xã lân cận. Giá mía tại địa phương đang được thu mua quá thấp, chỉ 500 đồng/kg,  làm cho gần 1.700 hộ dân trồng mía trên địa bàn đứng trước hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Mía trắng đồng, dân trắng tay

Hàng trăm hộ nông dân trồng mía ở Hậu Giang đang méo mặt vì mía quá thời gian thu hoạch bị trổ cờ (ra bông) trắng đồng làm giảm năng suất, chất lượng.

Ngọc Trinh - Nam Hải

Bạn có thể quan tâm