Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mầm mống bất ổn gieo rắc hàng thập kỷ trước ở Sudan

Giao tranh đẫm máu ở Sudan hiện tại được cho là bắt nguồn từ cuộc tranh giành quyền lực diễn ra sau xung đột ở Darfur - khu vực phía Tây đất nước này - vào 20 năm trước.

Khói bốc lên từ các tòa nhà trong các cuộc đụng độ ở Khartoum. Ảnh: Reuters.

Thủ đô Khartoum của Sudan đã trở thành vùng chiến sự, với sự hiện diện của xe tăng, tên lửa và những cột khói bốc lên khắp thành phố. Trước đó, Khartoum hiếm khi là trung tâm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những xung đột như hiện tại.

Tốc độ của làn sóng bất ổn ở Sudan là dấu hiệu cho thấy vấn đề đã âm ỉ trong một thời gian dài, Guardian nhận định.

Bạo lực đã bùng phát sau khi quân đội Sudan do tướng Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu và Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF) - một nhóm bán quân sự dưới tay tướng Mohamed Hamdan Dagalo - không tìm được tiếng nói chung trong quá trình đàm phán tích hợp RSF vào quân đội.

Bi kịch

Cuộc xung đột này nổ ra đúng 4 năm sau cuộc chính biến lật đổ cựu Tổng thống Omar al-Bashir - người từng đứng đầu chính phủ Sudan trong 30 năm. Quyền lực từ sự kiện năm 2019 là khoảng trống mà lực lượng hai bên tham chiến hiện nay cố trám vào.

Guardian nhận định cuộc xung đột hiện tại đã bắt nguồn từ 20 năm trước ở Darfur - khu vực phía Tây bị gạt ra ngoài rìa của Sudan. Vào thời điểm đó, Darfur xảy ra cuộc nổi dậy chống chính phủ nhưng phe nổi dậy bị nhóm chiến binh Janjaweed trấn áp.

Ông Bashir, một quân nhân cũng lên nắm quyền thông qua chính biến do lực lượng Hồi giáo hậu thuẫn vào năm 1989, không muốn gửi quân của mình tham gia xung đột ở Darfur.

Thay vào đó, ông Bashir ủng hộ Janjaweed làm lực lượng ủy nhiệm (proxy) cho mình. Cuộc xung đột sau đó khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, nhiều phụ nữ bị hãm hiếp và hàng triệu người phải di tản.

xung dot Sudan anh 1

Tướng Mohamed Hamdan Dagalo - người đứng đầu Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF). Ảnh: Reuters.

Vụ việc đó khiến cộng đồng thế giới chú ý, dẫn đến nhiều lệnh trừng phạt được áp lên Sudan. Tòa án Hình sự Quốc tế cũng đã truy tố ông Bashir về tội diệt chủng. Tuy nhiên, Guardian nhận định không có gì thay đổi ở Sudan.

Nhóm Janjaweed sau đó chính thức hóa thành RSF và trở nên hùng mạnh hơn dưới thời tướng Mohamed Hamdan Dagalo. Tham vọng của ông Dagalo cũng ngày một lớn dần do cựu Tổng thống Bashir cho phép vị tướng tự do gây dựng ảnh hưởng và tài sản.

Tướng Hemedti cũng là người biết nắm lấy cơ hội. Giữa cuộc chính biến chống lại cựu Tổng thống Bashir năm 2019 ở Sudan, ông Hemedti dường như đã do dự trong việc sử dụng lực lượng của mình để đối phó các cuộc biểu tình.

Đến ngày 11/4/2019, khi nhận thấy cơ hội mới, ông Hemedti đứng về phe tướng Abdel Fattah al-Burhan - chỉ huy quân đội Sudan - nhằm phế truất ông Bashir và tham gia phong trào chuyển đổi sang nền dân chủ.

Hòa bình không dành riêng cho một nhóm người

Ngoài ra, Guardian nhận định có những nhân tố khác có liên quan đến số phận của Sudan. Cộng đồng quốc tế từng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhưng những biện pháp này chỉ có tác động lên người dân Sudan.

Dẫu vậy, toàn bộ trách nhiệm không phải là của các nhà lãnh đạo địa phương và các bên liên quan của cộng đồng quốc tế.

Ở Sudan và trong số những người đang bị kẹt giữa hai làn đạn, nhiều người từng có thái độ đồng thuận, thậm chí cho rằng những gì xảy ra bên ngoài Khartoum là không đáng bận tâm.

Cuộc chiến xé toạc Khartoum ở thời điểm hiện tại chỉ là những gì nhiều vùng khác của Sudan đã nếm trải trong nhiều năm, giữa lúc thủ đô được hưởng hòa bình và thời kỳ thịnh vượng. Điều đó đã tạo ra tâm lý oán trách, phá vỡ bản sắc dân tộc.

xung dot Sudan anh 2

Người dân đi lấy nước giữa lúc xung đột xảy ra ở Khartoum. Ảnh: Reuters.

Và vì vậy, khoảng thời gian ngắn ngủi sau năm 2019 với niềm hy vọng Sudan sẽ chuyển đổi sang chế độ dân sự đã sớm bị thực tế cản trở.

Những khẩu hiệu yêu cầu nền dân chủ, ngay cả khi chúng được hô vang trong giây lát trên khắp đất nước, đã sớm bị nhấn chìm bởi yêu cầu từ các phe phái, các nhóm nổi dậy và nhóm lợi ích của tầng lớp tinh hoa - những người có quan điểm khác nhau về Sudan.

Sau năm 2019, người dân Sudan đã quyết tâm sẽ không chấp nhận sự cai trị của quân đội nữa.

Quyết tâm đó đã phải trả giá bằng mạng sống của hàng trăm người chết dưới tay lực lượng an ninh trong 4 năm qua. Họ đã nỗ lực yêu cầu quân đội và tất cả lực lượng dân quân phải rời bỏ quyền lực.

Không những vậy, hàng trăm người đã thiệt mạng trong xung đột nổ ra hôm 15/4. Hiện tại, người dân Sudan đang đón kỳ nghỉ lễ Eid bằng việc trú ẩn khỏi bom đạn của hai bên không bao giờ đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.

Đó chắc chắn là một khoảnh khắc đen tối, nhưng có thể dấy lên một số hy vọng, nếu điều đó đồng nghĩa với việc người dân Sudan một lần và mãi mãi hiểu rằng hòa bình cho một số người sẽ không bao giờ tồn tại, trừ khi có hòa bình cho mọi người.

Vấn đề Trung Đông - châu Phi

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…

>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Khu giàu có Khartoum tàn lụi vì hai tướng quyết đấu 'một mất một còn'

Từng sống ở các con phố sầm uất và sang trọng tại thủ đô Sudan, người dân giờ đây đang chờ đợi bất kỳ cơ may nào để rời khỏi Khartoum nhằm tránh cuộc giao tranh đẫm máu.

Phương Tây chạy đua sơ tán, người Sudan giận dữ

Phương Tây đã tăng cường nỗ lực sơ tán các nhà ngoại giao và thân nhân khỏi Khartoum, khi các trận chiến tiếp tục nổ ra ở trung tâm thủ đô Sudan.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm