Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Làm thế nào khai thác 'mỏ vàng logistics' ở TP Thủ Đức?

"Cần đầu tư để hoàn chỉnh các trung tâm logistics, công nghệ phục vụ logistics, và đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực của doanh nghiệp logistics", ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.

Khi xây dựng quy hoạch TP Thủ Đức, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã từng đánh giá nơi đây có thế mạnh nổi trội và đặc biệt thuận lợi để phát triển ngành hậu cần logistics. Thành phố mới này nằm ở trung tâm vùng Đông Nam Bộ với hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận.

Chuyên gia trong lĩnh vực logistics cũng nhận định TP Thủ Đức - nơi sở hữu hệ thống cảng biển và cảng cạn lớn nhất cả nước - đang hoàn toàn đủ tiềm năng để trở thành một trung tâm logistics khu vực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tiềm năng của ngành này ở TP Thủ Đức chưa được đánh giá đúng mức, thậm chí bị bỏ sót. Cụ thể, đề án hình thành và phát triển Khu đô thị Sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM (TP Thủ Đức) chưa đề cập gì đến phát triển logistics tại TP Thủ Đức.

Zing trao đổi với ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, để làm rõ hơn tiềm năng, thách thức của ngành logistics ở TP Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung.

Tiềm năng chưa được phát huy triệt để

- TP Thủ Đức được đánh giá là có vị trí rất thuận lợi để phát triển logistics khi sở hữu cơ sở hạ tầng logistics và có mạng lưới giao thông kết nối cao với các vùng lân cận. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng logistics của thành phố mới này?

- Tất cả trung tâm logistics của thành phố cơ bản tiến hành ở khu TP Thủ Đức.

TP Thủ Đức có thể trở thành một hub quan trọng của miền Nam và khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, trong đề án phát triển ngành logistics TP.HCM đến năm 2030 vừa được UBND TP phê duyệt, 4/7 trung tâm logistics được đặt ở TP Thủ Đức. Đó là các trung tâm logistics ở Long Bình, cụm Cát Lái – Phú Hữu, Linh Trung và Khu công nghệ cao.

Theo hiện trạng, TP Thủ Đức có sẵn cảng và hệ thống logistics phục vụ công tác xuất nhập khẩu cho một trung tâm kinh tế lớn của TP.HCM. Ví dụ, 5 cảng cạn (ICD) với tổng diện tích 63 ha ở phường Trường Thọ là trung tâm kết nối hàng hóa với 2 cụm cảng Cát Lái (chuyên đi châu Á) và cụm Cái Mép – Thị Vải (chuyên đi Âu - Mỹ).

Khi thành lập TP Thủ Đức, khu vực này càng trở nên đặc biệt quan trọng với sự phát triển của ngành logistics ở TP.HCM vì lợi thế tự nhiên sẵn có và không gian về hoạt động logistics hiện hữu. Do đó, nó cần sự đầu tư để hoàn chỉnh các trung tâm logistics, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ logistics, và đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực vận hành của doanh nghiệp logistics.

logistics o TP Thu Duc anh 2

Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ. Ảnh: Quang Huy.

- Như vậy, phải chăng nên phát triển TP Thủ Đức thành một trung tâm logistics của khu vực và rộng hơn là toàn cầu?

- Việc quy hoạch TP Thủ Đức có các mục tiêu khác. TP Thủ Đức là khu đô thị tương tác cao, dựa trên nền tảng phát triển trung tâm học thuật, nghiên cứu khoa học và công nghệ cao. Cái đó rõ nét hơn. Còn logistics trong tương lai trở thành một trong những mảng quan trọng.

TP.HCM phải kết nối với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải của Bà Rịa - Vũng Tàu để phối hợp đón tàu lớn. Do đó, TP.HCM là trung tâm quan trọng. Còn nếu một mình TP.HCM phát triển mà không tính đến liên kết vùng thì rất khó.

Tuy nhiên, với tiềm năng và lợi thế của mình, gắn kết với vùng TP.HCM theo Quyết định 2076 năm 2017 của Thủ tướng (về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn 2050), TP Thủ Đức có thể trở thành một hub (điểm kết nối – PV) quan trọng của miền Nam và khu vực Đông Nam Á.

- Có ý kiến cho rằng tiềm năng logistics của TP Thủ Đức đang bị bỏ sót khi hội tụ đủ lợi thế để trở thành trung tâm logistics của khu vực, nhưng TP lại không có chiến lược phát triển theo hướng này. Ông đánh giá thế nào về quan điểm nêu trên?

- Nói một cách chính xác thì TP.HCM có lợi thế về hoạt động logistics từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được phát huy một cách triệt để. Chi phí logistics của Việt Nam so với các nước vẫn cao. Việt Nam chiếm khoảng 19-20% GDP, các nước châu Âu chỉ chiếm khoảng 7-8%.

Do đó, nếu nói tiềm năng chưa được phát huy hoặc là dịch vụ logistics của Việt Nam và TP.HCM chưa có tính cạnh tranh với khu vực là nhận định đúng.

Logistics là mạch máu của sản xuất và dịch vụ

- Theo ông, thách thức hiện tại của ngành logistics TP.HCM là gì?

Logistics là hoạt động có tính mạch máu phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa.

- Các hiện trạng hạ tầng logistics tại TP.HCM đều đang gặp vấn đề.

Tại cụm ICD Trường Thọ, cửa ngõ phía đông TP.HCM, với mức tăng trưởng sản lượng 36,7%/năm, kéo theo lượng ôtô lưu thông ra vào tăng cao (cao điểm trên 3.000 lượt/ngày) dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên trên các tuyến đường kết nối vào cảng (đường số 1, đường số 2) và cả xa lộ Hà Nội. Do ảnh hưởng tới môi trường và an sinh xã hội nên thành phố có chủ trương di dời cụm ICD Trường Thọ.

Về hệ thống cảng biển, cảng sông, cụm cảng khu vực TP.HCM gồm nhiều bến nhỏ lẻ, thiếu tập trung, liên kết, luồng vào và độ sâu bến thường hẹp, nông nên hạn chế tàu có trọng tải lớn vào hoạt động. Bên cạnh đó, các bến khu vực TP.HCM chỉ được đầu tư xây dựng thô sơ, luồng hàng chỉ mới tập trung phục vụ cho các doanh nghiệp xung quanh, chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại và thiếu sự kết nối nên thường ùn tắc.

Một trong những nhược điểm của các ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là giao thông ra vào hạn chế, đặc biệt là cho phương tiện vận chuyển hàng hóa lớn vào giờ cao điểm.

Các ga này cũng chưa được phát triển theo mô hình dịch vụ nhà ga hàng hóa hàng không kéo dài - giống như mô hình nhà ga hàng hóa ALS tại Nội Bài để hàng hóa được soi chiếu, chấp nhận, chất xếp, hoàn thành thủ tục hải quan và an ninh 1 lần trước khi chuyển lên Cảng hàng không (CHK) và ngược lại. Từ đó rút ngắn thời gian cho hàng hóa hàng không và tăng công suất của cảng hàng không.

logistics o TP Thu Duc anh 3

Các cảng ở TP.HCM đang quá tải, thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Lê Quân.

Về hệ thống kho bãi, tổng số lượng kho hàng trên địa bàn TP.HCM rải rác khắp quận, huyện là 1.505 kho (năm 2019). Các kho hàng này chủ yếu phát triển theo tính tự phát, quy mô lớn nhỏ khác nhau tùy vào nhu cầu của các chủ hàng, khai thác chưa hiệu quả, tổ chức vận hành kho cũng không chuyên nghiệp.

Các hệ thống kho hàng không có quy hoạch cụ thể, phát triển tự phát, nằm rải rác, nhưng có xu hướng tập trung thành cụm ở một số khu vực nhất định gần trung tâm thành phố và được hỗ trợ bởi hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu.

Do đó, Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xây dựng chính là để giải quyết những thách thức này.

- Theo ông, nếu các thách thức này được giải quyết và ngành logistics phát triển hơn nữa thì sẽ có tác động tích cực như thế nào đến kinh tế của TP Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung?

- Logistics là một trong những hoạt động có tính mạch máu, tối ưu hóa quá trình phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa cũng như cung ứng dịch vụ. Nó phục vụ cho phát triển các loại hình thương mại điện tử.

Do vậy, logistics không chỉ riêng ở TP Thủ Đức mà ở các khu vực khác đều có vai trò rất quan trọng để tối ưu hóa hoạt động, làm cho chi phí trong sử dụng dịch vụ giảm xuống và gia tăng dịch vụ khác để phát triển kinh tế của TP.


Bài liên quan

Kẹt xe hơn 5 giờ ở hai đầu phà Cát Lái

Kẹt xe hơn 5 giờ ở hai đầu phà Cát Lái

Hai đầu vào bến phà Cát Lái (TP Thủ Đức, TP.HCM) kẹt xe từ 15h đến hơn 20h. Bến phà này duy trì tần suất 10 phút/chuyến nhưng không thể đáp ứng đủ nhu cầu di chuyển của người dân.

Thu Hằng