Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ký ức của đại tướng Phạm Văn Trà về Tư lệnh Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên

"Trường Sơn rộng lớn, hiểm trở có hơn 12 vạn quân gồm đủ thành phần mà anh chỉ huy được, thì đúng là rất tài tình", nguyên Bộ trưởng Quốc phòng nói về trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Trò chuyện với Zing.vn, đại tướng Phạm Văn Trà (nguyên Bộ trưởng Quốc phòng) nhiều lần nhắc đến những phẩm chất hiếm có ở một vị tướng làm nên huyền tích ở chiến trường độc nhất vô nhị trên thế giới.

Dưới đây những hồi ức của ông về về trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị Tư lệnh huyền thoại của Bộ đội Trường Sơn.

Gánh trọng trách vào thời kỳ ác liệt nhất của chiến tranh

Tôi gặp anh Đồng Sỹ Nguyên chỉ trước khi anh trút hơi thở cuối cùng khoảng một tiếng, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Nói đến con đường Trường Sơn, trước hết phải nhắc đến Tư lệnh đầu tiên của Đoàn 559 là thiếu tướng Võ Bẩm, người được giao nhiệm vụ mở cả hai đường Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn lúc đó. Nhưng khi ấy chúng ta mới mở được đường bộ, phương thức vận chuyển chủ yếu chỉ là gùi, thồ.

tuong Dong Sy Nguyen qua doi anh 1tuong Dong Sy Nguyen qua doi anh 2
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm cán bộ, chiến sĩ trong một chiến dịch vận chuyển, mùa khô năm 1970-1971 và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên hướng dẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm một đơn vị nữ công binh Trường Sơn tại trọng điểm ATP. Ảnh tư liệu.

Quãng thời gian hành quân ở đường Trường Sơn thời điểm đó rất cực khổ, và đặc biệt, đói vô cùng. Mỗi người hành quân đều mang theo những thứ mình có trong balo, chủ yếu là những loại rau rừng như măng, rau tàu bay, mùi tàu… Khi đến nơi, trước khi được ăn một bát cơm, mỗi người phải ăn một bát rau hoặc măng cho đầy bụng đã.

Đến giai đoạn sau, khi anh Đồng Sỹ Nguyên vào tiếp quản thì tuyến đường Trường Sơn mới tiếp tục được mở rộng, có đường cho xe cơ giới chạy chứ không chỉ còn là con đường bộ độc đạo.

Cần phải nhấn mạnh, anh Đồng Sỹ Nguyên được điều động về làm Tư lệnh Đoàn 559 đúng vào thời điểm cuộc chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn cực kỳ ác liệt.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn với Trường Sơn từ vào thời điểm ác liệt, khó khăn nhất, phải gánh vác trọng trách nặng nề nhất

Khi đó, phát hiện có tuyến đường Trường Sơn, Mỹ đã huy động rất nhiều vũ khí và bom đạn tìm mọi cách đánh phá, nhằm mục tiêu chặn đường tiếp tế để không cho bộ đội miền Bắc tiếp tế vào miền Nam. Cái đích sâu xa mà quân Mỹ nhắm tới là muốn tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta ở miền Nam.

Dù Mỹ đánh vô cùng ác liệt nhưng với sự chỉ đạo tài tình của anh, đường Trường Sơn của ta không bị đứt đoạn, tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam vẫn thông suốt, đảm bảo đủ gạo, lương thực và vũ khí phục vụ nhiệm vụ chiến đấu.

Vị tướng tài ba nơi tuyến đầu bom đạn

Ở con người của vị Tư lệnh Trường Sơn hội tụ đầy đủ phẩm chất, bản lĩnh một vị tướng ở thao trường, nơi tuyến đầu bom đạn.

Trước hết, là tính kiên định. Chiến tranh dù kéo dài, dù ác liệt và hiểm nguy, nhưng anh Đồng Sỹ Nguyên hay các chiến sĩ không bao giờ bỏ cuộc.

Anh là con người tài ba, có nhiều mưu lược, chiến thuật tài tình. Anh biết bố trí, sử dụng người cho phù hợp với từng cung đường, từng binh trạm. Ở những cung đường ác liệt thì dùng bộ đội, vùng ít ác liệt hơn thì dùng thanh niên xung phong.

tuong Dong Sy Nguyen qua doi anh 3
Từ tuyến đường bộ độc đạo chỉ có thể gùi, thồ đơn sơ, đường Trường Sơn thời kỳ Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã trở thành một "trận đồ bát quái" khiến đối phương khiếp sợ. Ảnh tư liệu.

Cùng với nhiệm vụ vận tải, làm đường, anh chỉ huy bố trí nhiều lực lượng bảo vệ như phòng không để máy bay địch không thể bay thấp bắn phá, ném bom. Nhờ vậy mà xe ta vẫn lưu thông thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho chiến trường miền Nam trong khi địch ra sức đánh phá

Thời điểm cao nhất, Trường Sơn rộng lớn, hiểm trở có đến hơn 12 vạn quân, lại gồm đủ các thành phần từ bộ đội, dân công, thanh niên xung phong… mà anh chỉ huy được thì đúng là rất tài tình.

Bên cạnh những phẩm chất ấy còn là một con người kế hoạch, có chiến thuật. Anh chỉ đạo quân đội Trường Sơn vừa đánh, vừa bảo vệ con đường xuyên suốt để tiếp tế cho miền Nam.

Con người anh có phần nóng tính nhưng rất kiên quyết. Anh đã quyết là phải làm, dù có khó khăn gì cũng phải làm cho bằng được, vì thế mà cấp dưới khi làm việc với ông không thể “lơ mơ”.

'Không có dân thì không có anh hùng'

Khi vị Tư lệnh đoàn 559 được “đặc cách” phong hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng vì những đóng góp to lớn, tôi đang ở chiến trường Campuchia và không biết tình hình ngoài này. Nhưng khi biết tin, tôi thực sự khâm phục.

Ngoài tướng Lê Đức Anh, tướng Đồng Sỹ Nguyên là người thứ 2 có được đặc cách ấy. Từ đó về sau, lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào khác tương tự.

Giai đoạn về sau, anh chuyển sang ngạch dân sự. Nếu không, anh còn có thể được phong hàm cao hơn với những đóng góp của mình.

Anh dặn tôi, dù mình có là anh hùng đấy, nhưng không có dân thì không là anh hùng được

Lý do của việc “chuyển ngạch” này, có lẽ vào thời điểm đó, hậu quả của chiến tranh, bom mìn phá hoại khiến hệ thống đường xá của ta rất khó khăn. Và dấu ấn của tướng Đồng Sỹ Nguyên khi chỉ huy làm con đường Trường Sơn huyền thoại là cơ sở quan trọng để cấp trên lựa chọn điều động ông về Trung ương, giữ cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Giao thông Vận tải.

Điều cốt yếu khi lựa chọn nhân sự thời điểm đó, là phải chọn người có năng lực chỉ huy, có năng lực và trí tuệ.

Khi tôi giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã về hưu. Trong những lần gặp gỡ, anh đều dặn tôi phải cố gắng rèn luyện quân đội làm sao giữ được phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, luôn luôn gắn bó với dân, lấy dân làm gốc. Không có dân thì không có gì cả, không có dân cũng không làm được gì, chỉ có dân mới có thể trường kỳ kháng chiến.

tuong Dong Sy Nguyen qua doi anh 4
Đại tướng Phạm Văn Trà. Ảnh: Tuoitrethudo.

Anh còn dặn tôi, dù mình có là anh hùng đấy, nhưng không có dân thì không là anh hùng được. Mình là anh hùng cũng chỉ có đóng góp nhỏ thôi, nên đừng lấy cái đó mà kiêu căng.

Cho đến khi về hưu, rời xa thế sự, anh vẫn luôn tâm huyết đóng góp các ý kiến cho Đảng, Nhà nước, về cả lĩnh vực liên quan đến giao thông hay những vấn đề tiêu cực, bất cập trong cuộc sống.

Để đánh giá hết về một con người như anh thì thật khó. Nhưng nhắc đến Trường Sơn là ai ai cũng nghĩ ngay đến vị Tư lệnh huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên. Người chỉ huy tuyến đường Trường Sơn vào thời điểm bị địch tấn công ác liệt nhất vẫn có thể giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo tiếp tế cho chiến trường, góp phần quan trọng cho việc thống nhất đất nước - đó là công lao vĩ đại.

"Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm"

Trong thời gian trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh Đoàn 559, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn từ một con đường mòn nhỏ, trở thành một tuyến giao thông vận tải lớn. Cả hệ thống đường được mệnh danh là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm" và là một trong những mấu chốt thành bại trong chiến tranh.

Tầm quan trọng của con đường thể hiện rõ nhất với quân số lúc cao điểm hơn 12 vạn binh sĩ, trong đó có hơn 1 vạn là lực lượng thanh niên xung phong, phiên chế thành 8 sư đoàn và một sư đoàn cao xạ tên lửa phối thuộc.

Hệ thống đường chiến lược này khi ông vào tiếp nhận có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe, chia thành 4 binh trạm. Đến năm 1975 đã phát triển thành 2 sư đoàn vận tải với 10.000 xe.

Đường Trường Sơn không còn là những con đường đơn lẻ, mà phát triển thành một hệ thống đường vận tải phức tạp với hơn 16.700 km đường bộ, trong đó có hơn 800 km đường kín, 1.500 km đường rải đá, 200 km đường nhựa. Bên cạnh đó còn có 1.500 km đường ống dẫn xăng dầu, 1.350 km đường dây cáp thông tin, 3.800 km đường giao liên, 500 km đường sông...

Từ khai quốc công thần đến cuộc đấu trí trên tuyến đường huyền thoại

Tướng Đồng Sỹ Nguyên thuộc thế hệ lão thành gắn bó với cách mạng từ khi thành lập nước. Ông hết lòng cống hiến cho Tổ quốc trong cả thời chiến lẫn khi hòa bình.





Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm