Giữa năm 2019, Khải Nguyễn từng chia sẻ với Zing về chuyến chinh phục Everest. Năm ấy, kỹ sư gốc TP.HCM đã có cơ hội lên đến đỉnh ngay trong lần đầu tiên. Tuy nhiên, anh chọn từ bỏ để trao cơ hội sống cho người bạn đồng hành.
"Khi tôi kể lại câu chuyện, một số người nói tôi là anh hùng. Tôi từ chối điều đó. Núi vẫn còn và tôi sẽ quay lại", Khải Nguyễn đã nói như vậy. 2 năm sau, anh đã giữ lời hứa và trở lại Everest lần nữa. Lần này, không gì có thể cản bước người đàn ông Việt đặt chân lên "nóc nhà của thế giới".
Trở lại Everest
Những kinh nghiệm từ lần đầu đã cho anh nhiều bài học đáng giá. Để chuẩn bị sức khỏe tốt nhất, kỹ sư Việt này liên tục thực hiện những chuyến hiking đường dài. Có ngày, anh đi liền 7-8 giờ không ngừng nghỉ.
Theo anh Khải, sức bền là điều quan trọng của môn leo núi. Người leo phải chuẩn bị tinh thần leo liên tục, có khi hơn 3 giờ. Đôi khi, họ chỉ kịp lấy nước uống, bỏ miếng chocolate vào miệng rồi đi tiếp luôn chứ không có thời gian nghỉ dài.
Trong cả 2 lần leo, anh Khải đều chọn công ty Pioneer Adventure ở Nepal. Về cơ bản, mọi thủ tục, giấy tờ đều được công ty tổ chức lo. Tuy nhiên, người leo Everest cần có kinh nghiệm chinh phục một núi cao trên 6.000 m và trên 16 tuổi. Các công ty tổ chức cũng có thể yêu cầu thêm giấy chứng nhận của bác sĩ về tình trạng sức khoẻ của người leo.
Ngày 9/4, Khải Nguyễn bay đến Lukla (2.860 m) để trek tới Everest Base Camp. Sân bay Lukla là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới. Tuy nhiên, bất kỳ ai muốn đi tới Everest Base Camp đều phải bay (hoặc đi xe và trek thêm 2 ngày) tới nơi này.
Từ Lukla, đoàn của anh trek qua nhiều điểm trước khi tới Pangboche (3.985 m) để ghé thăm tu viện ở đây. Tu viện này nổi tiếng với giới leo núi. Những người leo núi như Khải Nguyễn tới đây để được nhà sư làm phép, chúc lành cho chuyến hành trình sinh tử trước mắt.
Sau nhiều ngày, Everest Base Camp (5.364 m) hiện ra trước mắt nhà leo núi. Tại đây, kỹ sư người Việt này gặp sherpa Chhiring Namgel. Dù chỉ là lần đầu tiên, sau vài cuộc nói chuyện, họ đã thân với nhau như anh em trong nhà. Khải Nguyễn chia sẻ mình thực sự ngưỡng mộ sherpa này khi đã chinh phục thành công Everest 7 lần dù còn rất trẻ.
Dù vậy, hai người sớm phải chia tay nhau khi ở base camp có nhiều ca mắc Covid-19 và Chhiring Namgel cũng nằm trong số này. Họ tạm biệt nhau và hẹn sẽ gặp lại ở chặng lên đỉnh.
"Được đồng hành cùng sherpa mình tin tưởng trong chuyến hành trình kiểu này rất quan trọng. Một số sherpa khỏe nhưng mình không tin tưởng được, đặc biệt lúc gặp nạn.
Tôi có nghe nói việc sherpa bỏ người leo núi giữa chừng hoặc không giúp đỡ khi gặp vấn đề. Rất may, tôi chưa gặp trường hợp đó. Bạn biết đấy, khi chỉ có hai người cùng nhau đi trên hành trình nguy hiểm trên núi, phải tin tưởng mới sống sót được", anh tâm sự.
Hành trình sinh tử
Từ Everest Base Camp, đoàn của Khải Nguyễn bắt đầu thực hiện những chuyến leo xoay vòng. Với người leo núi cao, dù có kinh nghiệm hay không, leo xoay vòng cũng là điều bắt buộc. Số lần leo xoay vòng phụ thuộc vào chiều cao của núi và người leo đã ở đâu trước khi chinh phục.
Việc leo xoay vòng giúp cơ thể người leo núi thích nghi với độ cao. Do đó, nếu bạn đã leo núi hơn 8.000 m trong vòng 2 tháng trước khi leo Everest, số lần xoay vòng có thể giảm đi. Nếu gần hơn, có thể bỏ qua việc leo xoay vòng.
"Dân leo núi có câu leo cao ngủ thấp, tức là ban ngày sẽ leo cao hơn chỗ mình ngủ. Khoảng 500 m là tốt. Như thế, bạn sẽ quen dần với độ cao", anh kể.
Chuyến này, Khải Nguyễn phải trải qua 3 lần leo xoay vòng. Lần đầu là leo thác băng Khumbu tới Popcorn Field (tạm dịch: Sân bỏng ngô). Nó có tên "bỏng ngô" vì điểm này nhiều tảng băng chồng lên nhau. Các tảng băng di chuyển thường xuyên. Đây cũng là nơi thường xảy ra những trận lở tuyết. Khi leo thác băng Khumbu ngang qua đoạn này, người ta thường tránh dừng để giảm rủi ro.
"Cả hành trình chinh phục Everest, tôi thấy đoạn lên thác băng Khumbu khó nhằn nhất. So với hồi năm 2019, lần này nguy hiểm vì ít thang hơn. Thác băng cũng thay đổi nhanh, khác hơn năm 2019. Có một số đoạn gặp tuyết lở hay bị sụp, các 'bác sĩ thác băng' phải tìm đường an toàn hơn để người leo đi qua", anh nói.
Lần xoay vòng thứ 2 là lên trạm 1 (6.065 m) rồi quay về. Lần 3, đoàn leo trạm 1 rồi nghỉ đêm, sáng hôm sau lên tiếp trạm 2 (6.400 m). Sau đó, họ leo lên trạm 3 (7.300 m) và quay về ngủ đêm tại trạm 2.
Kết thúc những lần leo xoay vòng, đoàn ấn định thời gian chinh phục đỉnh. Mọi người cần tự chuẩn bị đồ ăn cho trạm 3 và trạm 4 (7.950 m). Ở trạm 2 đã có bếp của công ty tổ chức nên không cần mang đồ ăn. Ngoài đồ ăn, những người leo núi cũng phải chuẩn bị và học cách sử dụng mặt nạ, thay bình oxy.
Từ trạm căn cứ, Khải Nguyễn xuất phát lúc 3h. Người leo Everest thường đi sớm (có khi từ 1h) để canh thời điểm thác băng Khumbu vẫn còn đông cứng, tránh tuyết lở, băng rơi. Vượt thác băng, anh đến được trạm 1. Anh nghỉ tầm 20 phút rồi đi tiếp lên trạm 2.
"Chỉ rời trạm 1 một lúc, một vụ lở tuyết xảy ra ngay gần chỗ tôi đang đi. Tôi chỉ nghe thấy tiếng động bất ngờ, tuyết bay rào rào. Thật may, tôi không bị vùi trong vụ lở tuyết này", anh kể lại.
Chhiring Namgel (lúc này đang đồng hành cùng Khải Nguyễn và dẫn đoàn lên trạm 1) thấy có đám đông trước mặt. Sherpa này đi thật nhanh lên xem có chuyện gì vừa xảy ra. Khải Nguyễn bắt kịp ngay sau đó. Tới nơi, anh thấy vài người đang mang thi thể một sherpa vừa chết cách đó không lâu lên.
Nguyên nhân tử vong là người này đã rơi xuống khe nứt lúc đi vệ sinh. Người này đã đi ra khỏi đoạn đường đã định sẵn, không có dây cố định. Có lẽ do không chú ý, sherpa này đã rơi xuống và bỏ mạng.
Theo anh Khải, từ trạm 1 đến trạm 2 có rất nhiều đoạn không có dây cố định. Tuy nhiên, sherpa luôn nhắc nhở người leo núi suốt hành trình này và yêu cầu họ không rời khỏi đường đã định trước. Tới trạm 2, kỹ sư người Việt Nam vui mừng vì không mất cảm giác khi ăn.
"Ăn uống được và có cảm giác đói là tín hiệu vui khi ở trên độ cao 6.400 m như trạm 2", anh cho biết.
Sau 2 ngày ở trạm 2, đoàn của Khải Nguyễn vẫn chưa thể tiếp tục lên trạm 3 do thời tiết không thuận lợi. So với việc bị kẹt vì thời tiết nhiều ngày ở độ cao như trạm 3, dừng chân tại trạm 2 sẽ tốt hơn. Trạm 3 và 4 rất cao nên cần nhiều oxy.
Đến sáng 21/5, đoàn bắt đầu khởi hành lên trạm 3.
Lên đến trạm 3, áp lực độ cao ngày một rõ. Đêm đó, Khải Nguyễn bắt đầu phải dùng tới oxy. Anh không ngủ nổi vì lều quá chật, phải co chân cả đêm. Lều dành cho 2 người nhưng sơ suất của công ty khiến anh phải ngủ với 3 người.
Sáng hôm sau, anh cùng đoàn lên đường tới trạm 4 (7.950 m). Trước mắt Khải Nguyễn là hàng dài người đang nhích từng bước đi. Mỗi bước chân cũng tốn của anh một đến 2 phút. Tình trạng tắc đường lên đỉnh Everest không phải chuyện hiếm. Tuy nhiên, hồi năm 2019, Khải Nguyễn không gặp tình trạng này tại trạm 3. Ai cũng đi thật chậm, không cố lên trước để tránh nguy hiểm.
Trạm 4 nằm ở đèo Nam. Nơi đây thường có gió lớn. Ban đầu, đoàn định xuất hành ngay tối đó (22/5) nhưng sherpa nói gió quá mạnh, cỡ 75 km/h. Trong tình huống này, kể cả sherpa có kinh nghiệm lâu năm cũng không dám đưa ra quyết định đi tiếp.
"Chờ hôm sau sẽ là lựa chọn tốt hơn. Gió quá lớn sẽ rất lạnh và nguy hiểm. Khi leo một số núi khác, tôi từng phải quay đầu vì gió quá lớn, đẩy tung cả người. Tuy nhiên, trong đêm đó, đã có một số người vẫn leo tiếp. Nếu có chuyện gì, họ chắc lại điện đàm về nhờ cứu hộ", anh nhớ lại.
Dù vậy, hóa ra, những người này đã lên đỉnh thành công. Gió ở trạm 4 to nhưng càng lên cao lại bớt đi. Vì thế, họ đã lên đỉnh an toàn. Sáng 23/5, gió ở trạm 4 vẫn không giảm bớt chút nào. Tuy nhiên, sau khi nghe tin những người khác đã lên đỉnh thành công, Khải Nguyễn lại càng bứt rứt. Anh sợ dự báo thời tiết sai và mình sẽ mất cơ hội lên đỉnh như những người kia.
Sau nhiều lần trao đổi, ban tổ chức quyết định để Khải Nguyễn và sherpa xuất phát ngay trong trưa 23/5. Khoảng 12h20, Khải Nguyễn rời trạm 4, tiến gần hơn tới đỉnh Everest. Ở chặng này, chỉ có anh, một người bạn chung lều và 2 sherpa riêng do những người chinh phục đỉnh khác đã hoặc đang trở xuống.
Đoạn thử thách nhất từ trạm 4 lên đỉnh là sống núi Southeast Ridge. Trong quá khứ, nhiều nhà leo núi đã bỏ mạng ở đây vì gặp tình trạng tắc đường. Họ phải xếp hàng dài cả tiếng đồng hồ trong điều kiện thời tiết cực đoan còn oxy dự trữ cạn đi từng giây. Tuy nhiên, lần này, đoạn đường leo núi vắng vẻ nên Khải Nguyễn không gặp quá nhiều khó khăn.
Anh cùng sherpa băng qua Hillary Steps (tạm dịch: Bậc thang Hillary). Đây là thử thách cuối cùng của nhà leo núi trước khi đặt chân lên đỉnh Everest.
"Từ xa, tôi đã thấy đỉnh nhưng phải kìm bước chân lại để không đi nhanh hơn. Háo hức quá mà đi nhanh sẽ mất sức. Lần này, sức khỏe của tôi ổn nên có thể quan sát rõ khung cảnh xung quanh. Mặt trời khi đó đã lặn. Trời nhá nhem tối nhưng vẫn để lại chút ánh sáng cho tôi ngắm nhìn bức tranh huyền diệu màu hồng sẫm", Khải Nguyễn nhớ lại.
Nhà leo núi Việt đứng trên "nóc nhà thế giới" khoảng 15 phút rồi quay trở về trạm 4. Kết thúc cuộc hành trình, anh đã hoàn thành nốt lời hứa 2 năm trước và cũng "bỏ túi" đủ 7 chứng chỉ chinh phục 7 đỉnh núi cao nhất mỗi châu lục.
Không lên đỉnh chưa phải thất bại
Năm 2019, Khải Nguyễn phải quay lại khi ở độ cao 8.100 m do điều kiện sức khỏe không cho phép. Anh quay về trạm 4 để hồi sức. Tuy nhiên, khi sức khỏe đã hồi phục để có thể đi tiếp, nhà leo núi này đã chọn từ bỏ để trao cơ hội sống cho đồng đội.
Lúc ở trạm 4, anh nghe tin một đồng đội tên Donald Cash đã chết trên đường trở về trạm 4 sau khi chinh phục đỉnh thành công. Mọi thứ tồi tệ hơn khi Hitendra vẫn kẹt trên núi sau 20 giờ từ lúc xuất phúc lên đỉnh.
Em trai Hitendra là Mahendra đã được đưa xuống trạm 4 trong tình trạng sức khỏe yếu. Anh bị mù nhưng không ai biết nguyên nhân tại sao (có thể do thiếu oxy). Tin tức về Hitendra cũng không có gì mới. Ngay cả Mahendra cũng không biết anh mình đang ở đâu đâu. Sherpa Nawang thì nói Hitendra và sherpa của anh ấy bị kẹt và có thể sẽ không trở về được nữa.
"Lẽ ra chúng tôi không nên đến đây", Mahendra khóc khi đang nằm trong lều.
Khoảnh khắc ấy, kỹ sư Việt Nam biết mình phải lựa chọn: bỏ mặc Hitendra hoặc tiếp tục lên đỉnh. Câu chuyện sau đó đã được kể lại nhiều trong giới leo núi Việt Nam còn Khải Nguyễn trở thành người hùng vì quyết định của mình.
"Suốt 2 năm qua, chưa bao giờ tôi nghĩ mình nên ích kỷ hơn trong tình huống đó. Mọi chuyện có thể đã khác nếu bối cảnh là lúc tôi đang lên đỉnh. Khi leo, bạn khó dám nhường oxy hay sherpa cho người khác bởi tính mạng của mình còn chẳng chắc chắn.
Tôi có một người bạn cũng leo Everest năm 2019. Cô ấy gặp một phụ nữ mệt lả trên đường nhưng chỉ hỏi thăm. Sau đó, người phụ nữ này đã chết. Bạn tôi cũng nói không chắc mình sẽ làm gì khác nếu được quay về thời khắc ấy", anh chia sẻ.
Khải Nguyễn đồng ý để sherpa Nawang đi tìm Hitendra. Điều này đồng nghĩa với việc nhà leo núi Việt chấp nhận mất cơ hội lên đỉnh Everest. Nguyên nhân là thời tiết những ngày sau đó rất xấu, không thể tiếp tục leo.
Mặt khác, việc để Nawang cứu người còn mình ở lại trạm 4, Khải Nguyễn đã tốn đi lượng oxy đáng kể (đoạn từ trạm 4 lên đỉnh cần nhiều oxy). Việc ở lại trạm 4 lâu cũng cực kỳ nguy hiểm. Không nhiều người ở lại trạm 4 tới 2 ngày như Khải Nguyễn.
Khải Nguyễn cũng khẳng định mình không thất bại trong lần đầu chinh phục Everest. Đó đơn giản là vì anh chọn cứu người. Điều kiện sức khỏe của Khải Nguyễn thời điểm ấy hoàn toàn đủ để tiếp tục chinh phục Everest.
Hãng hàng không đầu tiên trang bị màn hình 4K cho hành khách
Từ máy bay cánh quạt trong những ngày đầu, hãng hàng không Cathay Pacific đã nâng cấp các trang thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới sau 75 năm.
Lác đác người đi mua cà phê khi Hà Nội nới lỏng giãn cách
Các cửa hàng cà phê tại một số quận thuộc Hà Nội đã được mở trở lại. Tuy nhiên, lượng khách còn khá ít so với ngày thường.
Copenhagen là thành phố an toàn nhất thế giới năm 2021
Theo chỉ số các thành phố an toàn (Safe Cities Index - SCI) của Economist Intelligence, thủ đô Copenhagen của Đan Mạch được xếp hạng cao nhất năm 2021.