Tọa đàm "Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 27/9 đã ghi nhận sự góp mặt của nhiều lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài.
Tại tọa đàm, các khách mời đã cùng bàn luận và chia sẻ về môi trường đầu tư ổn định, an toàn và hấp dẫn với nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội của Việt Nam trong dịch Covid-19.
Thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp
Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Kế hoạch và đầu tư (KHĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định thông điệp và chủ trương nhất quán của Chính phủ luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt, luôn nỗ lực hành động vì một mục tiêu cao nhất là phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hài hòa, hợp lý để đạt mục tiêu kép.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao về sự đồng lòng của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh. "Chúng tôi cũng thấy rằng cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI, đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay chia sẻ có trách nhiệm với Chính phủ, chính quyền địa phương, hỗ trợ người dân, cộng đồng trong cuộc chiến với Covid-19 bằng nhiều hình thức", Thứ trưởng Ngọc nói.
Lãnh đạo Bộ KHĐT cũng khẳng định những khó khăn hiện tại chỉ là nhất thời, con số thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm đã thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và khẳng định tính hiệu quả trong giải pháp đồng hành, hỗ trợ mà Chính phủ triển khai.
Tại tọa đàm, lãnh đạo UBND các địa phương như Đồng Nai, Bắc Ninh cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm đồng hành cùng các doanh nghiệp FDI vượt qua khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh. Các địa phương này đều khẳng định việc thường xuyên đối thoại, nắm được khúc mắc của doanh nghiệp và chủ động giải pháp tháo gỡ là chìa khóa tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Khối FDI đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam
Về phía các doanh nghiệp, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam - ông Binu Jacob - chia sẻ doanh nghiệp tin tưởng rằng Việt Nam đã chứng tỏ sức hút mạnh mẽ với vai trò là điểm đến đầu tư trong tầm nhìn dài hạn và bền vững thông qua nhiều yếu tố.
Thứ nhất, ông Jacob đánh giá cao nền chính trị ổn định và linh hoạt, cho rằng đây là yếu tố hàng đầu thu hút một nhà đầu tư FDI. Không chỉ như vậy, Chính phủ Việt Nam cũng chứng tỏ sự quyết đoán trong điều hành và không ngần ngại đưa ra quyết định can đảm và mạnh mẽ trong nhiều hoàn cảnh.
Thứ hai, vị này nhận định Việt Nam nằm ở một vị trí trung tâm trong khu vực Đông Nam Á với một đường bờ biển dài. Việt Nam sở hữu lợi thế rất lớn với các tuyến thương mại quan trọng trên thế giới.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Nestlé Việt Nam còn nhấn mạnh Việt Nam với quy mô dân số xấp xỉ 100 triệu người nằm trong nhóm 15 quốc gia đông dân nhất trên thế giới hiện có “cấu trúc dân số vàng”, có nghĩa là cứ hai người lao động sẽ chăm lo cho chỉ một người phụ thuộc. Với ưu điểm này, ông cho rằng Việt Nam có một cơ hội phát triển kinh tế xã hội không phải ai cũng có và cần phải khai thác tốt.
Cuối cùng, ông Jacob đánh giá cao việc tích cực hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu của Việt Nam. "Chỉ trong vài năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đạt được nhiều thành công trên mặt trận hội nhập kinh tế quốc tế với việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ký hiệp định EVFTA...", vị này chia sẻ.
Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam - cũng đánh giá không chỉ đối với Samsung mà đối với tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang cung cấp một môi trường đầu tư hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư.
Vị này cho rằng gần đây có nhiều ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do đại dịch Covid-19, tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
"Đặc biệt, Nghị quyết số 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 gần đây Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một tin vui đối với các nhà đầu tư nước ngoài", ông Choi nhận định
Cũng theo ông, nếu Việt Nam đồng thời vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả vừa tăng cường các điều kiện thuận lợi để lưu thông, sản xuất, duy trì mạng cung ứng ổn định thì dự kiến đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo thống kê chia sẻ tại tọa đàm về tình hình sản xuất của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm, cả nước có 34.141 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 403,19 tỷ USD. Vốn thực hiện ước đạt 245,14 tỷ USD, bằng 60,8% tổng vốn đầu tư.
Thủ tướng: Việt Nam không phụ lòng tin của các doanh nghiệp FDI
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đẩy lùi dịch bệnh ở Bắc Ninh, Bắc Giang cho thấy các doanh nghiệp FDI có thể tin tưởng vào công tác chống dịch của Việt Nam.
Vốn FDI tăng trở lại sau 8 tháng
Đến hết ngày 20/8, vốn FDI tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2020 sau khi giảm nhẹ trong 7 tháng đầu năm.
Người Việt Nam mua gần 14 tỷ USD hàng hóa qua Shopee, Lazada, TikTok
Năm 2024, người dùng Việt Nam đã chi 13,82 tỷ USD để mua 3,2 tỷ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki.