Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Huyền Chip & Stanford: 10 điều thú vị tôi học được

Dám mơ lớn, theo đuổi ước mơ tới cùng, đừng nói mà hãy hành động... là những chia sẻ của độc giả Phạm Anh Khoa về người em gái thân thiết, đồng thời gửi đến các bạn trẻ ngày nay.

Độc giả Phạm Anh Khoa là cựu du học sinh Anh & Mỹ. Anh là đồng sáng lập hội du học sinh VietAbroader, tình nguyện viên tổ chức Global Shapers TP.HCM và UNICEF Next Generation Việt Nam. Hiện anh đảm nhận chức vụ giám đốc điều hành Yola Institute. Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm riêng của anh về Huyền Chip, tác giả của cuốn sách Xách balô lên và đi.

Mình không dám nhận là thân với Chip vì không khéo lại bị bảo "thấy sang bắt quàng làm họ". Mình càng không dám nhận là hiểu rõ Chip, vì có khi chính chúng ta còn chưa hiểu rõ chúng ta. Mình chưa từng đọc sách bạn ấy viết nên sẽ không bàn luận gì về vấn đề sách ở đây. Mình cũng chưa bao giờ gặp hay tiếp xúc với một số cá nhân trong vài vụ việc online và offline liên quan đến Chip, nên sẽ không dại gì lôi mình vào các chuyện thiên hạ.

Mình biết Chip được hơn 5 năm. Tuy không dám nói là thân, nhưng mình được may mắn quan sát chặng đường 5 năm của Chip: từ lần đầu tiên nghe Chip chia sẻ về khát vọng Stanford, quá trình bạn ấy lăn xả vào cộng đồng công nghệ và startup (khởi nghiệp - PV), quan sát bạn ấy "xách balô lên... và đi", xuất bản sách, đối mặt với sự ầm ĩ xoay quanh sách, chứng kiến Chip nỗ lực tập trung apply (làm hồ sơ xin học - PV) và cho đến gần đây khi biết tin Chip thực hiện ước mơ Stanford.

Tác giả bài viết và Huyền Chip tại Mỹ.
Tác giả bài viết và Huyền Chip tại Mỹ.

Stanford là một trường mình biết khá rõ, đầu tiên từ Viet M Huynh, anh bạn làm chung với mình trong VietAbroader từ những ngày đầu, đến nhiều thế hệ học sinh Việt Nam, từ cả trong và ngoài Yola, vào học Stanford sau này. Mình may mắn quen biết chắc trên dưới 100 bạn Việt Nam từ các đại học top 20 Mỹ như Stanford, Harvard, Yale, Princeton... và mỗi bạn đều có một câu chuyện thú vị. Chip cũng có câu chuyện của Chip khi vào được Stanford và mình muốn chia sẻ câu chuyện này.

Là người trải nghiệm không nhiều thì ít những gì Chip đã trải qua (từng - được cho tiền - đi lang thang nhiều nước trong suốt 1 năm và cũng thích công nghệ và startup), mình thấy học được nhiều điều thú vị từ hành trình hiện thực hóa ước mơ của Chip và muốn chia sẻ một góc nhìn với mọi người. Chỉ đơn giản là vậy.

1. Dám mơ lớn

Cách đây hơn 5 năm, mặc dù chỉ là một cô gái trẻ từ quê lên Hà Nội học, tiền bạc không, nhà cửa không, chưa từng qua Mỹ, chưa biết tí gì về application process (quy trình nộp hồ sơ xin học - PV), Chip đã khao khát vào Stanford. Mình vẫn giữ đoạn chat Chip say mê chia sẻ về Stanford, Silicon Valley, entrepreneurship, Marissa Mayer, Palo Alto... dù ngay phía trên mình vừa dọa: "Khả năng em vào Stanford chắc chỉ tầm... 0.1%".

2. Theo đuổi ước mơ tới cùng

Nhiều bạn trong đó có mình, từng khuyên Chip tìm trường nào dễ hơn, thấp hạng hơn. Trong thăng trầm của Chip đã có những lúc ước mơ Stanford trở nên rất xa vời, thậm chí là viễn vông. Tuy nhiên, Chip không bị lung lay và vẫn trung thành với khát vọng riêng. Qua kinh nghiệm làm việc với vô số bạn trẻ, mình thật sự thấy hành động kiên trì đeo đuổi trung thành một mục tiêu trong suốt 5 năm với bao biến cố là một điều hiếm có và đáng trân trọng.

Gap year (khoảng thời gian trống, không đi học sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học - PV) 1 năm, 2 năm đã khó, bạn hãy tưởng tượng gap year 5-6 năm sẽ như thế nào? Tuy nhiên, câu chuyện Chip vào Stanford ở tuổi 24 cho ta thấy, ước mơ không có ngày hết hạn, và không bao giờ quá trễ để theo đuổi ước mơ. Xin trích dẫn một câu từ trang https://www.facebook.com/VietAbroaderClass2018: "Nếu tất cả đều dập tắt, hãy nhớ rằng, bạn vẫn còn năm sau và năm sau nữa. Khi bạn hiểu hơn lý do thật sự mình muốn đi du học, khi bạn sẵn sàng hơn và có một chút may mắn hơn. Hãy nhớ, cuộc đua chỉ dừng hẳn khi bạn bỏ cuộc".

3. Không có gì xấu hổ khi tìm trợ giúp. Không có gì xấu hổ khi nói "I don't know" (Tôi không biết)

Có lẽ bạn nghĩ, một cô bé dám đi ngang dọc thiên hạ một mình, chắc không bao giờ cần hỏi ai gì. Thực ra, ngược lại. Thỉnh thoảng mình hay nhận một số câu hỏi từ Chip và có lẽ mình không phải là người duy nhất, trong đó, có một số câu mình thấy là khá "ngây ngô". Thế nhưng, Chip không sĩ diện hay ngại người khác nghĩ gì và luôn sẵn sàng "cầu cứu" khi cần thiết.

4. Action! (Hành động)

Trong cuộc sống và công việc, mình gặp nhiều bạn nói rất hay, cãi rất quyết liệt, cái gì cũng comment, trình bày ý tưởng trên trời dưới đất làm mình hoa cả mắt nhưng lại không bao giờ hành động. Có những bạn lần đầu tiên mình gặp cũng nói về XYZ, 1 năm sau gặp vẫn nói XYZ, 3 năm sau vẫn không thấy hành động gì. Lúc Chip nói với mình thích học tiếng Tây Ban Nha, chỉ trong vỏn vẹn vài tháng em ấy đã hùng hục học và đăng ký thi. Mới vừa nghe em ấy chia sẻ kế hoạch đi Malaysia, tuần sau đã thấy Chip lang thang dọc ngang Kuala Lumpur. Đây cũng là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong hồ sơ apply vào đại học top ở Mỹ: SHOW, don't telll!. (Hãy làm, đừng nói - PV).

5. Chúng ta luôn có cơ hội thứ hai

Chip từng không gặp may mắn với Stanford. Ai từng apply cũng biết là nộp đơn lần thứ n+1 vào cùng một trường là rất rất ít cơ hội thành công. Thế nhưng, Chip không nản chí. Cô ấy đã cho mình cơ hội thứ 2 và cũng cho Stanford cơ hội thứ 2. Dù là trong công việc, cuộc sống hay tình yêu, hãy luôn nhớ: everyone deserves a second chance. (Ai cũng đáng có được cơ hội thứ hai - PV).

6. Bạn không thể làm hài lòng mọi người

Khi bạn nào đối mặt với một đám đông đủ lớn, dù có làm gì hay nói gì, bạn sẽ không thể làm hài lòng tất cả. Khi Chip bảo vệ quan điểm thì bị cho là ngoan cố, khi em ấy xin lỗi thì lại bị cho là giả dối, khi em ấy rút lui để tập trung vào application (hoàn thiện hồ sơ xin học - PV) thì bị chê là bỏ cuộc. Bill Cosby có một câu mình tâm đắc: "I don't know the secret to success, but the secret to failure is trying to please everyone". (Tôi không biết bí mật của thành công, nhưng bí mật của sự thất bại là cố làm hài lòng tất cả mọi người - PV).

7. Everything happens for a reason

Trong cuộc sống đôi khi chúng ta không có câu trả lời cho tất cả vấn đề. Máy bay MH370 đang ở đâu? Chuyện gì xảy ra với chuyến bay MH370?

Cách đây vài tháng khi mình và ba mẹ đang đi tung tăng ở trung tâm San Francisco không để ý là có một cô bé châu Á thấp thấp đeo chiếc balô to đùng đi ngay phía trước. Khi đến ngã tư trong lúc chờ đèn, cô bé quay qua, 2 anh em bất ngờ nhận ra nhau và la lớn giữa đám đông. Có những chuyện thật khó giải thích - what's the odd of two persons from Vietnam bumping into each other on crowded SF streets during rush hour? (Xác xuất để hai người Việt bất ngờ gặp nhau trên con phố đông ở San Francisco trong giờ cao điểm là bao nhiêu? - PV). Có lẽ chưa bao giờ mình tâm đắc câu "everything happens for a reason" (mọi việc xảy ra đều có lý do của nó - PV) bằng lúc đấy, nên mình nhờ ba mình chụp một phát ảnh ngay tại chỗ.

Từng du lịch một mình trong gần năm trời, có nhiều điều tuyệt vời xảy ra, thoát được khỏi một đám trẻ trâu ở Úc đang hăm he khiêu khích, mình không giải thích được, và có nhiều điều xui xẻo vô cớ như trục trặc visa thay đổi mọi thứ, mình cũng không giải thích được. Mình tin rằng, nhiều thứ tuyệt vời xảy ra với Chip để giúp em ấy đi đến ngày hôm nay, nhưng có nhiều điều cực kỳ xui xẻo cũng xảy ra và đưa em ấy đến cùng một điểm ngày hôm nay. Does anyone have a perfect life since born till now? No way. The more important question is: are you happy with where you are today? (Liệu có ai lại có cuộc sống hoàn hảo từ lúc sinh ra tới bây giờ? Không bao giờ. Câu hỏi quan trọng hơn là: bạn có hạnh phúc với nơi mình tới ngày hôm nay? - PV).

8. Có nốt thăng cũng phải có nốt trầm (nói nôm na: in life, sometimes you have hits, sometimes you have shits)

Một ca sĩ huy hoàng 5-10 phút trên sân khấu trước nghìn người, nhưng mấy ai thấy những giây phút họ chiến đấu với sự cô đơn và bất an? Nhìn ông CEO tập đoàn thấy hoành tráng, nhưng mấy ai hiểu những giây phút một mình đối mặt với các khó khăn, nguy hiểm mỗi ngày?

Ai cũng có khó khăn của họ. Đừng bao giờ cho rằng, vì sao Chip thi SAT điểm cao dễ dàng thế, sao Chip được đi nhiều nước sướng thế, sao Chip vào Stanford trơn tru vậy... nếu như bạn không biết hoàn toàn câu chuyện.

9. Hãy là chính mình!

Có một lần kia, một phụ huynh gần nhà hốt hoảng gọi mình nói, chị ấy vừa thấy điều gì kinh khủng trong phòng bé con chị ấy và kêu mình đến bàn cách "xử". Nghe giọng nghiêm trọng mình đoán bừa chắc là chị ấy tìm thấy phim XXX, chuyện cô giáo Thảo hay là thuốc lá, ma túy gì đấy trong phòng đứa nhóc. Khi mình rón rén bước vô phòng thì thấy... đủ thể loại hình vẽ graffiti được bé con chị ấy vẽ kín đầy trên các bức tường. Chị ấy lo lắng không biết con chị tâm lý bị sao không hay thần kinh thế nào mà vẽ và trang trí loạn xạ cả lên. Mình chỉ nói một câu: "Chị phải giúp con chị nuôi dưỡng đam mê hội họa, nghệ thuật!".

Ai trong chúng ta cũng có cách thể hiện con người riêng - người thích chụp ảnh, người thích nhảy, người thích thể thao, bạn thích hát, bạn thích vẽ, bạn thích tranh luận, bạn thích văn chương... Chip là một trong số ít những người mình thấy luôn tự do đeo đuổi những gì Chip thích (viết lách, xây dựng cộng đồng, khám phá thế giới...). Em ấy luôn nói lên những gì mình tin dù là đôi khi nghe qua hơi viển vông như là sáng kiến miễn visa toàn cầu để tạo bình đẳng trong du lịch.

Từ trước khi Chip ra sách rất lâu, Yola đã mời em về nói chuyện với các em học sinh. Chúng tôi làm vậy không phải muốn tất cả học sinh bỏ học đi vòng quanh thế giới như nhiều phụ huynh lo lắng, dù mình thấy lo lắng đó không đáng có, chỉ đơn giản để các em thấy "à, có ít nhất 1 người trong 90 triệu người Việt Nam gap year vài năm và dám là chính mình, dám làm những gì mình muốn".

Life owes Chip nothing. Life owes us nothing. No one owes anyone anything. You owe yourself. (Cuộc đời không nợ Chip điều gì. Cuộc đời không nợ chúng ta điều gì. Không ai nợ ai gì cả. Bạn nợ chính bản thân mình - PV).

10. Cuộc sống không bao giờ là trắng và đen, con người cũng không bao giờ trắng và đen

Bill Gates từng chơi Paul Allen sát ván đến nỗi không nhìn mặt nhau nhiều năm. Steve Jobs từng thỏa thuận ăn chia 50-50 với Steve Wozniak trong phi vụ sản xuất Breakout cho Atari. Jobs nói với Wozniak là Atari trả công 700 USD và chia cho Wozniak 350 USD theo thỏa thuận ban đầu, nhưng sự thật là Atari trả Jobs 5.000 USD chứ không phải 700 USD. Mark Zuckerberg có ăn cắp ý tưởng của 2 anh em Winklevoss hay lừa dối co-founder Eduardo Savarin không (http://huff.to/L5Vd56)?

Có nhiều câu chuyện - trong đó những ồn ào xung quanh Chip - sự việc trắng hay đen còn tùy thuộc vào phán xét của bánh xe lịch sử. Chia sẻ quan điểm - OK, tranh luận - OK, buồn vui hờn tức - OK, nhưng một điều mình học được là không nên để mọi thứ đi quá xa. Hay nói cách khác, cố quá thì coi chừng... quá cố.

Độc giả Phạm Anh Khoa

Bạn có thể quan tâm