Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Huấn luyện viên TQ bị tố đánh đập, lạm dụng trẻ em

Theo phóng sự điều tra của kênh thể thao ESPN, thiếu niên theo học ở học viện bóng rổ của NBA tại Trung Quốc bị huấn luyện viên thẳng tay đánh, sống chen chúc trong phòng chật hẹp.

Phóng sự mới nhất của kênh thể thao ESPN vừa tiết lộ việc những học viên trẻ tuổi bị đánh đập, lạm dụng thể chất và không hề được đào tạo tử tế tại học viện bóng rổ ở tỉnh Tân Cương (Trung Quốc), thuộc Hiệp hội bóng rổ nhà nghề của Mỹ (NBA), theo South China Morning Post.

Một cựu huấn luyện viên cho biết mình từng chứng kiến tận mắt cảnh người trong nghề thẳng tay ném quả bóng vào mặt, dùng chân đá vào bụng học viên. Nhiều lời khiếu nại về hành vi tương tự được ESPN thu thập.

hoc vien cua nba danh dap hoc vien anh 1

Học viện bóng rổ tại Trung Quốc trực thuộc NBA Mỹ bị tố có hành vi ngược đãi, đánh đập học viên. Ảnh: AP.

“Một đứa trẻ mới 13-14 tuổi bị một người đàn ông trưởng thành 40 tuổi đánh đập không nương tay. Điều đó thật không thể chấp nhận được. Chúng ta phải có trách nhiệm trong chuyện này, NBA cũng vậy”, người huấn luyện viên giấu tên, nói với phóng viên.

Các phòng ký túc xá vốn để dành cho 2 học viên một phòng, cuối cùng bị nhồi nhét thành 10 em chen chúc, sinh hoạt trong không gian chật chội.

Số giờ luyện tập ngắn ngủi mỗi ngày, hoạt động ngoại khóa tổ chức hời hợt và thiếu niên trong độ tuổi dậy thì không được giám sát cẩn thận.

Trong khi đó, NBA Mỹ cho biết đã chấm dứt hợp tác với cơ sở ở Tân Cương, còn các học viện ở tỉnh Sơn Đông và Chiết Giang vẫn tiếp tục vận hành, nằm dưới sự giám sát của chính quyền Trung Quốc.

Mark Tatum, phó ủy viên của NBA Mỹ, cho hay hiệp hội chỉ nhận được một vài khiếu nại nhưng vẫn sẽ tiến hành đánh giá lại chương trình đào tạo của các học viện bóng rổ thuộc NBA ở Trung Quốc.

“Chúng tôi đã không giám sát kỹ các huấn luyện viên địa phương, chất lượng giảng dạy hay điều kiện, môi trường tập luyện. Chúng tôi thừa nhận đã thiếu sát sao so với trách nhiệm của mình”, Tatum nói.

hoc vien cua nba danh dap hoc vien anh 2

Đòn roi được coi là thứ cần thiết trong huấn luyện, đào tạo thể thao tại nhiều nước châu Á. Ảnh: Getty.

NBA Mỹ bắt đầu ra mắt các học viện quốc tế vào năm 2016, đặt ba cơ sở tại Trung Quốc, với mục đích tìm cầu thủ trẻ tiềm năng tại đất nước tỷ dân.

“Nhưng dự án này sai ngay từ cơ bản”, Bruce Palmer, cựu giám đốc kỹ thuật tại một trường bóng rổ tư nhân ở Trung Quốc, người được NBA thuê để đánh giá các học viện, nói.

Theo đó, các nhân viên nước ngoài của NBA làm việc ở Trung Quốc sẽ bị chính quyền giám sát. Giải đấu được tổ chức cũng ở mức trung bình, cầu thủ không được chơi với các đội mạnh tại đất nước tỷ dân.

Theo ESPN, một huấn luyện viên đã xin nghỉ việc sau khi chứng kiến đồng nghiệp hành hạ các cầu thủ tuổi teen, trong khi một người khác rời đi vì chương trình đào tạo thiếu chuyên nghiệp.

“Quy trình đào tạo được coi là điểm mạnh để giúp các trung tâm này phát triển, tạo ra nhiều lứa trẻ chơi bóng rổ tiềm năng. Song, trên thực tế, chẳng có chương trình học cụ thể nào được cung cấp bởi văn phòng thể thao Trung Quốc”, ESPN viết.

Mặt khác, đối với những huấn luyện viên trong nước, việc trừng phạt bằng đòn roi được coi là điều thiết yếu.

“Ngay cả với ông bà, cha mẹ chúng, họ đều nghĩ đòn roi là cần thiết để nên người, thậm chí coi đó là biểu hiện của tình yêu và sự chăm sóc. Vậy nên, khi chúng bị thầy cô đánh, hầu hết phụ huynh đều không cho đó là vấn đề nghiêm trọng”, Jinming Zheng, một giáo viên thể thao tại Đại học Northumbria (Anh) cho biết.

900 cô gái mất tích, nghi bị giết hại từ khi Peru phong tỏa

Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 6, hơn 900 phụ nữ và bé gái tại Peru bị báo cáo mất tích không rõ lý do. Các nhà hoạt động nữ quyền lo sợ họ không còn khả năng sống sót.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm