Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hồ Con Rùa bắt đầu được sửa chữa vỉa hè, kinh phí 14 tỷ đồng

Việc sửa chữa 6.700 m2 vỉa hè xung quanh khu vực Công trường Quốc tế - hồ Con Rùa (quận 3, TP.HCM) tốn khoảng 14 tỷ đồng. Công trình sẽ được khánh thành vào lễ Quốc khánh 2/9.

UBND quận 3 sáng 29/4 khởi công cải tạo vỉa hè xung quanh khu vực Công trường Quốc tế - hồ Con Rùa.

Ông Trần Nhân Hậu, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 3, thông tin việc cải tạo vỉa hè ở các trục đường: Phạm Ngọc Thạch (từ Nguyễn Đình Chiểu đến Nguyễn Thị Minh Khai), Trần Cao Vân (từ hồ Con Rùa đến Hai Bà Trưng), Võ Văn Tần (từ hồ Con Rùa đến Pasteur) với tổng chiều dài 1.280 m và khoảng 6.700 m2 diện tích vỉa hè.

Ngoài cải tạo vỉa hè, bó vỉa, khu vực này sẽ được lắp đặt ghế ngồi, cải tạo mảng xanh, hố ga thoát nước mưa, hệ thống chiếu sáng, di dời một số tủ điện, tủ viễn thông, thi công tủ điện và ống gen chờ cho các bảng quảng cáo.

Kinh phí thực hiện từ nguồn tài trợ, xã hội hóa với mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp khoảng 12,4 tỷ đồng. Thời gian thi công trong 4 tháng và dự kiến khánh thành vào lễ Quốc khánh 2/9 tới.

Hồ Con Rùa có tháp chính cao 34 m cùng hồ phun nước hình bát giác lớn với 4 đường đi bộ hình xoắn ốc là địa điểm nổi tiếng ở TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.
sua chua via he xung quanh ho Con Rua anh 1
sua chua via he xung quanh ho Con Rua anh 1

Hồ Con Rùa có tháp chính cao 34 m cùng hồ phun nước hình bát giác lớn với 4 đường đi bộ hình xoắn ốc là địa điểm nổi tiếng ở TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Phó chủ tịch UBND quận 3 Trần Thanh Bình cho hay vỉa hè xung quanh khu vực Công trường Quốc tế - hồ Con Rùa có nhiều đoạn xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại, mất an toàn với người tham gia giao thông.

Việc cải tạo nâng cấp vỉa hè sẽ tạo bộ mặt đô thị khang trang, tăng cường năng lực giao thông, là một phần trong đề án xây dựng khu vực này trở thành phố đi bộ nhằm thu hút du khách...

Dự án cải tạo hồ Con Rùa từng dự kiến tổng kinh phí 50 tỷ đồng để thi công chống thấm hồ nước; bổ sung hệ thống phun nước trong hồ và theo lối đi tạo cảnh quan; bố trí thêm hệ thống lọc rác và chống rêu.

Hệ thống chiếu sáng được thay thế bằng các trụ đèn; bổ sung đèn trang trí nghệ thuật xung quanh công trình và cây xanh. Mảng xanh được bổ sung, thay thế hoa kiểng trang trí xung quanh vòng xoay; đồng thời bố trí thêm bồn cây kết hợp ghế ngồi.

Sau khi hoàn thành, quận có phương án khai thác phố đi bộ hồ Con Rùa rộng 19.500 m2, chia làm 5 khu chức năng, hoạt động vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần (từ 19h đến 23h).

5 khu chức năng gồm: đài nước ở trung tâm hồ; trình diễn ở đường Phạm Ngọc Thạch; văn hoá - triển lãm ở đường Võ Văn Tần; ẩm thực ở đường Trần Cao Vân; giải trí ở đường Phạm Ngọc Thạch.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, công viên hồ Con Rùa có diện tích hơn 3.843 m2, gồm hồ nước gần 2.300 m2 và đường dạo 937 m2, mảng xanh 617 m2. Hiện, xung quanh hồ có nhiều nhà hàng, quán bar, cà phê, là nơi được nhiều người dân, du khách đến vui chơi, giải trí.

TP.HCM thu hồi gần 9.000 m2 'đất vàng' gần hồ Con Rùa

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi thống nhất với kết luận của Thanh tra thành phố về việc thu hồi gần 9.000 m2 đất của một dự án do không thực hiện đúng chủ trương.

Bài liên quan

Hồ Con Rùa nên được cải tạo như thế nào?

Hồ Con Rùa nên được cải tạo như thế nào?

Chuyên gia kiến trúc cho rằng nếu phát triển phố đi bộ hồ Con Rùa chỉ để đi bộ là không đủ. Thay vào đó, nơi đây phải trở thành không gian cộng đồng cho tất cả người dân.

Anh Nhàn

Bạn có thể quan tâm