Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tư liệu để phục dựng trang phục cung đình Nguyễn

Ông Nguyễn Phước Liên Quốc, hậu duệ Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh, cho biết sách "Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX" là nguồn tư liệu cho các nhà nghiên cứu.

Co phuc Viet Nam anh 1

Ông Nguyễn Phước Liên Quốc, hậu duệ đời thứ 7 của Nguyễn Thế Tổ, thuộc dòng dõi Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh. Ảnh: Thanh Trần.

Chia sẻ tại buổi ra mắt tác phẩm Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX của tác giả Trần Minh Nhựt (diễn ra sáng 2/3 tại Đại học Hoa Sen, TP.HCM), ông Nguyễn Phước Liên Quốc khá bất ngờ với thông tin về họa sĩ Nguyễn Văn Nhân và bộ tranh minh họa áo mũ thời Nguyễn của ông. Đặc biệt, tác phẩm có đề cập đến nhân vật Nguyễn Khắc Nhân (có thể là một tên khác của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân) đã kết hôn với con gái dòng Gia Long, phủ Diên Khánh.

“Đây là lần đầu tiên tôi biết về ông Nguyễn Văn Nhân qua tác phẩm này. Trong gia tộc chúng tôi thường có tính là muốn tìm hiểu về nhau. Sau này có thể gia tộc sẽ góp phần làm rõ thân thế ông Nguyễn Văn Nhân, hay là Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Khắc Nhân và chia sẻ với tác giả trẻ Trần Minh Nhựt nếu có tái bản về sau”, ông nói.

Chia sẻ với Zing, ông cho biết trong gia tộc có bộ phận nghiên cứu lịch sử, làm gia phả, đồng thời cũng lưu giữ nhiều cổ vật từ hoàng tộc triều Nguyễn là nguồn tư liệu cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu.

Bộ tranh Grande Tenue de la Cour d’Annam (tạm dịch: Đại Lễ phục triều đình An Nam) do họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ vào tháng 12 năm 1902, dưới triều vua Thành Thái, gồm 54 bức vẽ minh họa bằng màu nước, hiện thuộc quyền sở hữu của National Gallery Singapore.

Co phuc Viet Nam anh 2

Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Ngô Kim Khôi (bên trái) và tác giả Trần Minh Nhựt (bên phải) trong buổi ra mắt sách ngày 2/3. Ảnh: Thanh Trần.

Nhà nghiên cứu Trần Minh Nhựt đã liên hệ được với đơn vị sở hữu là National Gallery Singapore để hợp tác nghiên cứu. Nhờ đó, sau hơn 120 năm ra đời và lưu lạc, bộ tranh quý minh họa trang phục cung đình Huế đầu thế kỷ XX cũng đã được xuất hiện rõ nét và trang trọng theo đúng nguyên bản từ ảnh chụp kỹ thuật số sắc nét của National Gallery Singapore trong tác phẩm Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX.

Đánh giá cao về tính chân thực của bộ tranh cũng như kiến thức về trang phục thời Nguyễn, ông Nguyễn Phước Liên Quốc cho rằng ứng dụng đầu tiên từ tác phẩm của tác giả trẻ Trần Minh Nhựt là phục dựng quốc phục Việt Nam - áo dài truyền thống.

“Lướt qua cuốn sách tôi thấy có bức tranh minh họa số 18, tranh minh họa Chánh lục phẩm - Tòng lục phẩm. Hai người đang mặc trang phục áo dài ngũ thân. Tại sao chúng ta không lấy những tư liệu này để phục dựng quốc phục của chúng ta?”, ông chia sẻ.

Tác giả Trần Minh Nhựt cho biết anh cảm thấy may mắn khi gặp được nhiều nhà nghiên cứu lớn và cả hậu duệ thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn. Anh cũng nhanh chóng kết nối với ông Nguyễn Phước Liên Quốc để tiếp tục tìm kiếm thêm nhiều tư liệu về nhà Nguyễn.

Được công bố đầu năm 2023, công trình nghiên cứu Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX giúp độc giả hiểu hơn về cổ phục Việt Nam thời Nguyễn, đồng thời tôn vinh tài năng vẽ tranh điêu luyện của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân; củng cố và đánh giá những giá trị nghệ thuật của bộ tranh khi soi chiếu đến trang phục triều Nguyễn, đồng thời đề cao những đóng góp của họa sĩ cho nền mỹ thuật nước nhà.

Giải mã bộ tranh quý về triều Nguyễn sau hơn thế kỷ lưu lạc

Những bức vẽ trong bộ tranh này được xem là nguồn tư liệu mới cho lịch sử trang phục Việt Nam, giai đoạn nghệ thuật tạo hình ở Huế cuối triều Nguyễn.

Sách vàng cổ nhất của triều Nguyễn

Trong 94 kim sách triều Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi có niên đại sớm nhất.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm