Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng triệu căn nhà bị bỏ hoang, Nhật Bản đề xuất phạt nặng chủ sở hữu

Chủ sở hữu nhà ở tại Nhật Bản có nguy cơ phải nộp khoản tiền phạt cao gấp 6 lần thuế bất động sản nếu họ bỏ hoang ngôi nhà.

Một ngôi nhà hoang tại Nagasaki, Nhật Bản. Ảnh: New York Times.

Nhật Bản phải đối mặt với thực trạng đáng báo động khi hàng triệu ngôi nhà bị bỏ hoang trên khắp đất nước do sụt giảm nhân khẩu học. Chính quyền Tokyo đang xem xét đánh thuế bất động sản nặng tay hơn, theo Nikkei Asia.

Theo đề xuất mới sửa đổi luật nhà ở, chính phủ có thể áp thuế phạt những chủ nhân để nhà bỏ hoang. Nhưng một số người chỉ trích cho rằng biện pháp này sẽ thất bại vì không giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Một cuộc khảo sát chính thức cho thấy số lượng nhà trống không người ở tại Nhật Bản đã tăng lên 3,5 triệu căn vào năm 2018, cao gần gấp đôi so với hai thập kỷ trước. Con số này dự kiến đạt 4,7 triệu vào năm 2030.

Chính phủ Nhật Bản cho biết những căn nhà hoang - hay còn gọi là akiya, có thể gây ra các vấn đề an ninh và vệ sinh nếu chúng mục nát.

Tìm giải pháp qua luật

“Số ngôi nhà trống dự kiến còn tăng cao hơn nữa. Chúng ta cần khẩn trương tăng cường biện pháp đối phó”, Tetsuo Saito, Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch, nói khi giải thích dự luật tại phiên họp toàn thể Hạ viện Nhật Bản hôm 27/4.

Trong quá khứ, Nhật Bản đã cố gắng khắc phục tình trạng nhà bỏ hoang bằng quy định pháp luật.

Có hiệu lực từ năm 2015, Đạo luật Biện pháp Đặc biệt về Nhà trống đã đưa ra định nghĩa về những ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ, từ đó cho phép chính quyền địa phương đưa ra khuyến nghị và ban hành lệnh cho chủ sở hữu. Nếu không cải thiện tình trạng ngôi nhà, chủ sở hữu sẽ bị phạt tiền, sau đó là cưỡng chế hành chính đối với tài sản.

Tuy nhiên, người đứng đầu hiệp hội quản lý nhà trống Yuji Yamashita cho biết luật không thể giúp giảm số lượng nhà trống tại Nhật Bản bởi “rất ít tài sản rơi vào danh mục mà luật đề ra".

Dự thảo sửa đổi luật được nội các Nhật Bản thông qua vào tháng 3 và đang được thảo luận tại quốc hội. Nó sẽ giúp chính quyền nắm nhiều quyền lực kiểm soát nhà ở hơn.

nha hoang Nhat Ban anh 1

Một ngôi nhà bỏ hoang ở tỉnh Aomori, phía Bắc Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia.

Từ trước đến nay, nhà trống tại Nhật Bản thường được giảm thuế bất động sản vì chúng vẫn được coi là nhà ở. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi mới sẽ không giảm thuế cho những ngôi nhà hoang xập xệ, ngay cả khi chúng không thuộc diện “rủi ro”.

Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết thuế nhắm đến chủ sở hữu nhà hoang có thể tăng gấp 6 lần.

Kyoto, một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Nhật Bản, đang tìm kiếm giải pháp tính thuế mới. Thành phố này mới đây tuyên bố sẽ bắt đầu áp thuế 0,7% giá trị với những căn nhà không được dùng thường xuyên, bao gồm nhà trống và nhà dành cho dịp nghỉ lễ, từ năm 2026.

“Biện pháp này là để thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các ngôi nhà trống và cung cấp tài sản hữu ích cho thị trường nhà ở”, một quan chức thành phố giải thích.

Ông Yamashita cho biết những ngôi nhà bỏ hoang dần trở thành vấn đề nổi cộm trong khu vực ông sống. Ông lo ngại rằng mái ngói nhà hoang có thể bị một cơn bão thổi bay xuống đường và gây hại cho người đi bộ.

“Chúng tôi thường xuyên nghe những lời phàn nàn về cây cối mọc um tùm và côn trùng gây phiền toái trong các khu đất vô chủ”, ông nói.

Nỗi lo kéo dài

Trước thời kỳ công nghiệp hóa tại Nhật Bản, ba thế hệ thường sống chung dưới một mái nhà.

“Những ngày đó qua lâu rồi”, giáo sư kinh tế tại Đại học Nihon Masayuki Nakagawa nói.

Trong một số trường hợp, chủ nhân của những ngôi nhà này qua đời mà không có người thừa kế, hoặc con cái không biết cách giải quyết. Trong khi đó, có những tài sản lại được để cho một nhóm người thừa kế. Nếu như chỉ cần một người không đồng ý bán, ngôi nhà lại bị lãng quên.

Một số chuyên gia cho rằng yếu tố góp phần gây ra tình trạng nhà hoang là thị trường mua bán nhà có sẵn tại Nhật Bản tương đối nhỏ. Số lượng giao dịch nhà có sẵn vào năm 2018 tại nước này chỉ chiếm khoảng 15% tổng số giao dịch mua bán nhà ở, trái ngược với 81% tại Mỹ và 86% tại Anh.

“Từ một khía cạnh nào đó, có thể hiểu rằng nhà trống là vấn đề chỉ có ở Nhật Bản”, một đại diện từ Katitas, công ty mua bán nhà trống có trụ sở tại Tokyo, nói với Nikkei Asia.

nha hoang Nhat Ban anh 2

Tình trạng bừa bộn và mất vệ sinh trong một căn nhà hoang. Ảnh: New York Times.

Một phụ nữ sống ở Tokyo gần đây đã bán cho công ty một ngôi nhà ở tỉnh Akita mà cô được thừa kế từ người cha quá cố. Cô muốn nhanh chóng loại bỏ gánh nặng từ căn nhà.

“Sẽ rất khó quản lý ngôi nhà từ xa, bởi mái nhà sẽ cần được dọn tuyết vào mùa đông”, cô nói.

Osamu Nagashima, một nhà tư vấn bất động sản có trụ sở tại Tokyo, nghi ngờ hiệu quả lâu dài của dự thảo sửa đổi luật.

“Tăng thuế chưa phải là biện pháp giúp giảm số lượng nhà hoang, vì dù sao thuế bất động sản ở khu vực nông thôn cũng đã thấp sẵn. Vấn đề vẫn sẽ tồn tại nếu số lượng nhà xây mới nhiều hơn số nhà trống đang tìm chủ mới”, ông Nagashima nói.

“Vấn đề cơ bản là chính phủ không thay đổi ưu đãi thuế đối với nhà mới xây, ngay cả khi xã hội Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng giảm dân số”, vị chuyên gia nhận định.

Cuốn sách thức tỉnh hàng triệu người dân Nhật

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách Khuyến học bàn về những yếu tố cơ bản khi xây dựng quốc gia hưng thịnh, về tinh thần học tập để quốc dân tự cường, dựa trên kinh nghiệm của người Nhật.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Chướng ngại ở nền kinh tế số hai châu Á

Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản đang đề xuất thay đổi chính sách thị thực giúp lao động nước ngoài ở lại lâu hơn, song chuyên gia cảnh báo chính phủ cần cân nhắc tác động.

Sự e dè khó ngờ của cư dân nước có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới

Dù biên giới Nhật Bản đã rộng mở, nhiều người lại có tâm lý ngại đi du lịch nước ngoài do chi phí di chuyển đắt đỏ hơn trước đại dịch Covid-19, cũng như lo sợ nhiễm virus corona.

Tuấn Đạt

Bạn có thể quan tâm