Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hàng trăm tỷ USD tiêu tan ở nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới

Mặc dù chính phủ Hàn Quốc đã chi hàng trăm tỷ USD và đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy tỷ lệ sinh sản thấp nhất thế giới, họ vẫn chưa thể xoay chuyển tình thế.

ty le sinh thap anh 1

“Tôi chưa bao giờ có kế hoạch sinh con. Tôi không muốn chịu nỗi đau thể xác khi sinh con. Điều đó cũng gây bất lợi cho sự nghiệp của tôi”, cô Jang Yun Hwa, 24 tuổi, chia sẻ.

Giống nhiều người trẻ khác trong thị trường việc làm siêu cạnh tranh của Hàn Quốc, Yun Hwa - một họa sĩ truyện tranh - đã làm việc chăm chỉ để đạt được vị trí của mình và không muốn điều đó bị ảnh hưởng vì sinh con.

Yun Hwa không phải là phụ nữ trẻ duy nhất ở Hàn Quốc coi sự nghiệp và gia đình là loại trừ lẫn nhau. Giống cô Yun Hwa, rất nhiều người ở Hàn Quốc đang chọn không sinh con hoặc không kết hôn.

Về vấn đề này, Washington Post nhận định Hàn Quốc đã phá vỡ kỷ lục thế giới của chính mình, nhưng đó không phải là điều mà đất nước này hài lòng. Số liệu thống kê công bố hôm 22/2 cho thấy tỷ lệ sinh của nước này lại tiếp tục suy giảm. Hàn Quốc hiện là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Dữ liệu được Cơ quan Số liệu Hàn Quốc công bố ngày 22/2 cho thấy cứ 100 phụ nữ tại quốc gia Đông Á này thì chỉ có 78 trẻ em được sinh ra, giảm so với mức 81 trẻ được ghi nhận vào năm 2021. Bên cạnh đó, số trẻ em được sinh ra trong năm 2022 cũng giảm 4,4%, xuống còn 249.000 trẻ.

Theo Nikkei Asia, ở mức 0,78, Hàn Quốc có tỷ lệ sinh chỉ bằng một nửa so với mức trung bình của các thành viên trong OECD. Trong khi đó, Nhật BảnTrung Quốc lần lượt có tỷ lệ sinh là 1,3 và 1,18. Một quốc gia phải đạt tỷ lệ sinh 2,1, được gọi là "mức sinh thay thế", để đảm bảo dân số tăng trưởng ổn định.

Kẻ thù nguy hiểm nhất của Hàn Quốc là "quả bom nổ chậm về nhân khẩu học", New York Times nhận định.

"Không phải tên lửa hay vũ khí hạt nhân Triều Tiên khiến Hàn Quốc mất ăn mất ngủ, mối đe dọa nguy hiểm hơn chính là 'quả bom nổ chậm về nhân khẩu học' đã bắt đầu phát nổ trên khắp Hàn Quốc và Đông Á", theo bài báo trên New York Times.

Chưa thể xoay chuyển tình thế

Trong nỗ lực đảo ngược xu hướng này, chính phủ Hàn Quốc đã đưa dân số trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách và tăng chi tiêu cho vấn đề này.

Các chương trình đã tập trung vào trợ cấp cho việc mang thai, sinh con và chăm sóc trẻ em. Các biện pháp khuyến khích như vậy cho đến nay vẫn chưa thể đảo ngược tình trạng sụt giảm tỷ lệ sinh.

Tổng thống Yoon Suk Yeol đã yêu cầu các nhà hoạch định chính sách tìm ra những biện pháp để giải quyết vấn đề. Theo ông, tỷ lệ sinh vẫn đang giảm mạnh mặc dù Hàn Quốc đã chi 210 tỷ USD trong 16 năm qua để cố gắng xoay chuyển tình thế.

ty le sinh thap anh 2

Hàn Quốc hiện là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Phát biểu khi mới nhậm chức, ông Yoon từng hứa sẽ giúp quốc gia này vượt qua thảm họa về tỷ lệ sinh thấp. Kể từ đó, chính quyền ông Yoon đưa ra một vài ý tưởng theo lối mòn, như thành lập ủy ban thảo luận và cam kết hỗ trợ thêm tài chính cho trẻ sơ sinh.

Ông Yoon cũng đang cố gắng khuyến khích các cặp đôi tại Hàn Quốc sinh con bằng cách hỗ trợ 540 USD mỗi tháng cho những gia đình có trẻ dưới một tuổi. Số tiền này sẽ được tăng lên 767 USD kể từ năm 2024.

Bên cạnh đó, vào tháng 9/2022, Thị trưởng Seoul Oh Se Hoon đã đưa ra một giải pháp đối với vấn đề này: Tăng thêm số lượng bảo mẫu. Trong bài đăng ngắn gọn trên Facebook, ông Oh cho biết việc giảm bớt chi phí đắt đỏ cùng tình trạng ít người trông trẻ ở nước này sẽ khuyến khích nhiều người Hàn Quốc có con hơn.

Ngoài ra, một chương trình của Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình đã đào tạo và quản lý những người trông trẻ cho các bậc cha mẹ trong hơn 10 năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng biện pháp can thiệp này vẫn chưa đủ. Trong nhiều năm qua, một số phụ huynh Hàn Quốc đã thuê các bảo mẫu nước ngoài vì chi phí thấp hơn và khả năng sẵn sàng làm việc cao hơn. Tuy nhiên, các biện pháp phòng chống Covid-19 đã làm giảm người chăm sóc trẻ đến từ nước khác.

Lee Sang Lim, nhà nhân khẩu học của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, cho biết ông không thấy gì trong kế hoạch đề cập đến việc bảo hộ lao động cho người nước ngoài, chẳng hạn yêu cầu về tiền lương, đào tạo và quy trình đánh giá, kiểm tra.

Chính quyền địa phương cũng đã thực hiện các chương trình khuyến khích người dân sinh con. Họ được hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ điều trị hiếm muộn, hỗ trợ chi phí y tế và vay vốn.

BBC cho biết Hàn Quốc cũng có nhiều điều luật để ngăn chặn việc phụ nữ bị phân biệt đối xử vì mang thai hay ở độ tuổi có khả năng mang thai. Tuy nhiên, trên thực tế, các công đoàn cho biết chúng đã không được thi hành.

Cần cách tiếp cận toàn diện hơn

Thay vì khuyến khích bằng tiền mặt, giới chuyên gia cho rằng các chính sách nên giải quyết những vấn đề cơ bản hơn - vốn làm kiệt quệ các gia đình, chẳng hạn không gian sống hạn chế, thời gian làm việc dài và môi trường giáo dục khắc nghiệt trong xã hội cạnh tranh cao.

Những người ủng hộ quyền phụ nữ chỉ ra các chuẩn mực phân biệt giới tính khiến phụ nữ đi làm khó cân bằng giữa sự nghiệp và thiên chức làm mẹ.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia tin cách tiếp cận “vung tiền” hiện tại là một chiều và thay vào đó, chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ một đứa trẻ suốt cuộc đời.

Jung Chang Lyul, phó giáo sư về phúc lợi xã hội tại Đại học Dankook, nói rằng biện pháp khuyến khích bằng tiền mặt là “hoàn toàn không hiệu quả”.

Theo ông Jung, vấn đề thực sự là việc chi phí cao để nuôi dạy một đứa trẻ và giá bất động sản tăng cao - đặc biệt là ở Seoul, Guardian đưa tin.

ty le sinh thap anh 3

Cha mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh ở Seoul năm 2018. Ảnh: Reuters.

“Trong một xã hội mà trẻ em bắt đầu được giáo dục tư thục ngay 2-3 tuổi, thành tích hoặc tiền lương của chúng sẽ được quyết định bởi sự giàu có của cha mẹ và chi phí cho giáo dục tư thục. Những người không khá giả về tài chính nghĩ rằng việc sinh một đứa trẻ giống như phạm tội”, ông nói thêm.

Bên cạnh đó, giải quyết vấn đề phúc lợi của người dân là một trong những điều quan trọng nhất khi đối phó vấn đề tỷ lệ sinh thấp, ông Jung nói. Trong số các quốc gia OECD, Hàn Quốc có mức độ hài lòng với cuộc sống thấp nhất và tỷ lệ tự tử cao nhất, Guardian đưa tin.

“Mọi người sẽ chỉ bắt đầu có con khi chúng ta tạo ra một xã hội trong đó trẻ em lớn lên hạnh phúc hơn chúng ta”, ông nhận định.

Trong khi đó, Bernice Kuang, chuyên gia nhân khẩu học tại Đại học Southampton (Anh), cho biết các cặp vợ chồng có thu nhập thấp hơn cần “sự hỗ trợ tài chính và dịch vụ chăm sóc trẻ em hợp túi tiền”.

Còn đối với các cặp vợ chồng có thu nhập cao hơn, họ “cần các chính sách giúp người đi làm dễ dàng cân bằng giữa việc chăm sóc con cái, đưa đón tại trường học với công việc của họ”.

Viện dẫn tình hình tỷ lệ sinh thấp ở Hàn Quốc, ông Kuang nhận định đó là bằng chứng cho thấy các yếu tố khác cũng đang ảnh hưởng tới điều này, “chẳng hạn các chuẩn mực giới tính cứng nhắc và sự phân công lao động không bình đẳng trong gia đình”.

Liên quan đến việc này, cô Yun Hwa cho biết phụ nữ phải chu toàn cho gia đình để đàn ông có thể ra ngoài và tập trung vào công việc.

Những cuốn sách để hiểu về Hàn Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Hàn Quốc - một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

'Cơ hội cuối cùng' của Nhật Bản trong bài toán nhân khẩu học

Nhật Bản đang tận dụng mọi thời gian để đưa ra các biện pháp thúc đẩy tỷ lệ sinh ngày càng giảm. Chuyên gia nói 10 năm tới là cơ hội cuối để chính phủ đảo ngược xu hướng này.

'Cơn đau đầu' chung của Trung - Nhật - Hàn

Chia sẻ với Zing, chuyên gia cho rằng Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đang đối mặt với “cơn đau đầu” vì tỷ lệ sinh thấp xuất phát từ nhiều vấn đề chung.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm