Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá dầu thế giới bất ngờ giảm mạnh

Sau một ngày bật tăng, giá dầu bất ngờ giảm mạnh do Mỹ tính xả kho dầu dự trữ. Cùng với đó là việc hoạt động sản xuất tại Trung Quốc bị đình trệ, gây sức ép lên nhu cầu dầu.

Theo Trading Economics, sau khi bật tăng vào hôm 30/3, giá dầu ngày 31/3 lại bất ngờ giảm mạnh. Trong vòng 24 giờ qua, giá dầu thô Brent có thời điểm rơi xuống dưới 107 USD/thùng. Tính đến 15h30, loại hàng hóa này được giao dịch ở mức 109 USD/thùng, giảm gần 4% so với 24 giờ trước đó.

Trong khi đó, giá dầu WTI chứng kiến mức giảm gần 5% so với một ngày trước đó xuống còn 102,7 USD/thùng.

"Giá dầu quay đầu lao dốc sau thông tin chính quyền Tổng thống Joe Biden cân nhắc xả kho 1 triệu thùng dầu/ngày trong vòng vài tháng nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung do cuộc chiến ở Ukraine", chuyên gia tài chính Jeffrey Halley - phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại hãng OANDA - bình luận với Zing.

Gia dau giam anh 1

Sau khi bật tăng vào hôm 30/3, giá dầu WTI ngày 31/3 lại bất ngờ giảm mạnh. Ảnh: Trading Economics.

Washington tính xả kho dự trữ

Cụ thể, theo nguồn tin của Bloomberg, Mỹ có thể xả 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ nhằm hạ nhiệt thị trường. Kế hoạch của Mỹ cũng đi kèm với nỗ lực ngoại giao nhằm thúc giục Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) điều tiết nguồn cung dầu toàn cầu từ các quốc gia khác.

"Nếu kế hoạch đi đúng hướng, giá dầu có thể quay đầu lao dốc. Tuy nhiên, cho đến khi OPEC+ (Các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) tăng sản lượng, khoảng cách cung - cầu vẫn sẽ lớn", ông Halley cảnh báo với Zing.

Theo ông, các động thái tiếp theo của OPEC+ vẫn còn là ẩn số đối với thị trường dầu. "Tôi cho rằng dù những thành viên chủ chốt của nhóm vẫn thờ ơ với lời kêu gọi của Washington, họ cũng không muốn công khai phản đối thông qua việc cắt giảm mục tiêu tăng sản lượng", vị chuyên gia phán đoán.

Gia dau giam anh 2

Mỹ có thể xả 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ nhằm hạ nhiệt thị trường dầu. Ảnh: Reuters.

"Tôi cho rằng giá dầu Brent sẽ vẫn dao động trong vùng 100-120 USD/thùng, còn dầu thô WTI được giao dịch quanh 95-115 USD/thùng", ông Halley dự báo.

Theo ông, thị trường dầu có thể hạ nhiệt khi thỏa thuận hạt nhân Iran có tiến triển, cùng với mức tăng sản lượng hàng tháng của OPEC+ và việc xả kho dầu dự trữ trên toàn cầu.

Giới quan sát cho rằng các chính sách chống dịch của Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn - cũng đè nặng lên nhu cầu dầu đối với những hoạt động như đi lại, sản xuất, vận chuyển, từ đó cản trở đà tăng của giá dầu.

Nhu cầu dầu của Trung Quốc lao dốc

Cụ thể, Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) trong tháng 3 của Trung Quốc chỉ ra hoạt động của các nhà máy tại trung tâm công nghệ - thương mại Thâm Quyến và thành phố ôtô Trường Xuân đã bị cắt giảm.

Tại Thâm Quyến, các công ty như nhà cung cấp Hon Hai Precision Industry của Apple Inc. (hay còn được gọi là Foxconn) đã phải đóng cửa trong vòng một tuần.

Ở Trường Xuân - trung tâm công nghiệp chiếm khoảng 11% tổng sản lượng ôtô hàng năm của Trung Quốc vào năm 2020, các nhà sản xuất như Toyota Motor Corp. cũng buộc phải đóng cửa.

Nhu cầu dầu cũng có thể bị đè nặng khi Thượng Hải - thành phố có cảng container lớn nhất thế giới - ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới ngày càng gia tăng.

Hôm 28/3, Thượng Hải cho biết sẽ phong tỏa thành phố 26 triệu dân theo 2 giai đoạn khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao. Theo chính quyền thành phố, việc phong tỏa và xét nghiệm diễn ra trong vòng 9 ngày.

Trên mạng xã hội WeChat, chính quyền Thượng Hải cho biết giao thông công cộng, bao gồm cả các dịch vụ gọi xe công nghệ, tại khu vực này sẽ bị ngừng trong quá trình phong tỏa. Phương tiện giao thông cũng không được lưu thông trên đường nếu không được cho phép.

Thị trường dầu có thể hạ nhiệt khi thỏa thuận hạt nhân Iran có tiến triển, cùng với mức tăng sản lượng hàng tháng của OPEC+ và việc xả kho dầu dự trữ trên toàn cầu

Chuyên gia tài chính Jeffrey Halley

Thêm vào đó, giá dầu đã tăng phi mã trong những tuần qua bởi các khách hàng xa lánh dầu Nga. Nguồn cung dầu từ Nga do đó bị loại bỏ khỏi thị trường, khiến giá dầu tăng cao. Tuy nhiên, nỗi lo ngại đã giảm đi phần nào sau thông tin Ấn Độ và Trung Quốc đang tăng cường mua dầu Nga với giá rẻ.

Ấn Độ thường nhập khẩu dầu từ Iraq, Saudi, Arabia, UAE và Nigeria. Nhưng những quốc gia này đều đang điều chỉnh giá bán vì giá dầu tăng vọt. Nói với CNBC, các nhà quan sát tiết lộ lượng dầu mà Ấn Độ nhập khẩu từ Nga đã tăng lên đáng kể từ đầu tháng 3. Họ cho rằng New Delhi sẽ đẩy mạnh nhập khẩu dầu Nga giá rẻ hơn nữa.

"Ấn Độ nhập khẩu tới 85% lượng dầu tiêu thụ. Nếu giá dầu tăng cao, nền kinh tế sẽ trải qua cú sốc lớn. Do đó, nước này đang đàm phán với Nga để mua dầu với mức chiết khấu lớn", ông Dan Yergin - Phó chủ tịch S&P Global - chia sẻ.

Các hãng lọc dầu của Trung Quốc cũng âm thầm mua dầu Nga với giá rẻ. Không tham gia nhiều phiên đấu thầu để mua loại dầu Urals hàng đầu của Nga như những hãng lọc dầu quốc doanh Ấn Độ, theo giới thương nhân, các hãng lọc dầu quốc doanh Trung Quốc đang đàm phán riêng với bên bán.

Ngay cả những công ty tư nhân cũng âm thầm mua vào dầu thô ESPO từ cảng Kozmino phía đông nước Nga, theo nguồn tin giấu tên của Bloomberg.

Bài liên quan

Sasco bao lai gap 3 hinh anh

Sasco báo lãi gấp 3

0

Nhờ kết quả kinh doanh tích cực, cổ phiếu của Sasco đang ghi nhận đà tăng ấn tượng, bổ sung cả nghìn tỷ đồng vào vốn hoá.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm