Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đổi chuyến du lịch sang chảnh thành hành trình cứu trợ vùng lũ

"Không có những bức ảnh sống ảo, check-in xịn xò, đổi lại, chúng mình rất vui và tự hào khi phần nào giúp được nhiều bà con vùng lũ trong thời điểm hoạn nạn", Phan Lộc chia sẻ.

Một tháng trước, Phan Lộc (26 tuổi, TP.HCM) và nhóm bạn đã lên kế hoạch chi tiết cho chuyến du lịch miền Trung. Đó sẽ là những ngày check-in tại một resort sang chảnh ở Huế, ngắm hoàng hôn lãng mạn rồi khám phá các hang động kỳ vĩ.

Trước ngày khởi hành ít hôm, cơn lũ lịch sử kéo về nhấn chìm nhiều tỉnh thành của khúc ruột miền Trung, mọi kế hoạch thăm thú của nhóm cũng bị hủy.

Nhìn những hình ảnh đau thương liên tục được cập nhật trên báo chí, Phan Lộc và nhóm bạn nhanh chóng quyết định vẫn bay vào miền Trung, nhưng không phải để cố du lịch mà là thực hiện hành trình cứu trợ bà con vùng lũ.

531 triệu đồng

Quyết định vào miền Trung, Lộc cùng một số người quen trong nhóm từ thiện bắt đầu đứng ra kêu gọi ủng hộ tiền trên trang cá nhân để lấy kinh phí mua nhu yếu phẩm.

Ban đầu, đoàn định chuẩn bị 600 phần quà bởi chỉ có 100 triệu đồng. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người gửi tiền về ủng hộ, lúc bay đến Quảng Bình, nhóm đã nhận được tổng cộng 531 triệu đồng, đủ mua khoảng 1.600 suất quà.

cuu tro mien trung anh 1

Nhóm của Phan Lộc (ngoài cùng bên trái) tặng 1.600 suất quà trong 4 ngày.

Mỗi túi quà cứu trợ chủ yếu là thực phẩm gồm gạo, mì tôm, bánh, sữa, trứng, khoai, nước lọc, dầu gió, thuốc cảm, dầu ăn, cá hộp.

"Vì nhiều nơi nước còn ngập, bọn mình nhờ khách sạn luộc sẵn trứng, khoai rồi mới đem đi tặng. Khi nào nước nút, bà con có thể dùng gạo, cá hộp, mì sau", Lộc nói với Zing.

Ban đầu, gia đình không đồng ý cho Lộc đi cùng đoàn cứu trợ vùng lũ vì sợ nguy hiểm. Tuy nhiên, chàng trai 26 tuổi kiên định, thuyết phục gia đình đồng ý. Phan Lộc quan niệm chỉ cần có thêm một đoàn cứu trợ là thêm một thôn, bản có đồ tiếp tế.

"Vả lại, mình là người đứng lên vận động quyên góp nên phải có trách nhiệm đưa quà tận tay bà con vùng lũ. Quan trọng nhất là mình muốn đi để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, cho cộng đồng du lịch, để mọi người cùng chung tay hướng về miền Trung, giúp đỡ vượt qua khó khăn".

Hành trình cứu trợ

Ngày 20/10, đoàn của Phan Lộc bay chuyến sớm vào Quảng Bình. Sau khi đến khách sạn, cả nhóm chia nhau đi "săn" lương thực, người sữa, người gạo, mì rồi chia vào túi nhỏ.

16h30, nhóm đến một thôn nhỏ ở Ba Đồn, chuyển quà xuống ghe chở hàng để di chuyển vào trong tặng bà con.

"Nước chỉ còn ngập hơn đầu gối nhưng vẫn chảy khá xiết, cuốn theo bao đồ đạc, hoa màu, gia cầm. Đến từng nhà trao quà, nhìn những nụ cười xen nước mắt của người dân địa phương, bọn mình thấy quyết định đến đây thật chính xác", Lộc bày tỏ.

20h, cả đoàn về đến khách sạn, ai cũng bơ phờ sau ngày đầu lội nước song nhanh chóng tắm rửa, chuẩn bị tiếp đồ để hôm sau đi.

Ngày 21/10, 8 người chuyển sang xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy. Tương tự ngày đầu, những hình ảnh đau thương hiện ra trước mắt khiến Lộc và cả nhóm nhiều lần không khỏi xúc động.

Khi trở ra điểm tập kết lánh nạn của xã, đoàn trao thêm 150 suất quà cho những gia đình ở đây.

Ngày 22, 23/10, cả nhóm di chuyển dần từ Quảng Bình ra Quảng Trị, Huế, lặp lại lộ trình hoạt động của ngày trước.

"Xóm Dừa ở thị xã Hương Thủy là địa điểm cuối cùng chúng mình đến phát quà. Sau khi hoàn thành chuyến cứu trợ, mình hạnh phúc đến mức hét lên thật to vì vừa làm được điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời", Lộc nhớ lại.

24/10, ngày cuối cùng ở Huế, trời cuối cùng đã hửng nắng. Cả nhóm tranh thủ đi thăm thú một số ngôi chùa, đi ăn lấy sức và bay về TP.HCM chiều cùng ngày.

Không bao giờ quên

Sau khi du học Trung Quốc trở về, do thích đi du lịch, không muốn bị ràng buộc công việc văn phòng, Phan Lộc làm phiên dịch tự do và gia sư tiếng Trung. Mỗi lần hứng lên, chàng trai sinh năm 1994 lại "xách balo lên và đi".

Đến nay, Phan Lộc đã đến khoảng 50 tỉnh thành, nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, chàng trai 26 tuổi khẳng định với Zing không chuyến đi nào đáng nhớ như lần này.

cuu tro mien trung anh 6

Cả nhóm có chuyến đi đáng nhớ.

"Những ngày vừa qua là những ngày đầy cảm xúc, kỷ niệm và ý nghĩa mà mình sẽ không bao giờ quên".

Đó là vào ngày thứ 2 đi cứu trợ, khi ở xã Sơn Thủy, thuyền của cả đoàn suýt bị lật vì gió to, nước lớn. Khi ấy, nước lên sát miệng thuyền, may một số cán bộ xã đi cùng ứng phó được.

Đó là hình ảnh bà cụ ngoài 70 tuổi đến nhận quà cứu trợ. Lội nước thời gian dài, chân bà chị nước ăn, rỉ máu, phải lấy bì thư nhận từ Lộc đệm tạm vào cho đỡ đau.

Đó là những khi có thành viên bị lạnh do ngấm nước, những người còn lại nấu nước gừng cho uống để ấm người. Khỏe hơn, tất cả lại tiếp tục hành trình.

"Thật may là bọn mình đã vượt qua được những trở ngại trong lần đầu đi cứu trợ vùng lũ. Sau chuyến đi, không có những bức ảnh sống ảo, check-in xịn xò, đổi lại, chúng mình rất vui và tự hào khi phần nào giúp được nhiều bà con trong thời điểm hoạn nạn", Lộc chia sẻ.

'Không gọi được về quê nhà trong tâm bão, lòng tôi như lửa đốt'

Trước tình hình mưa bão, nhiều người con miền Trung đang xa quê không thể về hỗ trợ, chỉ biết liên tục cập nhật thông tin, cầu mong thiên tai mau qua.

Mai An

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm