Nguyễn Thục Nữ là cô gái trẻ gây ấn tượng ở nhiều chương trình truyền hình về trí tuệ. Đặc biệt, ở Siêu trí tuệ Việt Nam, khán giả phải thán phục khi cô thể hiện khả năng ghi nhớ thông tin 1.000 cuốn sách của hơn 200 tác giả trên khắp thế giới.
Ngoài niềm đam mê y khoa, bác sĩ trẻ Nguyễn Thục Nữ (25 tuổi) còn là quản trị viên của một câu lạc bộ những người thích đọc sách có hơn 70.000 thành viên. Cô chia sẻ với Zing về niềm đam mê đọc sách và những dự án mang sách đến mọi miền mà mình đang theo đuổi.
“Tôi đọc 1.020 cuốn sách, tương đương 400.000 trang”
- Tính đến hiện tại, Thục Nữ có nhớ mình đã đọc bao nhiêu sách không?
- Hiện tại, số sách tôi đọc đã tăng lên so với lúc ghi hình Siêu trí tuệ Việt Nam. Con số chính xác tôi chưa thống kê, nhưng khoảng 1.020 cuốn, tương đương 400.000 trang.
Cuốn nào tôi cũng đọc trọn vẹn chứ không đọc tóm tắt, đương nhiên cũng có cuốn tôi dành thời gian để đọc kỹ lưỡng nhiều lần.
Từ năm lên 7, tôi đã bắt đầu thích đọc sách. Tần suất đọc của tôi không cố định, trung bình 7-8 cuốn/ tháng. Nhưng cũng có khi hai ngày tôi đọc xong 5 cuốn.
Song, tôi không hề đặt ra mục tiêu là phải đọc số lượng như thế nào, nên tâm lý đọc rất thoải mái. Tôi tin nhiều người cũng làm như mình. Hơn nữa, số sách tôi đọc cũng chỉ là một giọt nước so với biển sách bao la của nhân loại.
- Đọc rất nhiều sách, nhưng đâu là những cuốn sách “gối đầu giường” của bạn?
- Nói khách quan thì hiện tại tôi thích văn học nước ngoài nhiều hơn một chút, cụ thể là văn học phương Tây. Có thể vì tôi thích nội dung, cách tư duy, lối dẫn dắt của các tác giả đó. Còn với văn học Việt Nam, tôi đặc biệt thích Tự lực văn đoàn với Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh…
Tôi thường đọc lại những cuốn sách mình đặc biệt thích như bộ truyện Harry Potter, Không gia đình hay loạt sách của Dan Brown. Ngoài ra, tôi còn thích thể loại non-fiction.
Cuốn sách có tác động lớn nhất đến tôi là Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Nó góp phần định hướng tương lai, là động lực khiến tôi chọn đi theo nghề Y. Mỗi khi mệt mỏi với nghề, chỉ cần mở một trang bất kỳ, đọc những dòng nhật ký ấy là ngay lập tức tôi lấy lại được nhiệt huyết trong công việc.
- Là bác sĩ y khoa nhưng bạn lại ít đọc sách y học thường thức, vì sao vậy?
- Tiêu chí đầu tiên để tôi chọn một cuốn sách là nội dung. Tôi thường xem qua giới thiệu trước khi quyết định đọc. Kế đến là tác giả và cuối cùng là mức độ phổ biến của cuốn sách đó.
Tôi là bác sĩ đa khoa, được đào tạo chính quy, kiến thức được học trong trường đã giúp tôi có cái nhìn chuẩn xác và sâu rộng đối với y khoa. Bởi vậy, thay vì đọc sách y học thường thức, tôi sẽ tập trung đọc sách chuyên ngành.
Câu chuyện từ trái tim, Để yên cho bác sĩ “hiền” - Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể hay Nơi ánh sáng không bao giờ tắt là những cuốn sách lấy đề tài về ngành Y khá nổi tiếng trong thời gian qua. Tôi đã đọc cả ba cuốn, nhưng câu chuyện của bác sĩ Trần Quốc Khánh trong Nơi ánh sáng không bao giờ tắt để lại ấn tượng cho tôi nhiều hơn cả.
Những cuốn sách như vậy khiến mọi người hiểu và đồng cảm hơn với nghề Y, đồng thời giúp những bạn đang có ý định vào ngành Y có cái nhìn tổng quát hơn trước khi đưa ra lựa chọn của mình.
Hiện có nhiều bác sĩ viết sách, tôi chỉ mong y khoa và sách sẽ không “bão hòa” vào nhau. Cá nhân tôi đang hợp tác với một bác sĩ (cũng là một chuyên gia trí nhớ) để viết cuốn sách về các phương pháp ghi nhớ trong học tập cũng như trong cuộc sống. Cuốn sách đã đến giai đoạn cuối và sẽ ra mắt trong vòng 2-3 tháng nữa.
Sách không phải công cụ tạo kỷ lục
- Từng nhiều lần đồng hành cùng chương trình Tủ sách nhân ái trên chặng đường trao gửi sách đến mọi miền, dự án này có ý nghĩa như thế nào với bạn?
- Tủ sách nhân ái là một hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm xây dựng tủ sách, thư viện cho cộng đồng, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên trên khắp cả nước. Đây là cơ hội để tôi được trải nghiệm, lan tỏa những cuốn sách và văn hóa đọc đến mọi người.
Tôi đồng hành với Tủ sách nhân ái nhiều lần, từ các trường ở TP.HCM, đến Lâm Đồng, Quảng Nam… Hoạt động này đã mang sách đến các vùng sâu, vùng xa, miền núi, thậm chí là trại giam. Nhờ thế, tôi tiếp cận gần hơn với những dự án tương tự, đồng thời cũng là bước khởi đầu ý nghĩa để tôi tiếp tục những dự định sắp tới.
Hiện tại, tôi hợp tác cho một dự án mới của một doanh nghiệp về trao tặng sách. Đây là một chiến lược rất hay trong việc thúc đẩy văn hóa đọc. Sơ lược là khi bạn mua một sản phẩm sẽ được tặng một cuốn sách, bạn đọc xong cuốn sách ấy và trả lời những câu hỏi sẽ được nhận thêm những phần quà.
- Vừa bận rộn với nghề Y, vừa cố gắng để xác lập và bứt phá kỷ lục, bạn sắp xếp ra sao với công việc admin của “Nhã Nam reading club” - một group có hơn 70.000 thành viên?
- Tôi trở thành admin của "Nhã Nam reading club" trước khi tham gia Siêu trí tuệ Việt Nam khá lâu. Lúc đó, tôi chưa hề có tên tuổi gì trong làng sách.
Hiện tại, công việc khiến tôi dành thời gian cho group này ít hơn trước, nhưng vẫn luôn theo dõi và quan tâm đến những hoạt động diễn ra trong group. Nơi đây cho tôi những trải nghiệm thú vị, tạo cơ hội để tôi tiếp cận gần hơn ngành xuất bản.
- Sách giúp gì cho cuộc sống của bạn hay chỉ đơn thuần là công cụ giúp bạn tạo nên kỷ lục cho một chương trình truyền hình?
- Tôi đọc sách được 20 năm rồi, trong khi đó Siêu trí tuệ Việt Nam mới diễn ra được 2 năm. Trước đó, tôi không hề biết sẽ có một chương trình như vậy xuất hiện, nên không thể nói sách chỉ đơn thuần là công cụ giúp tôi tạo nên kỷ lục cho một chương trình truyền hình.
Không chỉ trong những ngày giãn cách này, sách luôn là người bạn thiết đối với tôi. Hiện tại, tôi bận rộn hơn với công việc, cuộc sống khi vừa thoát khỏi vai trò của một sinh viên ngành Y. Nhưng tôi nhận ra bản thân mình càng thêm yêu những cuốn sách đã luôn đồng hành cùng tôi.
Đọc sách là cách rèn luyện trí nhớ và tư duy cực kỳ tốt. Tất cả chuyên ngành đều có sự liên quan với nhau. Sách sẽ giúp bạn hệ thống lại, tìm ra mối liên quan đó, kích thích khả năng suy nghĩ, lập luận, trí nhớ của bạn cũng từ đó mà cải thiện hơn rất nhiều.