Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch bệnh Ebola 2014 lớn nhất trong 4 thập kỷ

Hoành hành ở Tây Phi, cướp đi sinh mạng của gần 900 người trong số 1.600 người mắc, Tổ chức Y tế thế giới nhận định, dịch Ebola 2014 là lớn nhất trong lịch sử của căn bệnh này.

Chỉ trong 8 tháng qua, thế giới ghi nhận trên 1.600 trường hợp mắc virus Ebola, tỷ lệ tử vong chiếm quá một nửa, với gần 900 người tại 4 nước Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone.

Đặc biệt, trên 100 cán bộ y tế được ghi nhận đã nhiễm. Riêng 8 ngày cuối tháng 7 có tới 122 người mắc bệnh, trong đó 57 người tử vong.

Tại sao chúng ta bị nhiễm virút Ebola?

Bệnh Ebola (hay còn gọi là sốt xuất huyết Ebola) được phát hiện vào năm 1976 trong vụ dịch ở một ngôi làng gần sông Ebola, Congo, châu Phi.

Tiến sĩ Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho biết, chủng virus gây bệnh năm 2014 là Zaire Ebolavirus. Đây là loài gây bệnh nguy hiểm nhất trong 5 chủng Ebola (Zaine Ebolavirus, Bundibugyo Ebolavirus, Sudan Ebolavirus, Tai Forest Ebolavirus, Reston Ebolavirus).

Đã có gần 900 người tử vong do loại virus này - ảnh WHO
Nhân viên y tế chở thi thể một nạn nhân của virus Ebola ở Liberia vào tháng 7 vừa qua.
Theo Bộ Y tế, dịch virus Ebola (EVD) hay sốt xuất huyết Ebola (EHF) là tên gọi của một loại bệnh trên người có tỷ lệ tử vong cao đến 90%. Loài dơi quạ ăn trái (Pteropodidae) là ổ bệnh chính của virus này. Ngoài ra khỉ đột, vượn, lợn... cũng có thể trở thành vật trung gian truyền bệnh nếu chúng tiếp xúc với nước bọt hoặc phân dơi.

Tổng giám đốc WHO, tiến sĩ Margaret Chan, đã họp khẩn với tổng thống các nước Tây Phi và nhận định rằng đây là vụ dịch lớn nhất của căn bệnh này trong lịch sử gần 4 thập kỷ qua. Bà Chan cho rằng, dịch đang lan truyền nhanh, nếu các nước không nỗ lực kiểm soát phòng chống thì tình hình sẽ tồi tệ và nhiều sinh mạng sẽ bị cướp đi, nguy cơ lây lan sang các nước khác là rất lớn.

Có thể lây lan vào Việt Nam qua 4 nhóm người

Theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam thì bệnh dịch này được xếp vào nhóm A - tức nhóm bệnh nguy hiểm lây lan nhanh và tử vong cao.

Tại Việt Nam, virus Ebola có thể lây lan thông qua các nhóm: công dân VN đi công tác, lao động, học tập trở về từ vùng có dịch; công dân của các quốc gia khác có dịch nhập cảnh Việt Nam; người, nhân viên y tế chăm sóc điều trị tiếp xúc gần với người bị nhiễm, nghi nhiễm virus Ebola và người tiếp túc với động vật chết do nhiễm, nghi nhiễm virus Ebola.

Phân tích về nguyên nhân dẫn tới sự bùng phát của dịch năm 2014, tiến sĩ Trần Đắc Phu cho rằng, ngoài việc virus gây bệnh là chủng nguy hiểm nhất thì địa điểm xảy ra dich bệnh là khu vực các nước có dân số đông. Virus có thể qua biên giới, dịch bệnh nhanh chóng lan rộng sang các quốc gia lân cận.

“Do mai táng là phong tục tại các nước đang xảy ra dịch bệnh nên rất dễ lây nhiễm. Bên cạnh đó khu vực này điều kiện y tế kém, thậm chí không có điện nước. Người dân còn từ chối không thích sử dụng các biện pháp y tế hiện đại”, tiến sĩ Phu nói.

Chưa có vắc xin hay phác đồ điều trị

Theo các chuyên gia, virus Ebola có thể tác động đến toàn thân, tấn công tất cả các cơ quan và mô của cơ thể con người, ngoại trừ xương và cơ xương. Sốt xuất huyết Ebola biểu hiện ở tình trạng đông tụ máu và xuất huyết.

Khi xâm nhập vào cơ thể người, virus Ebola sẽ tạo ra các cục máu đông nhỏ, hình thành trong dòng máu của bệnh nhân. Những cục máu này khiến máu lưu thông chậm lại.

Các cục máu đông đồng thời gây tắc mạch máu, tạo ra đốm nhỏ trên da và phát triển lớn dần theo tiến trình mắc bệnh. Bên cạnh đó, các cục máu đông sẽ ngăn cản quá trình cung cấp máu đến nhiều cơ quan như phổi, não, thận, ruột, mô...

Tác động của vi rút Ebola đến cơ thể người - ảnh WHO
Tác động của virus Ebola đến cơ thể người. Nguồn: WHO.
Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng sau: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Ngoài ra, người bệnh sẽ có các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày.

Bộ Y tế cho hay, bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola cần được điều trị tích cực, được bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch.

Các bác sỹ nhân viên ở Guinea phải mặc quần áo và đeo găng tay không thấm nước, đeo khẩu trang và kính bảo hộ.

Nếu như trước WHO đánh giá nguy cơ lây theo đường du lịch là thấp, thời điểm này chuyển sang cảnh báo "chưa loại trừ lây sang đường hàng không". Trong khi đó, tổng giám đốc của cơ quan này kêu gọi cần khẩn cấp lập biểu đồ dịch bệnh chính xác và chi tiết.

TS Chan (Tổng Giám đốc WHO) cảnh báo, dịch bệnh đang gây ảnh hưởng tới một số lớn các y, bác sỹ và nhân viên y tế, một trong số lực lượng quan trọng nhất trong công tác khống chế dịch bệnh. Cụ thể, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 60 cán bộ y tế. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có vắc xin hay phác đồ điều trị cho căn bệnh này. 

"Tùy theo tình hình dịch tễ, chính phủ có thể áp đặt một số lệnh cấm vận như hạn chế tổ chức lễ hội tập trung đông người và các lễ hội hành hương", tiến sĩ Chan nói.

'Dịch Ebola đang tăng kinh khủng'

Dịch Ebola đã làm gần 900 người tử vong tại 4 nước Tây Phi và đang tăng từng ngày. Theo Bộ Y tế, bệnh dịch này “chưa loại trừ lây qua đường hàng không” vào Việt Nam.

Các quốc gia đồng loạt lên kế hoạch phòng chống dịch

Trên thế giới Senegal đã đóng cửa khẩu đất liền với Guinea đề phòng ngừa lây lan dịch bệnh. Liberia đã đóng hầu hết các cửa khẩu chính, nhiều công ty nước ngoài đang hoạt động tại 3 quốc gia trên đã hạn chế các nhân viện của họ đến nước này.

Các quốc gia Trung Quốc, Anh, Thái, Ấn Độ ... đã tăng cường các biện pháp kiểm tra tại sân bay.

Ngày 1/8, tổng thống Mỹ Obama đã có bài phát biểu trên truyền hình ngăn chặn sự lây truyền của virus ebola vào Mỹ. Tổ chức hòa bình Mỹ cũng rút 340 nhân viên tình nguyện của 3 quốc gia đang có dịch bệnh về nước.

Thiên Lam

Bạn có thể quan tâm