Tổ công tác của Bộ Công Thương vừa có buổi làm việc trực tuyến với một số doanh nghiệp phân phối lớn như Saigon Co.op, Central Retail, Aeon Việt Nam, MM Mega Market…
Theo đó, một số đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp vận chuyển mặt hàng tươi sống phản ánh việc một số tỉnh thành yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 18-6h gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa tươi sống.
Trước đây, 3-4h sáng các xe hàng chở trứng của công ty Ba Huân đã đến các siêu thị để giao hàng, nhưng hiện nay tất cả đều chuyển sang 7-7h30 nhận hàng vì 6h nhân viên siêu thị mới được ra đường.
"Có nhiều siêu thị 15h đã không nhập hàng. Do đó, 8 tiếng đồng hồ để giao hàng cho các hệ thống siêu thị tại TP.HCM là không xuể", đại diện công ty Ba Huân nói.
Tổ công tác cho biết sẽ kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến gửi lên Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo UBND các địa phương đang áp dụng giờ giới nghiêm có phương án ưu tiên cho một số lao động trong ngành thực phẩm tươi sống (sơ chế, chế biến, vận chuyển) được phép lưu thông sau 18h.
Đối với danh mục mặt hàng thiết yếu, tổ công tác cho biết Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Tổ đề Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ban hành thống nhất danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Trong đó có các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.
"Doanh nghiệp có thể liên hệ với Sở Công Thương địa phương, nơi doanh nghiệp có chuỗi cung ứng để đề xuất danh mục hàng thiết yếu cho phù hợp", đại diện tổ công tác Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Đại diện Tổ công tác cũng cho biết các vấn đề được các doanh nghiệp phân phối đề xuất như tiêm vaccine cho lao động, thiếu nhân lực làm việc, khó khăn trong lưu thông hàng hóa, hướng dẫn mở lại chợ… đều đã được Bộ Công Thương có văn bản đề xuất kiến nghị lên các Bộ ngành, Chính phủ để kịp thời xử lý.
Siêu thị lưu động kiểu mới tại TP.HCM
Sở Công Thương TP.HCM kết hợp với cửa hàng thực phẩm mở siêu thị lưu động trên xe bus, cung cấp thêm kênh mua sắm cho người dân. Rau củ, thịt, đồ gia dụng được bán với giá bình ổn.
Xe chở thịt, trứng vẫn bị chặn khi lưu thông sau 18h
Nhiều doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thiết yếu đang gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển, kể cả trong nội thành TP.HCM và đi liên tỉnh.
Khi quạt, bếp gas gặp khó vì không phải là 'hàng thiết yếu'
Quy định hàng hóa thiết yếu không chỉ gây bối rối trong khâu lưu thông hàng hóa mà còn khiến các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gặp trở ngại lớn.